Nghịch cảnh ở xứ “cờ hoa”

05/10/2013 00:04

Bệnh nhân chờ chết mà không được điều trị vì bệnh viện đóng cửa, điện thoại văn phòng tổng thống cũng bị khóa, an ninh và kinh tế đất nước có thể gặp nguy, trong khi các đồng minh của Oa-sinh-tơn cũng có thể bị vạ lây… Nước Mỹ đang xuất hiện ngày càng nhiều nghịch cảnh vì tình trạng một bộ phận cơ quan chính phủ phải ngừng hoạt động đã bước sang ngày thứ tư mà chưa có dấu hiệu nào cho thấy vấn đề cấp ngân sách liên bang sẽ được giải quyết.

Người dân Mỹ biểu tình phản đối tình trạng chính phủ ngừng hoạt động. Ảnh: AP
Người dân Mỹ biểu tình phản đối tình trạng chính phủ ngừng hoạt động. Ảnh: AP

Kể từ khi lệnh đóng cửa một bộ phận các cơ quan chính phủ được thi hành, hoạt động tại một nơi quan trọng như văn phòng Tổng thống B.Ô-ba-ma cũng gần như tê liệt vì mọi cú điện thoại gọi đến đây đều bất thành. Phóng viên của tờ “Thời báo Niu Y-oóc” đã cố gắng gọi điện đến Nhà Trắng nhưng đáp lại chỉ có lời nhắn thoại tự động: “Xin chào, bạn đã gọi điện đến văn phòng của tổng thống. Chúng tôi xin lỗi, nhưng do sự chậm trễ trong việc cấp ngân sách liên bang, chúng tôi không thể nhận cuộc gọi của bạn. Một khi ngân sách được khôi phục, hoạt động của chúng tôi sẽ tiếp tục. Vui lòng gọi lại vào thời điểm đó". Đây có lẽ cũng là “thông cáo” chung của tất cả những cơ quan phải “ngồi chơi xơi nước” hiện nay ở Mỹ để giải thích cho tình trạng trớ trêu này của mình.

Thậm chí, Tổng thống B.Ô-ba-ma đã phải thông báo hoãn chuyến công du tới châu Á vì không có ngân sách cho chuyến đi. Như vậy đương nhiên, ông B.Ô-ba-ma sẽ không thể tham dự hai hội nghị quan trọng sắp tới là Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở In-đô-nê-xi-a và Hội nghị cấp cao ASEAN ở Bru-nây - nơi Mỹ có thể khẳng định tiếng nói, vai trò cũng như mối quan tâm của mình ở khu vực. Trước tình thế “lực bất tòng tâm” này, có nhà phân tích đã bình luận rằng “chính sách xoay trục về châu Á của Mỹ bị hụt hơi”. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cảnh báo việc đóng cửa lâu dài chính phủ có thể làm trì hoãn các khoản viện trợ quân sự cho các đồng minh của Mỹ, bao gồm cả đồng minh chiến lược ở khu vực Trung Đông là I-xra-en.

Như vậy xem ra, hệ lụy của việc chính phủ ngừng hoạt động không chỉ dừng lại ở khía cạnh kinh tế, xã hội, vì chẳng những tác động tới các vấn đề đối nội mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Oa-sinh-tơn.

Trong nước, những nạn nhân trực tiếp nhất có lẽ là những bệnh nhân đang được điều trị trong các bệnh viện công buộc phải đóng cửa như cô Mi-sen-lê Lang-ben (Michelle Langbehn), 30 tuổi đang phải trải qua đợt điều trị căn bệnh nan y ung thư trong một thời gian dài. Trong khi căn bệnh quái ác vẫn tiếp tục lan rộng hành hạ cơ thể, thì các bác sĩ đã buộc phải ngừng thử nghiệm lâm sàng một loại thuốc mới cho cô vì bệnh viện đóng cửa. Còn khoảng 200 bệnh nhân ung thư nữa như Lang-ben ở bệnh viện NIH ở Bê-thê-xđa, bang Ma-ri-len phải chịu chung thảm cảnh như cô, trong đó có cả các em bé.

Về nguy cơ đối với an ninh quốc gia, ông Giêm Cláp-pơ (James Clapper), Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ cho rằng, đây là cơ hội vàng để xâm nhập nước Mỹ đối với những phần tử khủng bố và các điệp viên nước ngoài. Vì hiện nay, 70% số điệp viên và chuyên gia phân tích tình báo của Mỹ đã phải nghỉ việc. Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ cũng cho rằng, đây còn là cơ hội cho các cơ quan tình báo nước ngoài đang tìm cách tuyển chọn các điệp viên tại Mỹ. Ông lo ngại các kẻ thù của Mỹ có thể tuyển chọn điệp viên dễ dàng hơn trong số các nhân viên của Mỹ đang phải nghỉ việc và gặp thách thức tài chính. Vì tình trạng mất việc làm, mất thu nhập có thể khiến một số nhân viên tình báo Mỹ dễ bị dao động và mua chuộc, cũng như nhận hối lộ.

Nguy cơ đối với nền kinh tế còn rõ hơn khi có thêm nhiều cảnh báo về những thảm họa nếu Mỹ vỡ nợ. Chính phủ đóng cửa một phần càng đẩy nước Mỹ tới gần hơn “bờ vực” vỡ nợ. Nhằm thúc đẩy việc Quốc hội phê chuẩn việc tăng trần nợ quốc gia, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố nghiên cứu mới nhấn mạnh các ảnh hưởng tiêu cực đối với kinh tế vĩ mô, đẩy nước này lâm vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái. Hệ lụy lớn hơn là tạo hiệu ứng lan tỏa tiêu cực tác động tới nền kinh tế toàn cầu, dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới giống như năm 2008, thậm chí là tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, những hệ lụy đang hiển hiện dường như cũng không làm lung lay được “ý chí” của hai phe chính trị ở Mỹ là đảng Cộng hòa và Dân chủ với đầy những mâu thuẫn thể hiện qua “những cuộc chiến nảy lửa” giữa Thượng viện và Hạ viện ở Quốc hội. Kể từ khi đóng cửa, hôm 3-10, Tổng thống B.Ô-ba-ma lần đầu tiên đã triệu tập các lãnh đạo chóp bu của hai đảng tại Quốc hội để thương lượng và tìm giải pháp tháo gỡ bế tắc. Thế nhưng, cả hai bên đều không có bất kỳ nhượng bộ nào nhằm mở cửa lại những công sở đang phải đóng cửa. Những phân tích cho rằng, “việc chính phủ Mỹ bị đóng cửa là hệ quả của những tính toán quyền lợi đảng phái nhằm tranh thủ cử tri” xem ra chẳng sai. Phe Dân chủ thừa biết rằng, việc chính phủ phải đóng cửa do áp lực của đảng Cộng hòa có thể có lợi cho họ.

Tình trạng hiện nay của nước Mỹ có thể coi là đỉnh điểm của những mâu thuẫn giữa hai phe chính trị ở nước Mỹ và cho thấy, Mỹ đang trong một cuộc khủng hoảng chính trị leo thang như Tổng thống B.Ô-ba-ma thừa nhận. Rõ ràng, việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa không chỉ là sự tê liệt về hành chính mà còn phản ánh một tình trạng bất ổn lớn hơn ở nước Mỹ.

Cũng trong bối cảnh ấy, ở xứ sở “cờ hoa” lại xuất hiện nghịch lý khi một loạt các ông nghị Mỹ đã từ chối nhận lương hoặc tuyên bố sẽ dùng lương của mình làm từ thiện trong thời gian chính phủ ngừng hoạt động, vì thấy xấu hổ và không xứng đáng trong bối cảnh hiện nay.

Sẽ dễ hiểu khi hành động trên là để bày tỏ sự ăn năn hay khắc phục hậu quả vì chính họ cũng là những người tạo ra nghịch cảnh hiện nay cho đất nước khi bỏ những lá phiếu quyết định ở đồi Cáp-pi-tôn. Nhưng quả là khó hiểu khi nhìn vào lý do từ chối nhận lương của thượng nghị sĩ A-mi Bê-ra (Ami Bera) rằng: “Quốc hội phải gương mẫu và đặt con người trước chính trị… Nếu Quốc hội không thể làm công việc của mình và đặt người dân Mỹ lên hàng đầu, họ chắc chắn không thể được trả lương trong cuộc khủng hoảng do chính họ gây ra”. Đáng chú ý là ông nghị này còn kêu gọi “chúng ta phải bắt đầu hành động như những người trưởng thành, bắt Oa-sinh-tơn phải làm việc phục vụ người dân một lần nữa”. Không hiểu trước khi bỏ những lá phiếu quyết định ở đồi Cáp-pi-tôn gây ra những hậu quả như hiện nay cho nước Mỹ, các ông nghị Mỹ có biết nghĩ cho người dân, cho đất nước như vậy hay không?

Theo QĐND - ĐT