Vẻ đẹp của những khoảnh khắc

11/11/2013 19:37

(Baonghean) - Con số 1.176 tác phẩm của 104 tác giả đã phần nào nói lên sức hút và sự lan tỏa của Cuộc thi ảnh báo chí “Khoảnh khắc Vàng” lần thứ 2 do Báo Nghệ An phối hợp với CLB Ảnh báo chí - Hội Nhà báo Nghệ An tổ chức. Giải không chỉ đánh dấu sự trưởng thành về chất lượng mà còn ghi đậm dấu ấn về sự trưởng thành của các tay máy. 52 tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo, được chọn trưng bày để chào mừng 52 năm Ngày thành lập Báo Nghệ An chính là 52 khoảnh khắc chân thực và sống động nhất về cuộc sống, con người, thiên nhiên…

Từ chiều 7/11, tại Hội trường Báo Nghệ An, đã có rất đông cán bộ, nhân viên cũng như các tay máy cùng tụ họp, chứng kiến Ban Giám khảo của cuộc thi ảnh chấm trực tiếp vòng cuối cùng, cũng để xem ảnh đẹp được trưng bày và cùng sẻ chia, trao đổi. Trong không khí hồ hởi ấy, chúng tôi bắt gặp rất nhiều tác giả là những cộng tác viên ảnh trung thành của Báo từ nhiều năm nay như Xuân Nhường, Từ Thành, Hồ Các, Trần Tố, Trần Ngọc Lan, Lê Quang Dũng, Trường Sinh, Trần Cảnh Yên… Trong số đó, có những cộng tác viên, những tay máy đến từ các huyện xa. Niềm vui gặp gỡ vẫn không vơi đi sự quan tâm, những bàn luận sôi nổi về “chuyên môn”: chủ đề này “nóng”, bố cục, khuôn hình kia chặt chẽ, ánh sáng bức ảnh nọ hài hòa…

Thêm một lần nữa, những tác giả được nhìn lại những “đứa con tinh thần” của mình, những khoảnh khắc gắn với một chuyến đi xa, gắn với niềm xúc động, gắn với những phút xuất thần… Nói “thêm một lần nữa” là vì những bức ảnh này đã từng được đăng tải trên các ấn phẩm của báo Nghệ An (nhật báo, Cuối tuần, Miền núi - Dân tộc và Điện tử) “Thật khó để có lại những khoảnh khắc ấy trong đời” - NSNA Thanh Hải - một thành viên của ban giám khảo đã nhận xét.

Những bức ảnh báo chí chân thực, sinh động đã gieo vào lòng người xem rất nhiều xúc cảm. Không chỉ là cuộc sống đang diễn ra trước mắt, mà người xem còn thấy rất rõ “chỗ đứng” của tác giả khi quan sát cuộc sống. Đó chính là người phóng viên lặn lội trong đêm mưa lũ tại Hoàng Mai. Ống kính của anh đã giơ lên trong mưa, dưới chân anh nước đang cuộn chảy. Và điều đẹp đẽ, xúc động mà những bức ảnh mang lại chính là trên khuôn hình hiện ra “nhân vật trung tâm”: đồng chí Chủ tịch tỉnh cùng đoàn công tác của tỉnh đang về với dân, trực tiếp chỉ đạo cứu hộ cứu nạn, về để sẻ chia với bà con vùng lũ vào lúc rạng sáng ngày 3/10.

Đó là bước chân người phóng viên về với vùng sâu vùng xa, đang đứng lại trước cây cầu tràn ngập lũ, chứng kiến cảnh xe trâu chở xe máy và người vượt tràn sông Giăng, Con Cuông. Là ánh mắt đau đáu nhìn theo bóng 2 người phụ nữ Khơ mú của bản Con Phen (Hữu Khuông - Tương Dương) đang gùi nặng trên lưng những tấm pờ-rô-xi măng của dự án tài trợ qua suối. Họ đang đi về phía bản mình - cái bản không có bóng nhà ngói bởi không có đường vận chuyển vật liệu. Đó là những bước chân của lòng dũng cảm, của sự dám dấn thân khi phóng viên báo Nghệ An vào tận bãi vàng thổ phỉ, đối mặt với những hiểm nguy để ghi lại cảnh đào bới tan hoang tại Cắm Muộn, Quế Phong?

Hình như ta thấy nỗi xót xa trước cảnh đồi núi đang bị xẻ thịt với chi chít những hàm ếch, khe suối bị nhuộm đỏ vì đào đãi vàng, nơi mà những phu vàng phải đánh cược giữa sự sống và cái chết để tìm kiếm từng hạt vàng cám li ti. Ta như gặp giọt nước mắt lăn dài khi người bấm máy đang cố nén xúc động để ghi lại hình ảnh em bé Nguyễn Thị Trang, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Mai Hùng, TX Hoàng Mai lật phơi từng trang sách bị ướt khi qua đi cơn lũ dữ; khi thấy một gia đình ngồi lặng trong Nghĩa trang Liệt sỹ Việt- Lào trong đêm tri ân liệt sỹ. Ta như gặp người bấm máy kia cũng đang cười vui rạng rỡ khi chứng kiến giây phút xúc động sau 40 năm gặp lại giữa chuyên gia Đức và kỹ sư Việt Nam, những người đã trực tiếp xây dựng, tái thiết nên Thành phố Vinh từ một đống tro tàn chiến tranh. Niềm vui ấy, tỏa rạng trong sự hồn nhiên những em nhỏ trong trận cầu ven sông Lam, tỏa rạng trong ánh bình minh và vẻ nhộn nhịp của bến cá Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu)…

Trong vô vàn những hình ảnh đời thường, sao bỗng dưng lắng đọng lòng ta, cái phút giây những chàng ngư dân nơi cửa biển Lam Giang tung lưới để làm nên một vũ điệu khỏe khoắn và đắm say. Sao thấy rưng rưng trước cái bóng cặm cụi người dân Bắc Thành, Yên Thành chống lại nắng nóng bằng cách cấy vào ban đêm cho kịp thời vụ, bà con nông dân Thuận Sơn, Đô Lương ngăn sông Lam, nạo vét cát để lấy nước chống hạn cho cây trồng vụ xuân năm 2013; người lính của Đại đội trinh sát Trung đoàn Bình Long - QK 4 biểu diễn vượt tường lửa, vòng lửa tại lễ ra quân huấn luyện năm 2013. Và có thể cảm nhận thật rõ cái rộn rã trên “công trường” làm đường giao thông của tuổi trẻ Thạch Sơn và tuổi trẻ Trung tâm GDTX Anh Sơn, của ngư dân Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) đóng thuyền chuẩn bị cho chuyến ra khơi; của bà con Tân Thắng mùa thu hoạch dứa… Tất cả, tất cả đã hiện lên những góc nhìn đầy trách nhiệm, yêu thương, lo lắng và mong mỏi đối với cuộc sống, với quê hương Nghệ An.

Các tác giả xem ảnh trưng bày. Ảnh: N.K
Các tác giả xem ảnh trưng bày. Ảnh: N.K

TIN LIÊN QUAN

Được nâng tầm từ Cuộc thi “Khoảnh khắc trẻ” do CLB Nhà báo trẻ Báo Nghệ An, Cuộc thi ảnh báo chí “Khoảnh khắc Vàng” qua 2 mùa giải đã ngày càng hướng đến sự chuyên nghiệp, mở rộng quy mô, số lượng, chất lượng và thành phần tham gia. Nếu như trong cuộc thi đầu tiên vào năm 2012, có 550 tác phẩm tham gia dự giải, thì năm nay, mùa giải này con số đó lên đến 1176 tác phẩm với 104 tác giả. Trong đó có 30 tác phẩm là chùm ảnh, phóng sự ảnh. Cuộc thi năm nay không chỉ được các nhà báo, các phóng viên, các nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp hưởng ứng mà những cộng tác viên, những tay máy không chuyên tích cực tham gia. Theo số liệu thống kê của Ban tổ chức, có 22 tác giả gửi từ 14 tác phẩm trở lên, điển hình như: Trần Tố 93 tác phẩm, Trần Cảnh Yên 86 tác phẩm, Hồ Các 57 tác phẩm, Trường Sinh 40 tác phẩm, Phan Văn Toàn 30 tác phẩm, Lê Quang Dũng 29 tác phẩm, Trần Ngọc Lan 27 tác phẩm,…

Năm nay, 11 bức ảnh đạt điểm số cao nhất đã được Ban giám khảo lựa chọn sau 4 vòng chấm công khai với sự tham dự của các tác giả lọt vào vòng chung khảo. Trong đó, giải Nhất thuộc về Phóng sự ảnh “Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo cứu hộ cứu nạn tại Hoàng Mai” của tác giả Đức Chuyên, 2 giải nhì được trao cho tác giả Đào Tuấn với Phóng sự ảnh “Nạn khai thác vàng trái phép ở Cắm Muộn (Quế Phong)” và Lê Thắng với bức ảnh Đại đội trinh sát Long Bình - QK4 biểu diễn vượt tường lửa, vòng lửa tại lễ ra quân huấn luyện năm 2013. Có 3 tác phẩm đồng giải Ba gồm: Chiến sỹ Tiểu đoàn hỗn hợp Đảo Mắt sẵn sàng chiến đấu (Từ Thành) ; Thả chài ven sông Lam (Thu Hương) và Nghề mây, tre đan xuất khẩu ở HTX Đức Phong (TP. Vinh) cho thu nhập cao (Xuân Nhường). 5 tác phẩm: Xã Thanh Liên huyện Thanh Chương vào vụ mới (Lê Quang Dũng), Ban ngày trời nắng nóng nên bà con nông dân xóm 7 xã Bắc Thành (Yên Thành) đi cấy ban đêm cho kịp thời vụ (Hồ Các), Gia đình anh Nguyễn Văn Thắng trong đêm tri ân liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Việt- Lào, Anh Sơn (Trần Cảnh Yên), Châu Thôn, Quế Phong hôm nay (Nhật Lân) và Gùi ngói về bản Con Phen, xã Hữu Khuông, Tương Dương (Công Kiên) đã được ban giám khảo trao giải Khuyến khích.

Những “khoảnh khắc” có thể đến bằng sự tình cờ, nhưng không ít trong số những tác phẩm này, “khoảnh khắc” ấy được cộng hưởng từ rất nhiều mồ hôi, công sức. Đó là cả một hành trình tác nghiệp gian nan, những trăn trở không ngừng, cả tình yêu tha thiết với con người và cuộc sống. Tác giả không chuyên Thanh Yên, một cán bộ công tác tại mỏ đá Hoàng Mai chia sẻ: “Một mình tôi đã vật lộn vào đến trung tâm vùng lũ để gặp sự tan hoang, tàn phá, để bất ngờ dừng lại bên hình ảnh em bé phơi sách vở của mình sau khi lũ qua. Tôi đã quyết định gửi bức ảnh của mình đến cuộc thi. Lần đầu tiên đến với cuộc thi này, tôi thấy đây thật sự là một sân chơi giàu ý nghĩa”.

Cũng là bức ảnh về trận lũ lịch sử, nhà báo Đức Chuyên đã may mắn được đi cùng đoàn công tác của tỉnh đi cứu hộ trong đêm. Những bức ảnh đắt giá của anh đã được BGK Cuộc thi đánh giá cao nhất về tính chân thực, xúc động. Nhà báo Đức Chuyên chia sẻ: “Khi cùng đoàn công tác của tỉnh lên đến nơi, lũ ở Hoàng Mai dâng cao. Đó cũng là lúc được tin chiếc xe chở theo mì tôm, nước uống đi cứu trợ đồng bào của đồng chí Nguyễn Tài Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An vừa bị lũ cuốn trôi. Suốt đêm đó, người dân Hoàng Mai thức trắng với nước bạc, tôi chỉ mong mỏi được ghi lại thật nhiều hình ảnh về sự sẻ chia ấm áp của người đứng đầu tỉnh với bà con trong giây phút nguy nan. Tôi nghĩ những hình ảnh ấy sẽ nói thay sự cảm động của tôi và của bao người”. Cộng tác viên Trần Ngọc Lan thì hồ hởi: “Tuy không được giải, mà chỉ được lọt vào vòng chung khảo, song với tôi đó đã là sự động viên rất lớn. Tôi mong Báo Nghệ An duy trì tốt sân chơi bổ ích này…”.

Nhà báo Trần Duy Ngoãn, Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An, thành viên Ban giám khảo đánh giá, chất lượng ảnh của cuộc thi năm nay đều hơn lần thi thứ nhất, chủ đề phản ánh phong phú, đầy đủ trên các lĩnh vực của cuộc sống. Địa bàn tác nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh, phản ánh nhiều sự kiện chính trị trọng đại, nổi bật, nhiều vấn đề nóng đang diễn ra trên địa bàn. Mỗi tác phẩm gửi về tham dự giải đều thể hiện những mảng màu cuộc sống, những âm thanh đa sắc, những cung bậc cảm xúc khác nhau. Tất cả đều là những bức ảnh có hồn, thể hiện hơi thở của cuộc sống đúng như thể loại của cuộc thi là ảnh báo chí. Điều này đã thể hiện sự thành công vượt bậc của cuộc thi. Đây không chỉ là sân chơi, nơi những “khoảnh khắc vàng” của các tay máy chuyên nghiệp và không chuyên được độc giả biết đến, ghi nhận mà còn trở thành một diễn đàn trao đổi nghiệp vụ, chia sẻ niềm đam mê cùng những hành trình lặn lội, khám phá và dấn thân của các tác giả để có được những bức ảnh báo chí xuất sắc.

T.V - N.K