"Miếng trầu là đầu câu chuyện"

17/10/2013 18:10

(Baonghean) - Hình ảnh những hàng cau thẳng tắp, cao vút, thân lá xẻ hình lông chim, lung linh trong nắng sớm, đong đưa trước gió chiều hay in hình trên nền trời xanh thẳm vào những đêm trăng sáng; cùng hình ảnh những giàn trầu không xanh rờn với những chiếc lá to bằng bàn tay nơi góc vườn của nội, của ngoại... đều là những hình ảnh thân quen đã in sâu vào ký ức của nhiều người. Ngày nay chúng đã trở thành những hình ảnh biểu tượng cho quê hương trong nỗi nhớ, niềm thương của những người con xa xứ. Và tục ăn trầu đã thành nét văn hóa ngàn xưa…

Tương truyền, tục ăn trầu cau (tục ăn trầu) có từ thời Hùng Vương, gắn liền với truyền thuyết về “Sự tích trầu cau”, kể về tình cảm vợ chồng thủy chung, anh em gắn bó vượt non, vượt suối tìm nhau và cùng hóa thành cây cau, dây trầu, tảng đá quấn quýt bên nhau. Trầu cau là đầu trò của giao tiếp, ứng xử, là sự khởi đầu, khơi mở tình cảm, giúp người với người trở nên gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Trầu cau là lễ vật khởi đầu trong các nghi lễ truyền thống quan trọng như cưới hỏi, tế tự, tang ma, táng tục... Trầu cau là biểu tượng của tình yêu đôi lứa và tình nghĩa vợ chồng, anh em, gia đình, hạnh phúc.

Miếng trầu gồm bốn loại nguyên liệu, mỗi loại một vị: Cau (vị ngọt), lá trầu không (vị cay), rễ (vị đắng), vôi (vị nóng). Cây cau vươn cao biểu tượng của trời (dương). Vôi chất đá biểu tượng của đất (âm). Dây trầu mọc từ đất, quấn quýt thân cây cau, biểu tượng cho sự trung gian. Miếng trầu gồm miếng cau, lá trầu quết vôi, phụ thêm miếng vỏ cây chát (miếng rễ). Ăn trầu cau thì miếng trầu có vị ngọt của hạt cau, vị cay ở lá trầu, chát nóng từ vôi, cái bùi của rễ... tất cả như tạo nên sự kích thích, làm cho thơm miệng, đỏ môi... Tiện cau phải có dao sắc, róc vỏ cau xong và phải khéo vì chỉ cắt vứt đi chừng 1/3 vỏ phía dưới thôi, rồi tiễn chũm, bổ dọc chia làm 5 hay 6 phần đều nhau, khi ăn thì tước bỏ chỗ vỏ xanh đi. Muốn têm trầu cánh phượng thì người ta gấp lá trầu làm hai theo chiều dọc, đoạn đưa một nhát dao hơi xéo vào hai bên phiến lá, khoảng từ giữa lá lên phía cuống, nhưng không được để đứt. Phần giữa lá, xén bỏ hai bên mép lại cho thẳng như têm trầu ăn thường ngày, đoạn phết một chút vôi ở giữa, rồi cuộn tròn lại; sau đó dùi một lỗ ở giữa cuộn trầu, xong gài cuống lá vào cho chặt. Hai rẻo lá hình cong được cắt gần sát cuống lúc đầu, vì không cuộn nên vểnh lên trông như hai cánh con chim phượng. Miếng trầu têm có nghệ thuật làm tôn được giá trị về nữ công, về tài khéo của người phụ nữ. Nhìn hình ảnh cuộn trầu trông lùng bùng hay tròn trịa, mực thước hay bay bướm; lại qua hương vị của miếng trầu khi thưởng thức, nhạt hay vừa hay mặn vôi, cay thơm dìu dịu hay cay nồng vì quế vì hồi mà đoán biết được phần nào tính nết chủ nhân của nó: cẩu thả hay cẩn thận, vụng về hay khéo léo, giản dị hay cầu kỳ, điềm đạm hay nồng nhiệt.

Tục mời trầu ở xứ ta cho thấy, trầu cau là phương tiện không thể thiếu trước nhất trong những nghi thức giao tế hằng ngày ngoài xã hội. Vì "Miếng trầu là đầu câu chuyện", là "đầu trò tiếp khách", nên chỉ vừa gặp nhau, sau mấy lời chào hỏi, người ta liền mở trầu mời ăn rồi mới nói gì thì nói, bàn gì thì bàn:

- Có trầu thì giở trầu ra

Trước là đãi bạn, sau ta với mình.

- Xưa kia ai biết ai đâu,

Chỉ vì điếu thuốc, miếng trầu nên quen.

Trong phạm vi tình yêu và hôn nhân, tục mời trầu đã được người bình dân khai thác triệt để. Vì trầu cau còn là lễ vật cưới xin nên những hình ảnh, màu sắc, hương vị của trầu, cau, vôi... luôn luôn gợi ý cho thanh niên nam nữ liên tưởng tới những chuyện tình yêu, chuyện duyên phận lứa đôi:

- Vào vườn hái quả cau non,

Anh thấy em giòn muốn kết nhân duyên.

- Phấn trắng hơn vôi, vôi nồng phấn lạt,

Bởi anh thương nàng, mới lạc tới đây.

Ngày nay tuy miếng trầu quả cau vẫn là một phong tục đẹp trong lễ vật cầu hôn, thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống nhưng không còn mấy ai ăn trầu nữa. Lứa tuổi thanh nam nữ tú bây giờ ít biết đến trầu cau. Hàng cau, vườn trầu xanh mát đã dần vắng bóng trong mỗi làng quê. Tục mời trầu cũng trở lên xa lạ. Tục lệ ăn trầu chỉ tồn tại ở các vùng nông thôn, gắn liền với hình ảnh các cụ ông, cụ bà nơi miền quê thôn dã. Tuy vậy, trầu cau vẫn trường tồn trong các dịp lễ hội, ngày tết, đình đám... Tục ăn trầu đã trở thành một bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam, biểu hiện sự chung thuỷ, đoàn kết và lòng tôn kính.

Duy Ngọc