"Nhạy bén phát hiện, chọn việc can dự"

23/10/2013 20:34

(Baonghean) - Đến cuối năm 2012, trên địa bàn tỉnh ta có 3 tôn giáo sinh hoạt là Công giáo, Phật giáo và Tin lành. Đạo công giáo có hơn 25 vạn người (8,7% dân số) ở 14 huyện, 214 xã, phường, thị trấn và 942 khối, xóm; có 897 xóm trên 15% giáo dân, 208 xóm giáo toàn tòng, 2 xã giáo toàn tòng; có 1 tòa giám mục, 1 trường đại chủng viện, 85 giáo xứ, 10 giáo hạt, 329 giáo họ đạo, 68 linh mục quản xứ, 12 linh mục nghỉ hưu. Phật giáo ở Nghệ An có hơn 2,5 vạn tín đồ, 24 cơ sở thờ tự, 25 nhà tu hành (có 8 sư trụ trì); đạo Tin lành có hơn 100 tín đồ.

Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh có nhiều nghị quyết, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội vùng giáo. Quản lý nhà nước về tôn giáo được tăng cường. Kinh tế - xã hội vùng giáo có sự phát triển tốt. Công tác quốc phòng an ninh vùng giáo được tăng cường. Công tác tuyên truyền vận động giáo dân được đẩy mạnh. Hệ thống chính trị vùng giáo được củng cố (có 729 đảng viên gốc giáo; 186/396 đảng bộ; 598/3016 chi bộ ở 14 huyện có đồng bào theo đạo).

Ông Bùi văn Minh giáo dân xóm 11, Quỳnh Hưng, Quỳnh Lưu sản xuất hàng mộc cao cấp. Ảnh: Trần Tố.
Ông Bùi văn Minh giáo dân xóm 11, Quỳnh Hưng, Quỳnh Lưu sản xuất hàng mộc cao cấp. Ảnh: Trần Tố.

Tuy vậy, ở vùng giáo có nhiều vấn đề nổi lên cần quan tâm: xảy ra nhiều vụ vi phạm pháp luật (về đất đai, chia tách lập xứ họ đạo, thuyên chuyển linh mục, hành lễ trái quy định pháp luật). Một số chức sắc tôn giáo lợi dụng hoạt động tôn giáo xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng gây mất đoàn kết. Những năm gần đây phật giáo phát triển tương đối nhanh nhưng việc quản lý, hướng dẫn hoạt động của các cấp chưa được quan tâm đúng mức nên có biểu hiện sinh hoạt, hành đạo chưa đúng pháp luật.

Để làm tốt công tác vận động quần chúng vùng đồng bào theo đạo, cả hệ thống chính trị nói chung và MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội cần thực hiện một số yêu cầu sau đây:

Phải có kiến thức về nguồn gốc, bản chất của tôn giáo theo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nắm vững đặc điểm, chức năng của tôn giáo, các quan điểm chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo trong tình hình mới.

Nắm vững quy định của pháp luật và các văn bản của tỉnh về công tác tôn giáo để thực hiện đúng và phối hợp chặt chẽ (nhiệm vụ của chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, công an, quân sự, các ban, ngành liên quan đến công tác tôn giáo…).

Theo đó, MTTQ và các đoàn thể có các nhiệm vụ: Tập hợp đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không có tín ngưỡng tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phản ánh kịp thời ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tham gia tuyên truyền vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ, người có tín ngưỡng, các tổ chức tôn giáo và nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Nội dung, phương thức vận động phải phù hợp với đối tượng là tín đồ và chức sắc, nhà tu hành. Phương pháp vận động phải bám sát chủ trương của Đảng, nét đẹp văn hóa của tôn giáo. Thái độ phải cởi mở, chân thành, thật thà, đoàn kết. Phương pháp, nội dung phải phù hợp với lứa tuổi, vùng miền. Người đi vận động, tuyên truyền phải có uy tín. Có chứng cứ, cách thuyết phục để phân biệt lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo với hoạt động tôn giáo. Hình thức vận động có thể trực tiếp, gián tiếp (thông qua các tổ chức) hoặc cá biệt (gặp gỡ, đãi ngộ…). Trong vận động chức sắc tôn giáo, thái độ cần chân thành, cởi mở, tôn trọng; không mặc cảm, định kiến, hướng về tương lai. Người đi vận động phải thể hiện đúng vị trí, cương vị, thái độ lịch sự, hòa đồng, nghiên cứu kỹ các vấn đề giáo lý liên quan để thuyết phục.

Kinh nghiệm xử lý các vụ việc về tôn giáo là phải nắm vững phương châm: "Nhạy bén phát hiện, chọn việc can dự". Giải quyết vấn đề phải xem xét các yêu cầu về đối nội, đối ngoại, tổng thể, lâu dài. Quy trình xử lý theo các bước: đối thoại, công khai, xử lý.

Trong xử lý cần tạo điều kiện để các nhu cầu hợp pháp, chính đáng của giáo dân được thực hiện, đồng thời kiên quyết xử lý các biểu hiện lợi dụng sinh hoạt tôn giáo để gây chia rẽ mất đoàn kết, đi ngược lại nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân, trái với quy định của pháp luật. Bản chất công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng, vì vậy cần tránh quan điểm, thái độ "thắng – thua" trong giải quyết các vụ việc liên quan đến vận động quần chúng tôn giáo.

Đồng bào theo đạo là một bộ phận không tách rời khối đại đoàn kết toàn dân. Tôn giáo tồn tại lâu dài trong quá trình đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp cần được phát huy trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để giáo dân sống tốt đời đẹp đạo, cần làm tốt công tác vận động đồng bào theo đạo trên cơ sở đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, thực hiện đúng lời Bác Hồ dạy: "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".

Nguyễn Hồng Nhị (Nguyên Chủ tịch MTTQ tỉnh)