Trăn trở du lịch cộng đồng ở Con Cuông

27/11/2013 15:21

(Baonghean) - Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt là một trong ba vùng lõi quan trọng nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An. Nhằm phát huy những thế mạnh về thiên nhiên và con người nơi đây, từ năm 2011 với sự giúp đỡ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) mô hình du lịch cộng đồng đã được triển khai. Tuy nhiên, mô hình này vẫn chưa phát huy hết lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương…

Ngôi nhà sàn của chị Lô Thị Hoa ở bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông là một trong những ngôi nhà còn nguyên những nét truyền thống của dân tộc Thái. Đón chúng tôi là một phụ nữ gần 40 tuổi, nhanh nhẹn, tự tin, đã quen với việc đón khách. Nhìn cách nói chuyện của chị, khó có thể tin được chị chỉ là một nông dân thuần túy, chỉ quen với việc đồng áng và lần ra khỏi bản làng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Như để lý giải cho băn khoăn, thắc mắc của tôi, chị nói: “Nhờ làm du lịch cộng đồng chị mới có thể mạnh dạn như thế”. Cái “duyên” làm du lịch của chị bắt đầu từ một bữa ăn: “Hôm đó có khách dưới xuôi lên, trưởng bản có nhờ tôi nấu đãi khách. Băn khoăn chẳng biết người Kinh họ thích ăn gì nên tôi chọn các món đặc sản của người Thái. Rất bất ngờ, trong đoàn có một người khách nước ngoài, họ đặc biệt thích cách đón tiếp, mời khách của bà con chúng tôi. Khi về nước, họ gửi thư qua Ban quản lý rừng quốc gia Pù Mát muốn chọn nhà tôi là một trong những điểm để làm du lịch cộng đồng.”

Khách du lịch đi thuyền trên sông Giăng – một điểm đến trong tua du lịch cộng đồng ở Con Cuông.
Khách du lịch đi thuyền trên sông Giăng – một điểm đến trong tua du lịch cộng đồng ở Con Cuông.

Để thực hiện dự án trên, vợ chồng chị Hoa và một số gia đình khác được theo đoàn của Tổ chức UNESCO và các thành viên trong ban chỉ đạo đi thực tế tại bản Lác, một trong những điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Kế đó là các buổi tập huấn, thực hành về xác định tour, tuyến du lịch tại bản, cách tiếp thị dịch vụ, sản phẩm du lịch, cách đón tiếp khách của thôn bản, học nấu ăn… Qua những buổi tập huấn, người dân dần dần có ý thức về làm du lịch. Nhà chị Hoa, sau hơn hai năm đón khách với khoảng 30 đoàn khách đã nghỉ tại nhà, gia đình chị đã từng bước thay đổi để hợp hơn với nhu cầu của khách.

Đó là xây nhà vệ sinh tự hoại, sơn sửa lại nhà cửa để khang trang hơn, trồng thêm nhiều cây xanh trong vườn. Chị cũng ý nhị cất bớt giường trong nhà bởi khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài thường thích ngủ giữa sàn nhà hơn là ngủ trên giường bởi như vậy sẽ thoải mái hơn. Tuy vậy, có thay đổi gì thì theo chị “mình vẫn phải giữ nguyên nếp sống của gia đình mình, của đồng bào Thái mình, bởi đó mới là nét độc đáo, nét đặc sắc của người vùng cao Nghệ An”. Chị Hoa cho tôi xem một bức thư mà hai vợ chồng ông bà Pusây (người Úc) gửi cho gia đình chị sau chuyến du lịch 2 ngày đi thăm rừng quốc gia Pù Mát và ăn ngủ tại nhà “cảnh và dịch vụ ở quê hương rất đẹp nhưng tôi xúc động hơn cả là cách đón tiếp của những người dân thôn quê nơi đây. Chúng tôi chắc chắn sẽ còn quay trở lại.”

Từ khi triển khai đến nay, đã có gần 50 đoàn khách trong nước và quốc tế đã đến tham quan Pù Mát và nghỉ lại theo mô hình du lịch cộng đồng. Ông Nguyễn Huy Chương - Trưởng phòng Văn hóa huyện Con Cuông cho rằng: “Đây là một mô hình mới, rất đặc sắc và riêng biệt. Nếu phát huy được, về lâu dài sẽ là thế mạnh của Con Cuông và của tỉnh Nghệ An”.

So với nhiều khu du lịch khác, du lịch cộng đồng Con Cuông có nhiều lợi thế mà ưu điểm rõ nhất chính là sự thuần túy, tự nhiên, chưa bị “du lịch hóa”. Ở đây có thác khe Kèm, sông Giăng, khu rừng Săng Lẻ, khe nước Mọc, đập Phà Lài là những điểm nghỉ mát hoàn toàn tự nhiên. Du khách khi đi thăm và ở lại các bản như bản Nưa, bản Bảo Thành, bản Thái Hòa, bản Làng Xiêng của 4 xã: Bồng Khê, Yên Khê, Lục Dạ, Môn Sơn có cảm giác được hòa vào cuộc sống bình dị của đồng bào Thái, được nghe hát dân ca, uống rượu cần và thưởng thức các món ăn đặc sản. Khách du lịch, nhất là khách nước ngoài thích hình thức du lịch vừa có tính trải nghiệm, vừa có sự khám phá như thế này. Trên thực tế, chỉ riêng năm 2012, huyện Con Cuông đã đón gần 17.000 khách, trong đó có hơn 200 khách quốc tế. Đa phần đều chọn chuyến tham quan xung quanh Vườn quốc gia Pù Mát.

Cũng với những lợi thế đó, có thể xem du lịch cộng đồng là một hình thức du lịch phù hợp nhất ở Con Cuông hiện nay, nhất là khi hệ thống nhà nghỉ, khách sạn ở đây chưa đáp ứng được nhu cầu của lượng khách cư trú. Tuy nhiên, con số gần 50 đoàn khách trong hơn 2 năm qua là quá ít so với tiềm năng sẵn có. Tìm hiểu có nhiều nguyên nhân khác nhau. Thứ nhất là công tác quảng bá còn hạn chế. Hiện tại Ban quản lý Vườn quốc gia Pù Mát là đơn vị chủ trì thực hiện mô hình này nhưng lâu nay việc giới thiệu, liên doanh liên kết chưa được chú trọng và đầu tư bài bản.

Thế nên, khách đến Pù Mát khá đông nhưng chủ yếu là tự phát, đi về trong ngày chứ chưa ở lại để thưởng thức các nét văn hóa vùng miền. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất đang tạm bợ. Hiện trong quy hoạch đã xây dựng 4 bản để phát triển du lịch cộng đồng nhưng ngoài bản Nưa thì các bản khác vẫn chưa hoạt động được. Tìm hiểu tại bản Làng Xiêng, ông Ngân Thanh Mãi, trưởng bản cho biết: “Bản đã chọn 6 ngôi nhà để làm điểm cư trú phát triển du lịch cộng đồng nhưng các nhà còn thiếu thốn nhiều lắm, đặc biệt là về điều kiện ăn ở, ngủ nghỉ. Khách du lịch họ đến thấy sơ sài nên họ không thích…”.

Ngoài ra, do khu vực Vườn quốc gia Pù Mát là khu vực biên giới sát với nước bạn Lào nên để đón được khách nước ngoài cần phải có sự đồng ý của cơ quan công an về thủ tục xuất nhập cảnh. “Hiện nay ở Nghệ An chưa có sự phối hợp giữa các ngành văn hóa, công an và chính quyền địa phương nên việc làm thủ tục vào khu vực biên giới còn mất khá nhiều thời gian và thủ tục phiền hà. Thế nên, đã có nhiều công ty du lịch ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh muốn liên kết để thực hiện các tour này trong hành trình xuyên Việt nhưng sau đó thấy có nhiều vướng mắc trong thủ tục giấy tờ nên “ngại” không triển khai”, ông Lê Thành Đô – Phó phòng Giáo dục môi trường – du lịch, Ban quản lý Vườn quốc gia Pù Mát cho biết.

Không thể phủ nhận phát triển du lịch cộng đồng là một trong những giải pháp để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái, đồng thời tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân địa phương góp phần giảm áp lực của người dân vào tài nguyên rừng. Tuy nhiên, để phát huy những lợi thế này, cần có cơ chế chính sách và sự phân chia trách nhiệm đồng bộ giữa Vườn quốc gia Pù Mát với chính quyền, các đơn vị, tổ chức đoàn thể địa phương, xây dựng, ban hành và thực hiện một số chính sách nhằm phát huy những lợi thế và hạn chế khó khăn để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.

Có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về vốn để người dân đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân trong việc phát huy lợi thế văn hoá, cảnh quan tự nhiên để phát triển du lịch; hình thành nên các nhóm nòng cốt trong phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Tăng cường công tác quảng bá thông qua phát hành các tờ rơi, cẩm nang du lịch… và thông tin điểm, tuyến du lịch trên website của vườn quốc gia hay website xúc tiến du lịch Nghệ An và của Việt Nam. Ngoài ra, cần chú trọng triển khai thực hiện chương trình bảo vệ Vườn quốc gia Pù Mát; phối hợp với các lực lượng chức năng để có phương án bảo vệ an toàn, ngăn chặn các hành động phá hoại môi trường sinh thái VQG; thực hiện đủ, đúng các nguyên tắc của du lịch vùng biên.

Mỹ Hà