Kích hoạt DN tư nhân, cứu tăng trưởng
Chỉ cần kích hoạt một nửa số doanh nghiệp là có thể khôi phục được tăng trưởng. Với DNNN, cách duy nhất là công khai, minh bạch hoạt động, đẩy lên sàn chứng khoán.
70% DN còn khó khăn lớn
Chia sẻ tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2014: cộng hưởng hiệu ứng chính sách” do Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ KH-ĐT tổ chức hôm 12/12, GS Nguyễn Mại cho rằng về lâu dài, không tái cấu trúc thì không thể hồi phục tăng trưởng. Nhưng trong ngắn hạn, phải tìm ra được dư địa thực hiện ngay trong năm 2014.
“Trong lúc này, phải kích hoạt khu vực tư nhân lên, chứ đụng vào DNNN là vô cùng khó. Đụng vào tảng đá mãi không được thì cứ tạm tránh ra, tốt nhất tìm đường khác”, GS bình luận.
Theo phân tích của ông, năm 2014, 55.000 DN đang khó khăn hiện nay có thể sẽ tiếp tục chết, 70.000 DN đăng ký mới chưa chắc đã hoạt động được. Giờ, chỉ cần kích hoạt một nửa số này là khôi phục được tăng trưởng, thậm chí, có thể tăng trưởng thêm từ 0,5-1% như năm 2008.
70% DN vẫn khó khăn, 20% thực sự rất khó khăn, chính xác là đang lỗ, lỗ triền miên (ảnh minh họa).
Tuy nhiên, giáo sư Mại lưu ý, việc giải cứu DN cũng cần có sự phân loại rõ ràng theo hiệu quả. “Loại DN yếu kém quá thì cứ để “chết”, loại DN nào có thể kích hoạt được thì phải tiếp tục hỗ trợ như hỗ trợ vốn, lãi suất”.
Như khẳng định thêm về lo ngại của vị giáo sư trên, ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó Giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, HNX quản lý 400 doanh nghiệp niêm yết thì hiện tại vẫn còn 100 cổ phiếu, tức 100 công ty rơi vào lỗ hoặc lỗ kéo dài. Trong đó, có 45% DN là kinh doanh bất động sản và phụ trợ liên quan. Nguyên nhân chủ quan là do quản trị yếu kém, quy mô vốn nhỏ và ngân hàng kiểm soát vốn vay chặt chẽ.
Dẫn số liệu từ các sàn chứng khoán, ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư SGI cho hay, trong 800 DN trên hai sàn Hà Nội và TP.HCM thì chỉ có 10% thực sự vượt qua khủng hoảng. Điều này thể hiện qua doanh số, lợi nhuận đã đi qua đáy. Số những doanh nghiệp này có điểm giống nhau là tập trung ngành kinh doanh truyền thống, quản trị kinh doanh tốt.
Còn lại, 70% DN vẫn khó khăn, 20% thực sự rất khó khăn, chính xác là đang lỗ, lỗ triền miên. Đây là những doanh nghiệp đầu tư vào ngành nghề không phải thế mạnh, vay nợ quá nhiều và không minh bạch.
Ông Phúc kể: “Nhiều DN chia sẻ chưa từng trải qua cuộc khủng hoảng lớn như vậy, những năm 1997-1998 sờ đâu cũng thấy vàng, sau đợt khủng hoảng vừa rồi thì tiền mất nhiều nhưng bài học cũng học được rất nhiều và họ đều cố gắng bán tài sản ở những ngành kinh doanh không phải sở trường”.
Cứu trợ tắc nghẽn
Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc giải cứu DN vừa qua dường như cũng... tắc nghẽn.
“Năm 2011-2012, trong các cuộc gặp với DN, chúng tôi thấy bản thân DN đang kỳ vọng nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước, ngân hàng, bất động sản lại có nhiều kỳ vọng hơn. Thế nhưng, đến 2013 họ bày tỏ sự chán nản vì những chính sách của Chính phủ đến chậm, tác động chưa lớn. Ví dụ như trong gói 30.000 tỷ đồng, số DN bất động sản trên sàn tiếp cận được đều cho biết thực sự gói đó có tác động rất ít để có thể giảm hàng tồn kho. Trong khi đó, 95% doanh nghiệp bất động sản nằm trong số 70% khó khăn trên”, ông Phúc chia sẻ.
Về điểm này, GS Nguyễn Mại cũng than phiền: ‘Riêng nhóm các DN bất động sản, hiện có chỉ báo hỗ trợ hồi phục, nhưng gói 30.000 tỷ đồng tung ra sau 9 tháng, mới giải ngân được có hơn 470 tỷ đồng, được hơn 1,6%. Một gói khẩn cấp như vậy mà giải ngân chậm thì không thể hiểu nổi”.
“Vậy nên cần xem lại chính sách kích hoạt bất động sản năm 2014 này, nếu làm thị trường này ấm lên thì hàng loạt xi măng, sắt thép, lao động có thể khôi phục được”, ông nói.
Đẩy DNNN lên sàn
Theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung, chỉ có công khai, minh bạch mới là con đường duy nhất để nâng cao hiệu quả DN và hiệu quả nền kinh tế.
DN Việt Nam hiện bị thế giới đánh giá không minh bạch so với khu vực. 800 DN lên sàn là con số quá bé nhỏ so với số lượng DN hiện nay, trong đó, số DN lớn rất ít.
Ông Trung kiến nghị: “DNNN lớn đã phát hành cổ phiếu ra công chúng thì phải lên sàn trong vòng 1 năm, kể cả sàn UPCOM. Quản trị công ty qua đó cũng được cải thiện, từ đó giá cổ phiếu tốt hơn”.
TS. Trần Tiến Cường, Trưởng Ban đổi mới và cải cách DN, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, nhìn nhận, cải cách DNNN mới chỉ làm bề nổi, chưa thực chất, mới thu gọn trên mặt lý thuyết mà vẫn còn bế tắc về chiều sâu. Việc phân loại DNNN theo tỷ lệ sở hữu 50-65-75% vốn để tái cơ cấu, nhưng nếu việc cộng các tỷ lệ này mà Nhà nước vẫn chiếm chi phối thì không tác động đến khu vực doanh nghiệp khác.
“Những vấn đề như quản lý điều hành, tiếp cận quản trị công ty phải minh bạch, có tính giải trình, bảo đảm động lực cho các nhà quản trị dù có nhiều điều chỉnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu của hiện tại”, TS Cường đánh giá.
Trong khi đó, nếu cải cách DNNN không hiệu quả sẽ khó tạo môi trường cho các doanh nghiệp khác phát triển”.
Ông Lê Chí Phúc chia sẻ, năm 2014, các chỉ số vĩ mô ổn định như lạm phát, tỷ giá sẽ là điều kiện tiên quyết để các tổ chức kinh doanh lên được kế hoạch của mình. “Tuy nhiên, hiện môi trường kinh doanh vẫn chưa cho phép chúng tôi yên tâm có một chiến lược dài hạn vì chưa thể biết được lạm phát có ổn định hay không. Nếu chính sách không hiệu quả, lại có bong bóng mới thì chính sách đầu tư lại phải tiếp tục thận trọng”, ông Phúc nói.
Theo.vietnamnet