Tình làng xóm, nghĩa đồng bào

03/10/2013 14:31

(Baonghean) - Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống tương thân, tương ái. Bao đời nay cái tình, cái nghĩa đậm đà nơi làng quê mà ông cha dày công xây đắp vẫn được các thế hệ người Việt giữ gìn, phát huy. Những câu nói “xóm giềng tối lửa, tắt đèn có nhau”, “bán anh em xa, mua láng giềng gần” hay “ lương- giáo đoàn kết” đã trở thành nét văn hóa riêng có của dân tộc Việt Nam.

Từ bao đời nay, người Việt tự hào, coi đây là một kỹ năng sống tinh tế để giáo dục nhân cách cho con trẻ. Hơn tất cả, đó là sự đúc kết truyền thống tốt đẹp về tinh thần tương thân, tương ái của từng con người, làng quê Việt Nam tuy nghèo về vật chất, nhưng cái tình, cái nghĩa luôn đầy ắp. Rõ nhất là khi có hữu sự, bất kể là ốm đau trái gió trở trời, lúc tang gia bối rối, hay hiếu hỉ thì chả cần gia chủ mời gọi, bà con lối xóm bao giờ cũng là những người có mặt đầu tiên để giúp đỡ, sẻ chia mà không hề toan tính, so đo. Thế mới có câu “cơm ăn không hết thì treo, việc làm không hết thì kêu xóm giềng”.

Vậy mà, vào tối ngày 22 tháng 5, chỉ vì nghe theo lời xúi giục, kích động của kẻ xấu, nhiều giáo dân đã bao vây nhà anh Đậu Văn Sơn- Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Nghi Phương (Nghi Lộc) ở tại xóm 10 (cách nhà thờ Trại Gáo - Nghi Phương khoảng 400m) chửi bới, đe dọa tính mạng, dùng gạch đá ném vào nhà, dùng xăng đốt, đập phá làm hư hỏng nhiều tài sản, ước tính hàng trăm triệu đồng. Dù vì bất cứ lí do gì chăng nữa, thì đây cũng là những hành vi bất nhẫn, bị xã hội lên án vì trong nhà lúc ấy còn có vợ và con anh Sơn (2 bé gái ở độ tuổi lên ba, lên bốn) và một bà hàng xóm sang chơi. Suốt 6 tiếng đồng hồ trong khi đám đông gào thét, đập phá thì phụ nữ, trẻ em, người già trong nhà sợ hãi ngồi ôm nhau nép sau cánh cửa. Thậm chí những người đến gây rối còn không cho bà hàng xóm ra ngoài dù biết rõ bà là ai. Hai cháu bé ngây thơ, non dại con anh Sơn hoảng sợ đến nỗi không thể khóc nổi và bị sang chấn tâm lý cho đến giờ.

Buồn thay, trong số giáo dân quá khích đến bao vây, gây rối tối hôm ấy có cả xóm giềng của gia đình anh Sơn, thay vì can ngăn một số người còn che mặt, buông lời kích động. Hai đối tượng đã bị công an khởi tố và bắt tạm giam là Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải cũng không xa lạ gì với anh Sơn. Thậm chí nhà đối tượng Nguyễn Văn Hải còn ở gần ngay sát nhà anh Sơn. Nhà Hải có lò bánh mì, vợ con anh Sơn vẫn thường sang mua bánh mì về ăn sáng. Còn vợ con Hải cũng thường sang nhà anh Sơn lấy thuốc chữa bệnh.

Những người dân sống quanh khu vực đó cho biết, gia đình anh Sơn có nghề bốc thuốc Đông y gia truyền đã 4-5 đời. Ông nội anh Sơn vốn là người đức độ, có ơn đối với nhiều giáo dân Nghi Phương. Trước đây, ông thường chữa bệnh cho người nghèo và không lấy tiền thuốc, nhiều người quá nghèo, yếu, ông còn cho gạo mang về. Anh Sơn trước ở xóm 2 với bố mẹ, sau khi lập gia đình riêng, anh chuyển về sống ở xóm 10 từ năm 2008 đến nay.

Bao năm qua, gia đình anh Sơn sống hòa thuận, yên ấm với bà con lối xóm. Bản thân anh Sơn, được thừa hưởng nghề thuốc gia truyền của gia đình, lại từng học Tây y trong quân đội, học Đông y tại Bệnh viện Y học dân tộc cổ truyền Nghệ An và luôn sẵn lòng giúp đỡ, sẻ chia với bà con chòm xóm. Thế nên, đợt bầu cử đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ vừa rồi, bà con các xóm xung quanh nhà thờ trại Gáo đã tín nhiệm bầu chọn anh với số phiếu 100%.

Trước khi xảy ra vụ việc tối ngày 22/5, vợ của đối tượng Nguyễn Văn Hải còn sang hỏi mua táo tàu để làm món gà tần cho đám hỏi con gái đầu lòng. Ngay trong tối hôm xảy ra sự việc, khoảng 21 giờ, vợ Nguyễn Văn Hải cũng đã vào nhà để xin lỗi anh Sơn. Trong sáng ngày 30/8/2013, khi anh Sơn bị một số giáo dân quá khích bắt đứng một giờ đồng hồ giữa trời nắng to ngay trước sân UBND xã Nghi Phương, vợ Hải không cầm lòng được đã nói đỡ cho anh và mẹ Hải trước áp lực của đám đông chỉ dám cầm lá chuối đứng đằng xa che nắng cho anh. Bản thân Nguyễn Văn Hải, trong những ngày ở trại tạm giam cũng đã có những lời ăn năn hối lỗi về hành vi của mình: “Tôi có nhắn vợ ra xin lỗi anh Sơn rồi. Có chi người làng bỏ qua cho nhau…”.

Về phía gia đình anh Sơn, mặc dù là người bị hại cả về vật chất và tinh thần, nhưng với cái nghĩa hàng xóm láng giềng “rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần” họ không một lời oán trách. Chị Nhung, vợ anh Sơn còn nói “chỉ mong muốn bà con giáo dân sẽ hiểu ra và sống vui vẻ, hòa thuận”. Còn anh Sơn thì chân thành bày tỏ: “Bản thân tôi không có yêu cầu đền bù hoặc tố cáo một người nào cả. Tôi chỉ mong muốn, bà con hiểu rõ những việc làm như vậy là vi phạm pháp luật, để không mắc phải nữa. Thực chất những người dân xóm 10, hay người dân cả xã Nghi Phương đâu có hận thù, mâu thuẫn gì với nhau, mà phải gây tổn thương cho nhau như vừa qua. Mọi người cần sớm ổn định sản xuất và đời sống”.

Như vậy, có thể thấy, chỉ vì sự kích động, giật dây của những kẻ có mưu đồ xấu, muốn chia rẽ tình đoàn kết lương - giáo, xúi giục một số người nhẹ dạ, cả tin gây hỗn loạn an ninh trật tự, đời sống dân sinh, phá vỡ sự bình yên của làng quê Nghi Phương, làm mai một, sứt mẻ, tình làng nghĩa xóm vốn tốt đẹp của người dân nơi đây. Để rồi, kẻ thì phải vào tù, người thì phải cùng cả gia đình chuyển chỗ ở đi nơi khác và biết bao hệ lụy đã xảy ra sau đó. Thiết nghĩ, “là dân một nước, là con một nhà”, những giáo dân quá khích ở Nghi Phương và cả một số chức sắc, chức việc Tôn giáo nên tỉnh táo trước những luận điệu “ ly gián” của kẻ xấu. Hãy vì tình làng xóm, nghĩa đồng bào mà suy nghĩ lại về những hành động vi phạm pháp luật của mình để “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm” góp phần xây dựng, củng cố tình đoàn kết giáo - lương mà cả dân tộc vun đắp bao đời nay.

Chính Nghĩa