90% bệnh nhân đột quỵ bị di chứng

30/10/2013 17:50

Đột quỵ có thể phòng ngừa nếu được cấp cứu kịp thời và chăm sóc dài hạn, thích hợp.

Hội nghị về đột quỵ (tai biến mạch máu não) được tổ chức tại Hà Nội ngày 29/10/2013, là hoạt động hưởng ứng Ngày Đột quỵ thế giới 29/10.

Hội nghị có sự tham dự của GS Stephen Davis, Chủ tịch Tổ chức Đột quỵ thế giới và GS Michael Chopp, Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu khoa học thần kinh, Bệnh viện Henry Ford, Detroit, Hoa Kỳ - những chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực chống đột quỵ tới Việt Nam để phát động nâng cao nhận thức về đột quỵ và cách phòng, trị bệnh.

Tham dự hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, các giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực thần kinh, cấp cứu, tim mạch, lão khoa, tâm thần cùng gần 1.000 bác sĩ từ các bệnh viện ở Hà Nội và toàn miền Bắc. Các bác sĩ tham gia hội thảo được nghe các báo cáo và thảo luận về cách phòng bệnh đột quỵ, điều trị và chăm sóc phục hồi sớm cho bệnh nhân đột quỵ; đồng thời trao đổi các tiến bộ y học trong phòng ngừa và điều trị đột quỵ não.

GS Stephen Davis, Chủ tịch Tổ chức Đột quỵ thế giới trao bằng khen cho các GS BS Việt Nam
GS Stephen Davis, Chủ tịch Tổ chức Đột quỵ thế giới trao bằng khen cho các GS BS Việt Nam

Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật (xếp hàng thứ 3 về bệnh gây tử vong, sau ung thư và tim mạch). Theo GS. Stephen Davis, Chủ tịch Tổ chức Đột quỵ thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có 16 triệu ca đột quỵ và khoảng 6 triệu ca tử vong. Hơn 2 thập kỷ qua, gánh nặng của đột quỵ đã tăng 26%. Trên 80% trường hợp đột quỵ xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ở đó, đột quỵ là một đại dịch. Ở các khu vực có thu nhập thấp, người trẻ bị ảnh hưởng bởi đột quỵ theo tỷ lệ nghịch.

GS Stephen Davis nhấn mạnh: “Tổ chức đột quỵ thế giới có sứ mạng làm giảm gánh nặng do đột quỵ trên toàn cầu thông qua dự phòng, điều trị giai đoạn cấp và chăm sóc lâu dài. Làm việc với các tổ chức hợp tác về bệnh không lây nhiễm, nhắm tới các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, sử dụng rượu quá mức, ít hoạt động thể lực, tăng huyết áp, đái tháo đường và béo phì, thông qua việc cung cấp các thuốc thiết yếu với giá rẻ, với mục tiêu giảm 25% tất cả các bệnh không lây nhiễm vào năm 2025”.

Bệnh nhân đột quỵ tại bệnh viện Bạch Mai (ảnh: Vũ Hạnh)
Bệnh nhân đột quỵ tại bệnh viện Bạch Mai (ảnh: Vũ Hạnh)

Tại Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á khác, tỷ lệ cháy máu não cao hơn nhiều so với các khu vực ở phương Tây, gây nên tỷ lệ tử vong do đột quỵ cao. Theo GS TS Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Phòng chống tai biến mạch não Việt Nam, Việt Nam có trên 80 triệu dân, mỗi năm có 200.000 bệnh mới, số còn sống là 486.000 và tử vong khoảng 100.000.

GS TS Lê Văn Thành khẳng định: “Đột quỵ không những có thể phòng ngừa được mà còn rất nhiều bệnh nhân có thể phục hồi và lấy lại được chất lượng cuộc sống nếu được cấp cứu kịp thời và chăm sóc dài hạn thích hợp”. Còn theo GS TS Lê Văn Thính, Trưởng khoa Thần kinh, BV Bạch Mai, có tới 90% bệnh nhân đột quỵ bị di chứng. Bên cạnh đó, bệnh nhân đột quỵ thường hay bị tái phát, lần sau thường nặng hơn lần trước.

Từ nhiều năm qua, Hội Phòng chống Tai biến mạch máu não Việt Nam, Hội Thần kinh và những hội chuyên khoa khác đã không ngừng chăm sóc bệnh nhân. Việc tuyên truyền giáo dục bằng các phương tiện thông đại chúng về kiến thức phòng bệnh, biết cách phát hiện những triệu chứng khi khởi phát giúp người bệnh tiếp cận với các cơ sở điều trị nhanh hơn. Hiện cả nước có 17 trung tâm dự phòng đột quỵ, chủ yếu tập trung tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Về kỹ thuật, một số dịch vụ đột quỵ não đã và đang áp dụng phương pháp tái thông mạch bằng tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch và động mạch.

Để phòng, chống, xử trí bệnh nhân đột quỵ sao cho hiệu quả, một điều vô cùng quan trọng là nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh đột quỵ và bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên y tế trong chẩn đoán, điều trị. Từ năm 2008 đến 2011, Bộ Y tế và Tổ chức Đột quỵ thế giới đã tiến hành chương trình “Điều trị đột quỵ cơ bản” (do Ever Neuro Pharma - Cty dược của Áo tài trợ vô điều kiện), tổ chức tại 58 tỉnh thành phố, với giảng viên là các giáo sư đầu ngành của Tổ chức Đột quỵ Thế giới và các giáo sư đầu ngành Việt Nam trong lĩnh vực đột quỵ để bồi dưỡng nghiệp vụ cho 8.596 bác sĩ của tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Các bác sĩ tham gia khóa đào tạo đều được cấp giấy chứng nhận của Tổ chức Đột quỵ Thế giới và Bộ Y tế Việt Nam. Thành công của dự án được Tổ chức Đột quỵ Thế giới đánh giá coi là hình mẫu để áp dụng với các nước trong khu vực.

** Đại tá, GS.TS Nguyễn Văn Thông, Nguyên Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108:

“Chỉ có khoảng dưới 1% bệnh nhân bị đột quỵ được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết (tPA) đúng cách trước khi đến bệnh viện. Kiến thức về "giờ vàng" (3 đến 4,5 giờ đầu từ khi khởi phát đột quỵ) đối với bệnh nhân bị đột quỵ không phải ai cũng nắm được. Trong đào tạo y khoa cũng không có chuyên khoa về đột quỵ nên phần lớn các bác sĩ ra ngành nghề rồi mới tích lũy kiến thức từ kinh nghiệm công tác. Đối với tuyến cơ sở thì kinh nghiệm cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ cũng còn nhiều bất cập”.

** GS Michael Chopp, Bệnh viện Henry Ford, Detroit, Mỹ:

“Não có khả năng rất lớn tự tái cấu trúc. Tuy nhiên, sau tổn thương hệ thần kinh trung ương như đột quỵ, chấn thương, hoặc bệnh thoái hóa thần kinh, việc tự tái cấu trúc não thương không đủ để phục hồi chức năng thần kinh. Cerebrolysin tạo ra tính mềm dẻo của não và thúc đẩy sự hồi phục thần kinh sau đột quỵ. Cũng như các tế bào ngoại lai, Cerebrolysin thúc đẩy quá trình sinh thần kinh và sự di trú của các tế bào mới được tạo ra đến khu vực bị tổn thương. Các nghiên cứu đã chứng minh Cerebrolysin thúc đẩy sự tăng sinh và biết hóa các tế bào tiền thân trong não thành tế bào thần kinh và tăng cường quá trình di trú của các tế bào tiền thân. Cơ chế phân tử của sự thúc đẩy tân sinh thần kinh của thuốc đã được chứng minh có liên quan đến sự hoạt hóa con đường dẫn đến truyền tín hiệu AKT”.

Theo VOV.VN