Người góp nguồn vào dòng chảy dân ca Thái
(Baonghean) - Ông từng xuất hiện trên các trang báo, khi là nhân vật với mệnh danh “người truyền giữ chữ Thái”, và đôi khi lại là tác giả của một bài viết về văn hóa đồng bào mình. Và gần đây, cựu nhà giáo Lô Khánh Xuyên cho ra mắt cuốn sách “Hát giao duyên người Thái” kết quả của nhiều năm lao động miệt mài tâm huyết, cũng là nguồn chất liệu để ông truyền lửa cho các thành viên CLB Dân ca nhạc cổ người Thái, huyện Quế Phong, do ông làm chủ nhiệm...
Căn nhà nhỏ nơi bản Dổn, xã Mường Nọc nằm bên con đường bản đang ì ầm tiếng xe, máy làm giao thông nông thôn mới. Nắng cuối đông xuyên qua tán cây xanh rợp, hươm vàng vuông sân nơi già bản đang hí húi ghi ghi chép chép. Nhấc cặp kính hiền lành ngó cười đón khách, cựu nhà giáo Lô Khánh Xuyên vội ủ tích pha trà...
Ông Lô Khánh Xuyên và vợ ở bản Dổn |
Nhớ đầu năm gặp ông ở một hội nghị già làng, người có uy tín ở TP. Vinh, tôi xin cái hẹn có ngày lên bản quê ông trò chuyện về kho tàng vốn cổ chữ Thái mà ông và một số nhà sưu tầm tâm huyết khác đang dày công lưu giữ... Độ tuổi 78, hễ chạm vào ký ức là dào dạt về bao nỗi niềm của người xa đất cũ, có khi lỡ quên một điều đáng nhớ là cứ phải mãi trách móc mình nhạt tình nhạt nghĩa, để rồi chờ đợi có dịp níu áo tri âm mà trút bầu tâm sự tưởng như suối chảy, như gió ngàn. Thế nên, giờ tôi không muốn khơi gợi về thuở hoa niên mồ côi của ông nơi Piếng Chảo bản quan lang của xã Châu Kim, dưới chân đền Chín Gian thần thoại nữa…
Đã 30 năm rồi, ông về hưu ở cương vị Trưởng phòng Giáo dục huyện để có thời gian bắt tay vào thực hiện dự định lớn của mình là sưu tầm, truyền giữ chữ Thái cổ đang nguy cơ biến mất trong cộng đồng người Thái Nghệ An. Bước chân quen lội suối, vượt đèo thời còn là một anh giáo trẻ cho đến khi trở thành Trưởng phòng Giáo dục huyện tại vị lâu nhất (từ 1964 – 1983), đã đưa ông tới tất cả các bản mường trên khắp miền Tây Nghệ An, đắm mình trong những đêm hội cồng chiêng bập bùng lửa rừng, tri kỷ với những ông thầy mo để lắng đọng lại bao giá trị văn hóa Thái mà theo ông từng thăng hoa không kém phần rực rỡ, nay đã trầm tích, có “vỉa” hóa xa xăm vốn cổ.
Những nuối tiếc chen lẫn xót xa khi được cầm trên tay một văn bản chữ Thái cổ đã có phần mục nát, sự vui mừng tột độ khi sưu tầm được một câu hát cổ từ một thày mo bản vùng sâu... ông đều âm thầm trải lên những trang giấy khi tham gia biên soạn, viết cho hàng chục đầu sách về lịch sử, truyền thuyết, đất và người miền Tây Nghệ An trong dòng chảy văn hóa của dân tộc mình. Và nay, ông đã có trong tay mình một cuốn sách riêng khá dày dặn!
Nhà giáo Lô Khánh Xuyên lần giở cuốn “Hát giao duyên người Thái Nghệ An”, rồi khẽ cất giọng hát:
“Làm xông phai quà ban nhái chú dảm khạch táng cảy
Chái hến bọc pục phống na tàng xỏn lón
Bọc món phổng hủa nón lải ngà...”.
(Cùng bạn bè thân hữu đến đây
Đến đây rực cánh hoa xinh
Biết đâu gửi gắm chữ tình cùng ai...”.
Và rồi, ông dẫn tôi về những đêm hội nghiêng choé rượu cần bập bùng ánh lửa; hay đêm quay xa dệt vải trong thì thầm suối khuya dưới vằng vặc trăng rừng. Và giữa những rạo rực nồng nàn ấy, trong mời gọi mê hoặc ấy, thao thiết như không dứt những điệu hát giao duyên của trai gái bản. Hơn cả tình yêu nam nữ, hơn cả những khao khát được bày tỏ nỗi niềm trước những ràng buộc tục lệ để đến với nhau, say đắm bên nhau cho đến ngày được về ở với nhau thành chồng, thành vợ, thì “hát giao duyên (của người Thái) còn thể hiện tính đặc thù của một dân tộc sống ở vùng cao ít tiếp xúc, tính cách thùy mị kín đáo, giàu tình cảm. Khiêm tốn thể hiện tình cảm tha thiết, chân thật với những ca từ mượt mà, đằm thắm với lối ví von, bóng bẩy từ xa đến gần...”.
Hát giao duyên của đồng bào Thái nói riêng cũng như ca dao, tục ngữ nói chung đều có không gian, khung cảnh thể hiện phù hợp. Nhà giáo Lô Khánh Xuyên cho hay, bây giờ có nhiều câu hát nói đến cách ứng xử tinh tế thường ngày hay để cổ vũ cho tinh thần lao động gần như chỉ còn đơn thuần là vốn cổ cần lưu giữ mà không được phổ biến dân gian hóa nữa; ví như nếp nhà sàn xưa thường đơn giản, có khe hở sàn nhà để có câu ca nhắc nhở (dịch): “Nhổ nước bọt phải xem khe hở nhà sàn/Ngồi xổm phải xem lại cái quần chân váy đang mặc”. Rồi, khi nghề dệt thổ cẩm đang thất truyền dần, giờ hiếm những đêm hội gái bản quay xa dệt vải dưới trăng ngàn mà hát “Mời trăng xuống trăng ơi...”, hay bên ánh lửa rạo rực hát cho cả làng nghe, tâm tư đắm đuối vào đường kim mũi chỉ: “Ước gì anh là cái thoi để em luồn sợi dệt nên tấm vải đẹp...”.
Hồi ức của cựu nhà giáo Lô Khánh Xuyên chợt trở về xa hơn vào quãng năm 1955, khi lớp học sự phạm cấp I của ông được gặp Bác Hồ ở Hà Nội, nghe Người dặn dò: “Phải đoàn kết, học giỏi để mở mang quê hương, để dân tộc mình tiến kịp các dân tộc khác”. Lời dặn dò ấy theo ông suốt những năm tháng sau này, và trong quá trình đi sưu tầm vốn dân ca Thái, ông nhận thấy ở đó một tính văn hóa rất cao, nếu được sưu tầm đầy đủ, truyền giữ một cách bài bản, sẽ trở thành một di sản quý báu, một kho tàng ngôn ngữ văn học chọn lọc, từ đó góp phần giúp cho cộng đồng dân tộc Thái có thể hội nhập văn học - văn hóa một cách bình đẳng với các dòng chảy văn hóa của các dân tộc khác. Tâm niệm đó còn được ông thấm nhuần từ câu răn dạy của cha ông để lại: “Quán xỏn hấu chữ chẳm cưa váy/Nhà đây lứm xỉa ho mẹ táy váng hít mướng tẩy” (Lời nhắn nhủ phải gìn giữ mai sau/Chớ để lãng quên những tục của người xưa để lại).
Vợ chồng cựu nhà giáo Lô Khánh Xuyên có 8 người con, nay đều trưởng thành, chăm chỉ công tác, lao động gắn bó với bản làng. Ông bà nay sống thanh bạch nơi bản nhỏ, chờ đợi những buổi con cháu về sum vầy. Thỉnh thoảng, ông lại lần giở những văn bản cổ, những câu hát ông sưu tầm được để hát, giải nghĩa cho bà nghe. Sức yếu rồi, đôi chân không đi mường xa bản gần được nữa, tháng một lần ông lại chủ trì sinh hoạt CLB Dân ca nhạc cổ Quế Phong.
CLB được thành lập từ tháng 10/2012, có 18 thành viên tuổi đời từ 60 – 75, đều là những người đam mê ca hát, sáng tác những làn điệu dân ca dân tộc Thái. Những mái tóc bạc quây quần bên nhau, hát cho nhau nghe các sáng tác mới, luyện chất giọng, điệu khèn... để đến dịp Tết Nguyên đán, tết lúa mới, Lễ hội Đền Chín gian, các hội vía... lại có mặt để vừa trao truyền lại các làn điệu cổ, vừa hát tuyên truyền lời mới đả kích những thói hư tật xấu, vừa khơi gợi những nét đẹp trong cuộc sống thường ngày. CLB cũng phối hợp với các nhà trường trên địa bàn cử học sinh có năng khiếu, có đam mê đến học nhuôn, xuối, nhạc cụ; chú trọng cho các cháu tiếp cận từ ngữ cổ để kiên trì kéo lại cách hát dân ca Thái của lớp trẻ nay đã “đi” quá xa các làn điệu cổ. Dự kiến trong năm 2014, CLB sẽ tuyển chọn một số thành viên để đề nghị Nhà nước công nhận danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”. Đó là những “người hát” phải có trình độ hiểu biết nhất định, ứng khẩu ngôn ngữ văn học tốt, biết đọc chữ Thái.
Một số đầu sách ông Lô Khánh Xuyên tham gia biên soạn hoặc chủ biên. |
Là người đứng tên chịu trách nhiệm sưu tầm, biên soạn và dịch (ra tiếng Việt) cuốn Hát giao duyên người Thái Nghệ An, nhưng cựu nhà giáo Lô Khánh Xuyên coi đó là thành quả của cùng rất nhiều người. Cuốn sách cũng là tài liệu để các thành viên CLB Dân ca nhạc cổ huyện Quế Phong tham khảo, làm phong phú, dày dặn lên phương thức sinh hoạt, từ đó không ngừng góp ý để hoàn thiện hơn. Cầm trên tay cuốn sách dày hơn 160 trang, được biên soạn công phu với các phần phiên âm tiếng Thái, phần dịch ra tiếng Việt của những khúc hát gặp gỡ, khúc hát tỏ tình, hát đi rừng... tôi thầm chúc cho nhà sưu tầm, nghiên cứu Lô Khánh Xuyên được như cây lim cổ thụ giữa rừng, càng già càng chắc lõi gỗ quý, càng tỏa bóng mát để đeo đuổi tận cùng hơn mục đích như ông tâm niệm: Phải khẩn trương, rất khẩn trương để giữ lại vốn âm nhạc cổ, dân ca đồng bào Thái Nghệ An.
Đình Sâm