Cần khôi phục giống cam Xã Đoài

09/12/2013 14:31

(Baonghean) - Cam xã Đoài (Nghi Diên, Nghi Lộc) nổi tiếng thơm, ngon, Ai đã một lần được ăn cam xã Đoài không bao giờ quên. Khi bổ quả cam ra thấy màu vàng, sáng tươi, mọng nước như những giọt mật ong đông đặc. Cam xã Đoài thơm, ngon là vậy nhưng nỗi lo của người dân xã Đoài nói riêng, người dân Nghệ An nói chung và cả những người làm khoa học là giống cam này đang thoái hóa dần, dẫn đến diện tích cam cũng giảm theo.

Cây đầu dòng sạch bệnh dùng để nhân giống cam Xã Đoài tại Viện Khoa học Nông nghiệp Bắc Trung bộ. Ảnh: Ngọc Anh
Cây đầu dòng sạch bệnh dùng để nhân giống cam Xã Đoài tại Viện Khoa học Nông nghiệp Bắc Trung bộ. Ảnh: Ngọc Anh

TIN LIÊN QUAN

Tết âm lịch đến cũng là thời điểm cam Xã Đoài chín rộ, các thương lái ở khắp mọi miền tràn về đây, vào tận từng nhà xem cam, trao đổi, mua bán. Quả được thu hái trước Tết khoảng 10-15 ngày để đem ra bán tại thị trường Hà Nội và nhiều thành phố khác theo đơn đặt hàng của mạng lưới tư thương với nhau. Giá bán bình quân mỗi quả cam như trước Tết âm lịch năm 2012 vừa qua là 60.000 đồng/quả, cao gấp 3 lần giá giống cam khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ.

Theo cuốn biên niên sử xã Nghi Diên, cách đây khoảng 150 năm về trước nhờ một vị linh mục người Pháp khi đến vùng đất này truyền đạo đã mang theo một giống cam để trồng tại vùng đất thuộc Tòa Giám mục Xã Đoài hiện nay (xóm 8 và 9, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc bây giờ). Chỉ sau khoảng 3 đến 4 năm trồng, cây cam cho quả, quả to, hình bầu khối trụ, ăn thơm ngọt đến kỳ lạ, quả không có hạt hoặc rất ít hạt. Từ đây người dân Xã Đoài nhân rộng dần giống cam này thành vùng cam Xã Đoài ngày nay. Vị thơm và ngọt của giống cam này đã nhanh chóng được lan truyền khắp trong thiên hạ.

Tương truyền rằng, tại cuộc thi hoa quả do triều đình Huế tổ chức, người dân xã Đoài hồi bấy giờ có ông Châu mang cam đi dự thi và đạt giải Nhất. Ông Châu mang lên tiến vua và không ngờ ông được vua phong đặc cách hàm "cửu phẩm" và từ đó dân trong làng gọi ông là "ông Cửu Châu". Không những người Việt ca ngợi cam Xã Đoài thơm, ngon mà cả đến các cha, cố truyền đạo, các quan Tây hồi bấy giờ cũng hết lời ca ngợi giống cam này. Vì vậy, cam Xã Đoài đã vinh dự được ghi vào cuốn Đại từ điển Pháp và được ví ngang hàng với loại xoài đặc sản ở Thà Khẹc nước Lào "Cam Xã Đoài - Xoài Thà Khẹc".

Theo ông Phan Công Hưởng - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Diên và hiện nay là Chủ tịch Hội Những người khôi phục giống cam Xã Đoài thì cam ở đây ngon trước hết là do có giống cam tốt, lại được trồng trên nền đất thịt nặng có tầng canh tác sâu và hàng năm được bồi đắp một lớp phù sa lắng đọng của kênh nhà Lê. Phía dưới tầng đất canh tác nếu đào sâu xuống khoảng trên dưới một mét sẽ thấy một lớp vỏ sò, hến, ốc biển đã và đang phân hủy. Đặc điểm của loại đất này cùng với giống cam tốt đã tạo nên hương vị thơm ngon nổi tiếng của cam Xã Đoài.

Theo tính toán của ông Phan Công Hưởng, thì bình quân mỗi ha đất tại xã Nghi Diên trồng được 500 gốc cam, được đầu tư chăm sóc tốt, mỗi gốc cam chỉ cần cho thu hoạch 100 quả và bán với giá thấp nhất là 30.000 đồng/quả cũng cho thu nhập 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Nhưng thật đáng buồn, cam Xã Đoài hiện nay có hiện tượng thoái hóa về mặt sinh học. Cây cam có biểu hiện sinh trưởng, phát triển kém dần, đặc biệt là quả cam từ chỗ không hoặc ít hạt nay ngày càng nhiều hạt, quả nhỏ dần và vỏ dày. Từ đó chất lượng cũng giảm dần về độ ngọt và hương vị. Do tốc độ thoái hóa nhanh dẫn đến hiệu quả kinh tế đối với cam Xã Đoài ngày càng giảm dần. Nhiều vườn cam đã bị xóa bỏ để thay thế vào đó các cây trồng khác. Nếu như năm 1980 cả xã Nghi Diên có gần 70ha cam, đến nay chỉ còn lại 6-7 ha được trồng rải rác ở các xóm 1, 8 và 9.

Hiện tại, ở xã Nghi Diên số hộ có vườn cam từ 30 cây trở lên chỉ còn 10 - 12 hộ. Ông Nguyễn Văn Phúc ở xóm 8 - hộ có vườn cam đẹp nhất, cho biết: Nhà ông có 30 gốc cam, dù được chăm bón tốt, nhưng chỉ có 10 cây tốt đẹp, bình quân mỗi cây cho thu hoạch 100 quả, còn lại 20 cây khác chỉ cho thu hoạch từ 40-50 quả. Tết năm 2012, giá 60.000 đồng/quả mà không có để bán.

Theo phản ánh của hầu hết người dân xã Nghi Diên, muốn duy trì và mở rộng vườn cam họ đã thực hiện phương pháp chọn cành phía dưới gốc cam để chiết cành nhân giống vô tính đem đi trồng. Cách làm này cũng không kéo dài thời gian cho quả nhiều như giống gốc ban đầu của nó. Thông thường thời gian cho quả nhiều nhất cũng chỉ kéo dài được 3-5 năm là hết và lại phải trồng lại cây mới. Điều này hoàn toàn đúng, bởi vì chiết cành để trồng không làm cho cây non trẻ từ đầu mà nó vẫn tiếp tục tính giai đoạn phát triển của cây chính (cây lấy cành chiết). Đó là tại xã Nghi Diên quê hương chính gốc cam Xã Đoài. Còn ở các địa phương khác như: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Con Cuông… (Nghệ An); Hương Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh)… thì lấy mắt ghép cam Xã Đoài ở Nghi Diên về ghép lên gốc cây bưởi đều cho quả nhiều, quả to, dáng cây khỏe. Nhưng xem ra chất lượng thua kém xa cam Xã Đoài chính thống, quả to nhưng vỏ dày, ruột không giữ được màu vàng óng vốn có của nó, hương vị không thơm.

Để phục tráng hay khôi phục giống cam Xã Đoài cần có sự chung tay, vào cuộc của giới khoa học cùng như được sự quan tâm, đầu tư đúng mức của địa phương, các ban ngành liên quan. Về mặt khoa học, cần có phương pháp nghiên cứu đúng với mục đích yêu cầu là làm cho giống cam trẻ hóa lại từ đầu để kéo dài thời gian sinh trưởng, phát triển nối tiếp từ chu kỳ này sang chu kỳ khác. Phải có con người say sưa, nhiệt tình, có trình độ, năng lực, hiểu biết nhiều về cây cam. Được đầu tư về mặt thời gian, không phải là 1,2 hay 3 năm, mà ít nhất cũng phải có trên dưới 10 năm.

Về phương pháp nghiên cứu, không nên ứng dụng theo phương pháp chiết cành, dùng mắt ghép để ghép sang gốc cây bưởi mà có thể nên nghiên cứu theo 2 hướng: Hướng thứ nhất, chọn cây đầu dòng, lấy hạt trong quả cam cây đầu dòng gieo lên để trồng. Trong số hàng chục cây được trồng lên chọn lọc và loại bỏ dần những cây có dị dạng thân, cành, lá, quả, chất lượng, màu sắc, màu sắc ruột, hương vị của quả cam… Phương pháp này thời gian dài khó thực hiện được ở cơ sở sản xuất mà nên thực hiện ở các trường đại học hoặc ở các Viện Khoa học Nông nghiệp. Phương pháp thứ hai, cũng từ cây cam đầu dòng được nhân giống bằng phương pháp nhân mô tế bào. Phương pháp này nhanh hơn, giữ được đúng bản chất của giống.

Doãn Trí Tuệ