Con Cuông: Tăng đầu tư mô hình phát triển sản xuất
(Baonghean) - Cũng như một số huyện miền núi cao khác ở Nghệ An, do xuất phát điểm thấp và nguồn lực đầu tư hạn chế nên xây dựng nông thôn mới (NTM) tại Con Cuông gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, một trong những yêu cầu đặt ra của xây dựng NTM là cùng với xây dựng hạ tầng phải phát triển mạnh các mô hình cây, con để tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân...
Mô hình nhỏ, hiệu quả lớn
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, Con Cuông chọn 3 xã: Yên Khê, Chi Khê và Lục Dạ làm điểm để đầu tư xây dựng các mô hình phát triển sản xuất. Năm đầu tiên, với kinh phí hỗ trợ 150 triệu đồng, huyện triển khai 3 mô hình gồm trồng bí xanh ở bản Mét, xã Lục Dạ; mô hình trồng hành tăm ở bản Khe Tín, xã Yên Khê và mô hình nuôi lợn đen trị giá 100 triệu đồng tại bản Liên Đình, xã Chi Khê (mô hình này triển khai trong 2 năm, mỗi năm 50 triệu đồng).
Với thời hạn triển khai khác nhau nhưng đều cho kết quả thành công ngoài mong đợi. Cụ thể, cây bí xanh, với kinh phí 77 triệu đồng đầu tư cho 14 hộ tham gia, diện tích 1,65ha, sau 3 tháng triển khai, năng suất đạt 20 tấn/ha, doanh thu 100 triệu đồng, lãi khoảng 23 triệu đồng. Tương tự, mô hình trồng hành tăm với kinh phí hỗ trợ 32 triệu đồng, 20 hộ tham gia, diện tích 0,57 ha, qua 5 tháng triển khai sản lượng đạt 3,42 tấn/ha, doanh thu 68,4 triệu đồng; mô hình nuôi 25 con lợn đen được giao cho 13 hộ (2 con/hộ), qua 2 năm triển khai đã tạo ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân.
Trên cơ sở thành công bước đầu, kinh phí hỗ trợ xây dựng các mô hình này được tăng dần: Năm 2012 nâng lên 300 triệu đồng với mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trồng cỏ VA06 và cải tạo đàn bò tại bản Lam Khê, xã Chi Khê; Mô hình chăn nuôi lợn đen tại bản Nưa, xã Yên Khê và mô hình duy trì, phát triển nghề dệt thổ cẩm tại bản Yên Thành, xã Lục Dạ. Năm 2013, kinh phí được phân bổ là 680 triệu đồng, ngoài 3 xã điểm, mô hình đầu tư thêm xã Mậu Đức, Thạch Ngàn, Lạng Khê, Châu Khê, mỗi xã từ 60 đến 70 triệu đồng.
Một trong những kết quả đáng ghi nhận của huyện Con Cuông trong xây dựng NTM đó là, huy động sức dân để làm giao thông và xây dựng hạ tầng nông thôn. Trong 3 năm lại đây, từ nguồn các dự án lồng ghép, Con Cuông làm được trên 60 km đường giao thông liên huyện, với tổng kinh phí khoảng 174 tỷ đồng; từ nguồn NTM làm được 46 km đường bê tông, trong đó dân tự làm 44,17 km, doanh nghiệp 1,33 km. Dẫn đầu là xã Chi Khê làm được trên 14 km, tiếp đó xã Lục Dạ gần 10km và Yên Khê khoảng 7 km. Để hoàn thành khối lượng trên, huyện đã vận động người dân hiến đất trên 66.000m2 để làm mới và mở rộng đường nội thôn; giải phóng 42km hành lang giao thông, san lấp 18.000m2 mặt đường; làm mới trên 18 km kênh mương thủy lợi….
Xây dựng đường và kè vào cầu treo Bãi Ổi, xã Chi Khê (Con Cuông). |
Chủ tịch UBND xã Chi Khê, ông Lộc Văn Hợi vui vẻ khoe: tranh thủ từ nhiều nguồn lực, trong 3 năm, xã đã làm được 18 km đường bê tông/tổng cộng 37 km đường nội xã, trong đó 4,5 km đường từ nguồn chương trình 135 và dự án Lucxămbur, còn lại huy động sức dân. Có những xóm, bản như Quyết Tiến, Lam Khê hay bản Đình, gần 100% đường xóm đã được bê tông hóa. Một số bản nhờ được quy hoạch giao đất ở theo ô bàn cờ từ trước, nay theo chương trình NTM, đường sá được chỉnh nắn, tạo không gian rất khang trang và sạch đẹp. Ở nhiều bản người Thái, bà con đã dời hẳn chuồng gia súc ra khỏi gầm cầu thang và biết tận dụng bờ bãi ven sông để trồng cỏ chăn nuôi gia súc…
Đến thăm hộ ông Lương Văn Tiến, bản Lam Khê, xã Chi Khê - là một trong 15 hộ được nhận bò năm 2012. Vợ ông Tiến cho biết: gia đình may mắn bốc thăm được bò, sau biết mức hỗ trợ 5 triệu đồng, ông bà đầu tư thêm 3 triệu đồng để mua 1 con bò đực giá 8 triệu. Sau 1 năm, con bò trị giá khoảng 12 triệu đồng. Để tận dụng công lao động và tăng thêm thu nhập cho gia đình, ông mua thêm trâu và chăn nuôi lợn. Hàng ngày, ngoài thời gian làm vườn, ông còn trồng cỏ ngoài bãi và làm ngô, lúa. Riêng từ chăn nuôi mỗi năm có thu nhập vài chục triệu đồng, gia đình đã thoát nghèo.
Ông Phan Xuân Diện, Chánh văn phòng Ban điều phối NTM huyện Con Cuông cho biết: Đối tượng được chọn triển khai phải là các hộ có kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt. Trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, xóm, xã tổ chức bình bầu, sau đó bốc thăm. Khi nhận mô hình, người dân tự chọn mua gia súc và góp vốn đối ứng. Nhờ cách làm trên, không chỉ 3 xã điểm nâng được tiêu chí từ 7 đến 9/19 tiêu chí mà các xã khác như Bồng Khê, Lạng Khê đạt 8/19 tiêu chí; các xã còn lại từ chưa có tiêu chí nào, nay đã đạt từ 4 - 5/19 tiêu chí…
Những vướng mắc, bất cập cần điều chỉnh
Bên cạnh những kết quả trên, từ thực tiễn xây dựng NTM ở Con Cuông đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập cần được xem xét.
Trước tiên là mức huy động sức dân: qua tiếp xúc, tìm hiểu tại một số xã, chúng tôi nhận thấy mức huy động đóng góp so với mức thu nhập và đời sống của người dân là khá cao. Mặc dù người dân rất nhiệt tình hưởng ứng, nhưng không ít lãnh đạo các địa phương khá băn khoăn. Nguyên nhân người dân phải đóng góp cao, một phần do giá cát sỏi quá cao. Mặc dù địa bàn miền núi nhưng phải mua sỏi, đá từ nơi khác về, được Nhà nước hỗ trợ xi măng nhưng người dân phải đóng góp đến 60% giá công trình. Để huy động làm đường, mỗi hộ đóng góp bình quân từ 2 đến 2,3 triệu đồng/hộ, tương đương mỗi nhân khẩu thu từ 500 -700 ngàn đồng/năm.
Cùng với đó, khâu quy hoạch thiết kế còn bất hợp lý và chưa phù hợp. Mặc dù quy hoạch tổng thể đã được duyệt nhưng thực tế khi triển khai các công trình cụ thể đều phải tính toán, điều chỉnh bố trí để phù hợp với không gian chung của địa phương. Điều này xuất phát từ thực tế là thời gian xây dựng và duyệt quy hoạch quá gấp rút, cán bộ thiết kế gần như chỉ lấy số liệu cơ bản, chưa khảo sát cụ thể nên chưa thật sát sao. Bên cạnh đó, định mức tiền Nhà nước hỗ trợ cho công tác quy hoạch không nhiều (100 triệu đồng/xã) nên chưa chi tiết dẫn đến khi triển khai gặp nhiều khó khăn.
Một số tiêu chí đưa ra đối với địa bàn miền núi dù đã được điều chỉnh nhưng còn quá cao và chưa thực sự phù hợp với huyện miền núi như Con Cuông. Điển hình là tiêu chí về mức thu nhập và cơ cấu lao động theo quy định đến 2015, bình quân thu nhập phải đạt 18 triệu đồng/người/năm, nhưng đến nay huyện mới chỉ đạt từ 11-12 triệu đồng/người, nên rất khó đạt; các mô hình hỗ trợ sản xuất quy mô quá nhỏ, các cây, con mang lại giá trị kinh tế lớn và chuyển dịch cơ cấu thì không được đầu tư. Bên cạnh đó, một số tiêu chí không phù hợp như tỷ lệ xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, bãi rác tập trung hay dồn điền đổi thửa, xây dựng thiết chế văn hóa… đối với vùng cao là chưa thực sự phù hợp nên cần tiếp tục được xem xét điều chỉnh.
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ ở Văn phòng điều phối NTM huyện Con Cuông chia sẻ: Xây dựng NTM không chỉ làm giao thông và hạ tầng cơ sở vật chất mà quan trọng nhất là xây dựng mô hình để hướng dẫn cho bà con làm ăn, qua đó nâng cao đời sống và tạo việc làm bền vững cho người dân. Cách triển khai và mô hình cây, con của chương trình NTM Con Cuông đã chứng minh được hiệu quả. Vì vậy, cùng với chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng, Nhà nước cần tăng cường nguồn vốn hỗ trợ để phát triển các mô hình kinh tế cho bà con làm ăn, như vậy NTM ở Con Cuông mới thực sự bền vững và ý nghĩa.
Nguyễn Hải