Từ đất nước bạch dương về làm dâu xứ Nghệ

07/11/2013 20:40

(Baonghean) - Gần 10 năm nay, hình ảnh người phụ nữ nước ngoài tóc vàng, mắt nâu đứng đợi con trước cổng Trường Tiểu học Nghi Đức (TP Vinh) đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Và nếu không có những nét đặc trưng, đậm chất con gái Đông Âu thì chắc hẳn mọi người đã nghĩ cô là người Nghệ...

Nađiya là cái tên thân mật mà bà con ở xóm 12, xã Nghi Đức vẫn thường gọi khi nói chuyện với chị kể từ khi chị về làm dâu trong xóm. Hỏi nhà chị, chẳng ai không biết bởi nhìn từ ngoài đây là ngôi nhà hết sức đặc biệt: tường được ốp bằng những viên đá cuội, ngập cây xanh và hoa, cổng sắt chỉ khép hờ như sẵn sàng mời bất cứ người khách nào vào nhà…

Tình yêu giữa chị với võ sư Ngô Xuân Vỹ bắt đầu từ Thành phố Zaporozhia (Ucraina) khi ông được Tổng cục Thể dục Thể thao cử làm chuyên gia sang phát triển võ dân tộc Nhất Nam tại các nước Đông Âu. Sau các điểm đặt chân tại Liên bang Nga, Latvia, Beelarut… Ucraina là nơi ông dừng lại cuối cùng. Bởi tại đây, cô sinh viên Trường ĐH Y khoa đã níu chân ông. Nói về mối duyên tình đó, ông cười: “Sống nhiều năm ở nước ngoài nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ lấy vợ nước khác. Nhưng khi gặp Nađiya, tôi như bị hút hồn bởi màu tóc vàng, mắt nâu, sự dịu dàng, thùy mị như một cô gái Việt của cô ấy.

Lấy nhau từ năm 1995, cả hai có khoảng thời gian 8 năm ở Ucraina trước khi về Việt Nam định cư. Đây thực sự là một quyết định khó khăn của Nađiya bởi từ bé đến lớn chị hầu như chỉ quanh quẩn ở Thành phố Zaporozhia bên bố mẹ và cậu em trai. Nhưng xác định “thuyền theo lái gái theo chồng” và biết rằng chồng mình “tuy ở nước ngoài nhưng tâm vẫn luôn hướng về Việt Nam” nên chị không ngại từ bỏ công việc, nhà cửa, bạn bè để về Nghệ An – quê chồng sinh sống.

Ngày mới về quê, chị gặp khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, khí hậu, phong tục tập quán nhưng được chồng và gia đình chồng yêu quý, giúp đỡ nên Nađiya nhanh chóng hòa nhập. Hàng xóm láng giềng có thể không hiểu chị nói gì và chị cũng không biết họ suy nghĩ gì, nhưng chị thấy ấm áp bởi nhìn vào mắt ai chị cũng thấy ở đó sự thân thiện, chân thành. Bà con chòm xóm cảm phục chị bởi họ không thể tin rằng, một cô gái nước ngoài lại có thể theo chồng về sống ở vùng quê hẻo lánh, cách xa trung tâm thành phố trong một ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ…

Để “nhập gia tùy tục”, điều đầu tiên Nađiya tập làm quen đó là học nói. Tiếng Việt không dễ học bởi nhiều từ trúc trắc, nhiều thanh, nhiều dấu. Tiếng Nghệ lại càng khó bởi nhiều từ địa phương, âm nặng. Thế mà chỉ hơn một năm Nađiya đã nói sõi tiếng Việt và có thể hiểu hết những từ dân dã mà người dân hay dùng. Chị chia sẻ: “Lúc mới về Việt Nam, ba mẹ con vẫn thường nói tiếng Nga với nhau. Nhưng, sau một thời gian tôi hỏi con bằng tiếng Nga cháu không trả lời… Dần dần tôi theo các con học tiếng Việt, các cháu học một chữ, tôi cũng học một chữ, các cháu học bài thơ nào, tôi cũng cố gắng học theo”.

Rồi Nađiya tập cách sống của một người mẹ Việt. Đó là hàng ngày đi chợ, nấu cơm, đưa đón con đi học… Đối với một người đang quen sống trong môi trường hiện đại, sôi động thật khá xa lạ nhưng rồi ba đứa con và những buổi học chính khóa, học thêm khiến chị không có thời gian để nghỉ ngơi. Mải mê trong vòng quay đó nên 7 năm nay chị chưa có dịp về lại Ucraina dù năm nào vì công việc chồng chị cũng đi đi về về giữa hai nước một vài chuyến.

Chị Pođa Nađiya và chồng bên những bức ảnh cũ.
Chị Pođa Nađiya và chồng bên những bức ảnh cũ.

Mỗi lần nhớ bố mẹ, nhớ quê hương chị lại đem cuốn album do bạn bè tặng trước khi chị về Việt Nam, trong đó có ngôi nhà phủ đầy hoa của gia đình chị, có tòa thị chính, có ngôi trường chị học, có hàng cây trơ trọi lá phủ đầy tuyết trắng vào mùa Đông… Nađiya và chồng cũng đặc biệt yêu động vật, trong nhà chị hiện có đến hàng chục loại chim, con nào cũng được chị gọi bằng những cái tên âu yếm như Susa, Luzia… Nhìn anh chị chơi đùa với sáo sậu, chào mào, gọi chúng bằng “con” thấy cuộc sống thật đơn giản, nhẹ nhàng. Yêu chồng nên chưa một quyết định nào của chồng chị không ủng hộ. Như việc, võ sư Ngô Xuân Vỹ bỏ hết công việc, danh vọng ở nước ngoài để về Nghệ An gây dựng lại phong trào học võ Nhất Nam. Việc ông âm thầm quy y và theo đạo Phật… Ngày lễ, tết, noel, lễ tạ ơn… bạn bè, anh em lại đến nhà chị thưởng thức các món chay do vợ chồng chị nấu.

Hơn 50 tuổi, trải qua những thăng trầm và có nhiều những thành công, võ sư Ngô Xuân Vỹ luôn cảm ơn vợ, người đã cho anh mái ấm, cho anh những đứa con và cho anh sự bình yên mỗi khi về với gia đình. Hạnh phúc đó giản dị và quá đỗi bình thường nhưng là động lực, là sức mạnh để anh tiếp tục thực hiện những dự định còn dở dang, những hoài bão và cả ước mơ đưa võ Nhất Nam trở thành một trong những di sản, tinh hoa văn hóa của thế giới.

Mỹ Hà