Xây dựng Làng văn hóa: Gắn bảo tồn bản sắc dân tộc
(Baonghean) - Từ mô hình làng văn hóa đầu tiên ở thôn Nhân Trai (Diễn Xuân, Diễn Châu) đến nay sau hơn 20 năm, toàn tỉnh đã có gần 3.000 làng văn hóa (chiếm 50,6%). Riêng với các huyện miền núi, tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng nhờ phong trào này, bộ mặt của các bản làng miền núi đã thay đổi, cả về vật chất lẫn đời sống tinh thần.
Ngày hội Đại đoàn kết của bản Piềng Văn, xã Đồng Văn (Quế Phong) năm nay thực sự có ý nghĩa bởi cuối năm nay bản sẽ được công nhận Làng Văn hóa. Ông Lô Văn Thi - người dân bản Piềng Văn cho biết: “Bản Piềng Văn là bản tái định cư của Thủy điện Hủa Na, về nơi ở mới bà con nhớ con suối, con sông ở nơi cũ lắm. Nhưng càng nhớ, bà con bảo ban nhau phải giữ gìn được nếp nhà sàn của dân tộc mình; phải giữ được văn hóa cồng chiêng, dệt thổ cẩm, các điệu múa, trò chơi dân gian...”. Thế nên, chỉ sau hơn 3 năm đến nơi ở mới, bản Piềng Văn đã đáp ứng đủ 5 tiêu chí để được công nhận Bản Văn hóa.
Nổi bật nhất là phong trào xóa đói, giảm nghèo, giúp nhau phát triển kinh tế. Từ các phong trào thi đua, sự hỗ trợ của các chương trình an sinh xã hội, bản đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 51,28% xuống còn hơn 35%. Những tập tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang không còn, các gia đình trong bản đều thực hiện theo nếp sống mới, không để đám tang quá 24 tiếng. 100% gia đình trong bản có công trình hợp vệ sinh và thực hiện di dời chuồng trại ra khỏi sàn nhà. Người dân khi ốm đau đều đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh, phụ nữ mang thai được khám thai định kỳ; trẻ em được tiêm phòng đầy đủ.
Ngoài ra, bộ mặt làng xóm cũng được thay đổi rõ rệt, những con đường dẫn vào bản khang trang hơn; tệ nạn xã hội cũng được đẩy lùi… “Bên cạnh bản Piêng Văn, xã Đồng Văn còn có các bản Hủa Na1, Hủa Na 2, xã Thông Thụ dù ở vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn cũng đang vươn lên phấn đấu xây dựng đạt Bản Văn hóa” - ông Kim Văn Lai, chuyên trách văn hóa xã Đồng Văn hào hứng cho biết.
Một góc bản Piềng Văn (xã Đồng Văn - Quế Phong). |
Mặc dù là một huyện miền núi, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua phong trào xây dựng làng, bản văn hóa trên địa bàn Quế Phong đã có sức lan tỏa, tác động tích cực mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế - văn hóa xã hội, làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Đến nay, Quế Phong đã có 72/194 làng, bản văn hóa, chiếm tỷ lệ 37,11%. Tính riêng năm 2013 có 17 làng, bản đăng ký xây dựng Bản Văn hóa. Dự kiến đến hết năm nay có thêm 7 làng, bản đạt danh hiệu văn hóa, nâng tổng số làng, bản văn hóa lên 79 làng.
Tính đến thời điểm này, huyện Con Cuông cũng đã có 57 Làng Văn hóa được công nhận, chiếm tỷ lệ 44%. Qua hơn 20 năm triển khai, những chuyển biến và những tồn tại trong phong trào xây dựng Làng Văn hóa cũng đã được xem xét, đánh giá. Đó là số hộ khá, giàu ngày một tăng. Số học sinh đến trường, học sinh giỏi và thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng ngày một cao, học sinh bỏ học giảm. Số gia đình đạt Gia đình Văn hóa đạt tỷ lệ cao và có chất lượng. Trong toàn huyện có nhiều làng đã hơn 10 năm không có người sinh con thứ 3 như bản Bãi Gạo (xã Châu Khê) 17 năm, bản Khe Rạn (xã Bồng Khe) 15 năm, bản Phiềng Xử (xã Lạng Khê) 7 năm.
Đến Làng Văn hóa bản Xiềng (xã Môn Sơn), thấy rõ sự chuyển biến của làng sau hơn 10 năm được công nhận Làng Văn hóa. Bản có 164 hộ, 100% là đồng bào Thái, mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn những những năm qua bà con trong bản vẫn cố gắng bảo nhau gìn giữ những phong tục, tập tục tốt đẹp của làng. Trong bản có Câu lạc bộ đàn hát dân ca Thái, là nơi để bà con lưu giữ những làn điệu, những câu hát dân ca của đồng bào mình. Bản không có người sinh con thứ 3, không có người vướng vào các tệ nạn… “Cũng nhờ giữ được nét đẹp truyền thống đó nên đầu năm 2012, bản đã được khảo sát và lựa chọn là 1 trong 4 điểm dừng chân trong tua du lịch về với cộng đồng” – ông Ngân Thanh Mãi, Trưởng bản Xiềng tự hào nói.
Ông Nguyễn Huy Chương – Trưởng phòng Văn hóa huyện Con Cuông cho biết: “Dẫu vậy, công tác xây dựng làng, bản văn hóa không phải lúc nào cũng thuận lợi, đặc biệt là càng về sau càng khó bởi hiện tại những bản chưa được công nhận thường là bản ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí, nhận thức còn nhiều hạn chế. Nhiều bản đã nhiều năm xây dựng nhưng không đạt vì vi phạm chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, gia tăng tỷ lệ người nghiện. Cũng chính vì thế, 2 năm nay số lượng bản đăng ký xây dựng Làng Văn hóa lên đến hơn 10 bản nhưng mới chỉ có 3 bản được công nhận… Có những làng như Làng Văn hóa bản Phê, dù đã được công nhận từ năm 2010, nhưng sau đó mãi gần 2 năm mới được rước bằng vì vi phạm chính sách dân số”.
Kể từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) của Đảng về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì phong trào xây dựng làng văn hóa ở tỉnh ta đã được các cấp, các ngành quan tâm. Riêng với các huyện miền núi xác định xây dựng phong trào làng văn hóa là trọng tâm trong công tác xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở nên mỗi địa phương, mỗi ngành đã đưa ra nhiều cách làm, nhiều giải pháp riêng. Ở huyện Thanh Chương quan tâm xây dựng và phát huy được nhiều mô hình hoạt động văn hoá có hiệu quả ở các làng văn hoá, chú trọng việc xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước. Nhờ đó đã tạo được sự đoàn kết, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, điển hình như làng Văn Hạ, xã Hạnh Lâm, làng Minh Đường, xã Thanh Tùng, làng Triều Long 1, xã Thanh Lâm…
Huyện Quỳ Châu chú trọng xây dựng phong trào làng văn hoá kết hợp với phong trào xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm ổn định cho người dân. Huyện Quỳ Hợp chỉ đạo xây dựng thiết chế văn hoá làng, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, tạo nơi sinh hoạt văn hoá cho các cộng đồng dân cư. Các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn phong trào xây dựng làng văn hoá được các địa phương triển khai bằng nhiều hình thức như xây dựng hương ước, quy ước thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, lễ hội tại các làng, bản văn hoá, đồng thời tích cực vận động bà con phát triển kinh tế vườn đồi theo hướng hàng hoá, có ý thức trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá và phát huy các trò chơi dân gian, ngành nghề truyền thống, xây dựng các tập quán tốt đẹp. Nhờ vậy, tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng nhiều huyện tỷ lệ làng đạt văn hóa cao hơn mức bình quân chung của cả tỉnh và cao hơn nhiều huyện đồng bằng như Kỳ Sơn (65%), Quỳ Hợp (75,8%), Quỳ Châu (63, 3%).
Ông Phan Hữu Lộc, Trưởng phòng Nếp sống văn hóa và gia đình – Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: Do sự phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, miền và trong từng địa phương nên công tác tổ chức xây dựng làng văn hóa ở các huyện miền núi còn chậm và ít hiệu quả. Trong đó, nguyên nhân chính là do điều kiện địa lý, trình độ dân trí thấp, kinh phí, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá ở cơ sở còn yếu. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia thực hiện phong trào chưa được đẩy mạnh, nhiều tệ nạn xã hội nhất là ma tuý đang còn tiềm ẩn trong đời sống tác động không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả xây dựng làng văn hoá. Bên cạnh đó, về phía các địa phương do đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, đa số người dân còn muốn hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ hộ nghèo. Bởi vậy, công tác vận động nhân dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa của địa phương còn gặp nhiều trở ngại.
Thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền cần phải tiếp tục lồng ghép phong trào xây dựng làng văn hoá gắn kết chặt chẽ với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và các phong trào thi đua yêu nước khác. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của các điển hình làng văn hoá tiêu biểu xuất sắc ở từng vùng, miền, từng dân tộc trên địa bàn tỉnh để nhân rộng, hướng tới nâng cao và phát triển bền vững danh hiệu Làng Văn hoá.
Mỹ Hà - Phạm Ngân