Xử lý ô nhiễm đầm nuôi sau mưa lũ
(Baonghean) - Đợt mưa lớn do ảnh hưởng bão số 10 vừa qua đã làm 840 ha nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu bị mất trắng. Không chỉ thiệt hại về kinh tế, người nuôi trồng thủy sản hiện đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nặng nguồn nước ở các ao, đầm. Để đảm bảo các điều kiện cho vụ nuôi tôm tiếp theo, người dân đang khẩn trương xử lý môi trường vùng nuôi, tu bổ lại diện tích ao đầm bị thiệt hại.
Lượng mưa lớn cộng với việc xả lũ của hồ Vực Mấu trong đợt bão số 10 đã làm mất trắng gần 100 ha nuôi tôm vụ 2 ở vùng Hói Phương xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu). Trên 1 ha nuôi tôm 40 ngày tuổi của gia đình anh Nguyễn Đình Nghiêm cũng bị nước tràn vào. Ngay khi nước rút, toàn bộ lượng tôm trong hồ nuôi bị chết sạch, không những mất trắng vụ tôm, hiện nay anh Nghiêm còn phải đối mặt với việc ô nhiễm đầm nuôi. Mặc dù số nợ trên 150 triệu đồng đầu tư vào vụ tôm này vẫn chưa biết gỡ bằng cách nào, nhưng anh vẫn phải thuê 3 – 4 công nhân, cùng với gia đình tập trung hút bùn, rửa sạch đáy hồ, dùng vôi và clorin để xử lý nhằm tiêu diệt các mầm bệnh, chuẩn bị sẵn sàng cho vụ nuôi tiếp theo.
Hiện nay, hàng trăm hộ nuôi trồng thủy sản tại các xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Minh, Quỳnh Bảng, Quỳnh Thọ đang tập trung xử lý môi trường vùng nuôi, cải tạo lại ao, đầm, chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới.
Theo số liệu thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Quỳnh Lưu, toàn huyện có trên 500 ha nuôi thủy sản nước ngọt bị mất trắng, trong đó 280 ha tôm thẻ chân trắng. Hiện nay UBND huyện Quỳnh Lưu đã có các chỉ thị, hướng dẫn cụ thể để ngành thủy sản khắc phục hậu quả, khẩn trương khôi phục sản xuất. Vấn đề cấp thiết trước mắt đối với diện tích bị mất trắng hoàn toàn, tôm chết trong hồ nuôi, cần thực hiện đúng các quy trình xử lý bằng hóa chất, tu bổ lại ao đầm. Riêng đối với các diện tích có thể khắc phục được cần nhanh chóng bổ sung thêm giống hoặc thay thế các đối tượng nuôi phù hợp, tập trung chăm sóc để kịp thu hoạch vào dịp cuối năm. Riêng đối với nuôi tôm, nếu các hộ nuôi có điều kiện thả nuôi trái vụ, phải thực hiện nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật.
Ông Nguyễn Xuân Dinh – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu khuyến cáo: “Một số nơi có điều kiện để thả nuôi trái vụ trong thời gian tới cần phải khẩn trương tiến hành khử trùng, khử độc môi trường và chuẩn bị các điều kiện để thả giống sớm, bảo đảm chống rét và kỹ thuật nuôi nhằm tránh dịch bệnh, tránh thiệt hại do thời tiết lạnh”.
Với sự chỉ đạo của ngành Thủy sản cùng các địa phương, bà con nhân dân tích cực khắc phục thiệt hại, nhanh chóng xử lý môi trường vùng nuôi đảm bảo. Tin rằng vụ nuôi tiếp theo sẽ hạn chế được thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho tôm nuôi.
Nguyễn Vân (Đài Quỳnh Lưu)