Bổ cứu phương án sản xuất vụ đông sau mưa lũ

14/10/2013 20:27

(Baonghean) - Vừa qua, hoàn lưu bão số 8 và số 10 gây mưa to trên diện rộng tại địa bàn Nghệ An làm ngập úng 4.800 ha màu vụ đông. Để bảo đảm chỉ tiêu đã đề ra: 25.000 ha ngô, 12.000 ha rau màu các loại và 2000 ha lạc, các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực khắc phục khó khăn đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ đông.

Tại Thị xã Hoàng Mai, chính quyền và người dân đang tiến hành nhiều biện pháp nhằm khôi phục sản xuất vụ đông. Hiện nay, người dân phường Mai Hùng đã bắt đầu làm đất và làm ngô bầu để đưa ra đồng trồng. Trước lũ, toàn phường trồng được 18ha rau màu nhưng đã mất trắng, phường đang khuyến khích người dân tiếp tục trồng lại trên diện tích này và ưu tiên những giống cây ngắn ngày, phù hợp với thời tiết lạnh như bắp cải, su hào…

Còn ở phường Quỳnh Xuân, chính quyền địa phương khuyến khích người dân nỗ lực sản xuất, không bỏ hoang đất, đa dạng cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất nhằm khai thác tối đa hiệu quả trên đơn vị diện tích. Ông Vũ Văn Từ, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: Hiện nay, phường đã chuẩn bị đầy đủ giống ngô cho bà con sản xuất. Toàn phường đang tập trung làm ngô trên đất màu trong thời gian từ nay đến ngày 15/10. Đối với khoai lang, phường đang vận động người dân trồng trên những diện tích đất 2 lúa. Vụ đông năm nay toàn phường phấn đấu mở rộng diện tích thêm khoảng 15ha.

UBND Thị xã Hoàng Mai đã tổ chức cuộc họp nhằm bổ cứu vụ đông và bàn giải pháp giúp người dân có điều kiện sản xuất sau mưa lũ. Trong cơn lũ vừa qua, gần 1.000 ha ngô và rau màu vụ đông của toàn thị xã bị mất trắng. Để đảm bảo an ninh lương thực và kế hoạch sản xuất, thị xã chỉ đạo các địa phương căn cứ lịch thời vụ để bố trí cây trồng hợp lý. Đối với ngô, để không ảnh hưởng sản xuất vụ xuân năm sau, người dân không nên gieo trồng trên đất 2 lúa mà đẩy mạnh sản xuất trên đất màu từ nay đến 15/10, dự kiến khoảng 200 ha. Đối với lạc đã hết thời vụ, khuyến cáo người dân không nên gieo trỉa lại mà chuyển sang trồng các loại rau màu như hành, tỏi, su hào, bắp cải, dự kiến khoảng 630ha.

Nam Đàn là huyện có phong trào làm vụ đông, nhưng do ảnh hưởng của thời tiết nên tiến độ vụ đông bị chậm. Toàn huyện chỉ mới gieo trồng được 40% diện tích cây vụ đông. Để đảm bảo diện tích gieo trồng cây vụ đông, huyện tích cực chỉ đạo các xã đẩy nhanh tiến độ. Mọi vật tư phục vụ sản xuất đã được chuẩn bị sẵn sàng để cung ứng cho người dân gồm: 43 tấn giống ngô các loại, hàng trăm kg hạt giống rau, vật tư phân bón...

Bà con Nam Lộc (Nam Đàn) khẩn trương gieo trồng cây vụ đông.
Bà con Nam Lộc (Nam Đàn) khẩn trương gieo trồng cây vụ đông.

Ông Nguyễn Văn Lành ở xóm 1, xã Nam Lộc cho biết, năm nay gia đình ông và bà con địa phương làm màu chậm một phần vì mưa nhiều nhưng nguyên nhân chính do xã vừa chia lại ruộng. Nhà ông có 5 sào đất màu, trước đây chia 4 mảnh, nay dồn về 2 mảnh, được trồng 2 sào ngô lai, 1 sào ngô nếp. Còn 2 sào đất xấu hơn trồng sắn để đỡ chi phí. Theo lịch thời vụ, cả gia đình đang tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo trồng để kết thúc vào 15/10. Tại xóm 7, Nam Tân, ông Nguyễn Đình Quế và nhiều nông dân khác đang tập trung chăm sóc ngô xuống giống cuối tháng 8, đến nay cây ngô đã được gần chục lá.

Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Nhuần, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn được biết: Theo kế hoạch đề ra, vụ đông năm nay toàn huyện phấn đấu gieo trồng khoảng 5.000 ha ngô và rau màu các loại. Khả năng đến 15/10 khó hoàn thành kế hoạch. Do biến động thời tiết nên gần 1.000 ha ngô đông trên đất 2 lúa không thực hiện được. Huyện đã có kế hoạch bổ cứu chuyển một phần diện tích sang trồng rau. Đối với diện tích đất màu đang gieo trồng ngô tại thời điểm hiện tại, phải chuyển sang sản xuất giống ngắn ngày (tập trung loại giống từ 90-100 ngày) như A33, C919, CP 888, ngô nếp…). Để bù vào diện tích ngô trên đất 2 lúa, huyện chỉ đạo các địa phương chuyển sang trồng rau. Tập trung vào các giống rau chịu lạnh. Diện tích trồng rau tăng lên 1500 ha (vượt 200 ha so với chỉ tiêu đề ra). Ngoài các loại rau màu truyền thống năm nay, huyện chủ trương đưa các giống cây trồng mới như đậu, bí Đông Anh vào trồng. Để bảo đảm vụ đông thắng lợi toàn huyện đã phát động phong trào diệt chuột, ngoài việc tập trung bắt thủ công, các địa phương đã đặt gần 1 tấn bã sinh học. Kết quả diệt được hơn 625.000 con chuột.

Ở huyện miền núi Nghĩa Đàn, trong đợt mưa vừa qua có hơn 300/500ha ngô và rau màu các loại bị ngập mất trắng. Phòng Nông nghiệp huyện chỉ đạo bà con tích cực khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất đạt chỉ tiêu đề ra: 200 ha ngô, 250 ha rau màu. Nghĩa Hội là xã có phong trào làm vụ đông khá của huyện. Toàn xã có hơn 80 ha cây vụ đông, chủ yếu rau màu các loại. Theo ông Trần Văn Duyệt, Trưởng Ban Nông nghiệp xã, hiện nay bà con đang tranh thủ thu hoạch lúa mùa. Song song với đó, các vườn ươm trong vườn nhà dân đang ươm các loại cây giống như su hào, cải bắp, cà pháo… đã được xuống giống. Cũng theo ông Duyệt, bà con trong xã đang tính toán chọn thời điểm gieo trồng để có sản phẩm đưa ra thị trường trước những vùng khác để có hiệu quả cao hơn.

Để làm được điều đó ngay trong mùa lũ nhiều hộ dân đã làm bầu ươm giống, hoặc chọn những vùng đất cao làm giàn che mưa, xuống giống. Khó khăn trong sản xuất vụ đông của Nghĩa Hội nói riêng và Nghĩa Đàn nói chung là thiếu lao động. Thời điểm sản xuất vụ đông trùng vào mùa thu hoạch mía, hái cà phê, thu hoạch sắn… Người dân sẵn sàng bỏ ruộng để đi làm thuê có “tiền tươi”. Điều đó cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ cũng như chất lượng sản xuất vụ đông.

Để bảo đảm sản xuất vụ đông thắng lợi, ngay sau bão số 10, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có công văn chỉ đạo với những biện pháp khắc phục cụ thể trên từng vùng đất, từng loại cây, đã giúp cho các địa phương có định hướng sát, phù hợp điều kiện sản xuất của từng vùng. Sở cũng đề nghị các địa phương khẩn trương tổng hợp tình hình thiệt hại của địa phương mình, Sở sẽ trình UBND tỉnh để người dân được hỗ trợ theo Quyết định 09 và 35 của UBND tỉnh. Để tháo gỡ khó khăn cho bà con, sau khi có quyết định của UBND tỉnh các ngành có liên quan như Nông nghiệp, Tài chính, Kho bạc cần nhanh chóng hoàn thành các thủ tục để giải ngân. Tránh tình trạng tiền hỗ trợ bão lụt của năm nay năm sau mới nhận được.

Bài, ảnh: Anh Tuấn