Để bảo tàng là điểm đến hấp dẫn
(Baonghean) - Được xác định là một trong những điểm du lịch quan trọng của Nghệ An, Thế nhưng thời gian qua, hệ thống bảo tàng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thu hút đông đảo du khách tới tham quan, tìm hiểu. Nguyên nhân được xác định là do cơ sở vật chất còn hạn chế, cách trưng bày chưa hấp dẫn, đội ngũ thuyết minh viên chưa đáp ứng yêu cầu… Vậy làm thế nào để hệ thống bảo tàng thành điểm đến hấp dẫn du khách?
Nằm trong hệ thống bảo tàng xứ Nghệ, Bảo tàng Tổng hợp là nơi sưu tầm, bảo quản, trưng bày các hiện vật, tư liệu quý về lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội giúp nhân dân hiểu biết và tự hào về lịch sử truyền thống quê hương. Thế nhưng thời gian qua, bảo tàng chưa thể phục vụ nhân dân và du khách vì đang trong quá trình nâng cấp. Khi chúng tôi tới bảo tàng, mặc dù chưa mở cửa phục vụ nhưng có rất nhiều học sinh, người dân vẫn tới tham quan những hiện vật đang trưng bày ngoài trời. Em Nguyễn Lâm Hùng, học sinh lớp 7H, Trường Đặng Thai Mai, TP Vinh, cho biết: “Là học sinh nên chúng em rất thích tìm hiểu, khám phá lịch sử của quê hương mình. Tuy không có nhiều thời gian nhưng những lúc nghỉ học hay ngày lễ, bọn em lại rủ nhau đến Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Tổng hợp tham quan”.
Khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Tổng hợp thu hút học sinh tìm hiểu. |
Trao đổi với ông Nguyễn Đức Kiếm – Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp, được biết: Hiện nay, Bảo tàng Tổng hợp Nghệ An đang lưu giữ, bảo quản khoảng 20 nghìn tài liệu, hiện vật, tư liệu quý về lịch sử vùng đất, con người Nghệ An. Để đáp ứng nhu cầu trong công tác nghiên cứu, tham quan, học tập của nhân dân và khách du lịch, ngày 18/6/2010, UBND tỉnh phê duyệt đề án trưng bày nội ngoại thất Bảo tàng Tổng hợp với tổng kinh phí 44,2 tỷ đồng.
Dự án trưng bày nội ngoại thất Bảo tàng Nghệ An gồm 2 phần: phần nội thất trưng bày theo 5 chủ đề (Nghệ An thiên nhiên và con người; Nghệ An thời tiền sơ sử đến buổi đầu dựng nước; Nghệ An trong lịch sử dựng nước và giữ nước; Nghệ An trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ dân tộc và thống nhất Tổ quốc; Nghệ An ngày nay); phần ngoại thất với tổ hợp đặc trưng văn hóa các dân tộc (nhà người Mông, nhà người Thái, đình làng, ao làng, cổng làng của người Kinh… và các hiện vật thể khối như tượng đá, máy bay… và các hệ thống cây xanh, nhà dịch vụ). Với mong muốn sau khi dự án hoàn chỉnh và đi vào hoạt động, Bảo tàng Tổng hợp sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước, là 1 trong những điểm du lịch nằm trong tour Quảng trường Hồ Chí Minh – Cổng thành Vinh – Bảo tàng Tổng hợp – Bảo tàng Xô Viết…
Theo kế hoạch, cuối năm 2013 dự án sẽ bàn giao và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên đến nay, dự án mới hoàn chỉnh 1/4 hạng mục. Nguyên nhân dự án chậm một phần là do ngành VHTT và DL thời gian qua có quá nhiều dự án nên đầu tư dàn trải. Điều đáng lo là hiện nay, nhà trưng bày với kinh phí 11 tỷ đồng đã hoàn thành từ năm 2005 đang có nguy cơ xuống cấp, trong khi hạng mục trưng bày nội, ngoại thất vẫn chưa hoàn thành. Dự án bảo tàng có tính chất, đặc thù riêng, nội dung trưng bày là các thời kỳ lịch sử liên quan với nhau một cách chặt chẽ, lôgic, vì thế nó không giống như các dự án khác là xong phần nào phục vụ phần đó. Vì thế thời gian qua, có rất nhiều đoàn khách du lịch trong nước, quốc tế vào liên hệ tìm hiểu, tham quan nhưng cán bộ bảo tàng đành xin lỗi vì bảo tàng đang trong quá trình sửa chữa.
Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh là nơi trưng bày chuyên đề về một sự kiện lịch sử tiêu biểu của dân tộc khi Đảng ta mới ra đời, đó là cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931. Thời gian qua, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã nỗ lực về mọi mặt để phục vụ công tác tìm hiểu, tham quan của du khách. Thế nhưng, có một thực tế là Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh chưa trở thành điểm đến hấp dẫn du khách khi về với Nghệ An. Ông Nguyễn Xuân Thủy - Giám đốc Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh cho biết: Có thể khẳng định rằng, hệ thống bảo tàng Nghệ An chưa tương xứng với sự phát triển của xã hội hiện nay.
Bảo tàng chưa được đầu tư đổi mới, cơ sở vật chất chưa theo kịp thời đại, nghệ thuật trưng bày còn theo lối cổ điển nên sức hấp dẫn hạn chế. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tàng còn thụ động, chưa sáng tạo trong cách thuyết minh, trong xây dựng nội dung trưng bày tại chỗ cũng như lưu động. Muốn thu hút khách du lịch thì mô hình bảo tàng hiện đại phải là trung tâm giải trí đa dạng, không chỉ phục vụ nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu mà còn là nơi giải trí các loại hình nghệ thuật phong phú…
Còn ở Bảo tàng Quân khu 4 - nơi sưu tầm và tiếp nhận kỷ vật, hình ảnh, tư liệu trên các lĩnh vực hoạt động của quân và dân Quân khu 4 trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Với trên 20.000 kỷ vật, hình ảnh, tư liệu Bảo tàng Quân khu 4 trở thành “địa chỉ đỏ” của nhiều đoàn tham quan là các cựu chiến binh ở các tỉnh, các em học sinh, sinh viên. Thế nhưng, cán bộ bảo tàng QK4 vẫn còn trăn trở đó là lượng khách du lịch trong và ngoài nước khi đến Nghệ An còn ít người tìm đến bảo tàng.
Theo Đại tá Nguyễn Công Thành - Giám đốc Bảo tàng QK4 một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là hệ thống trưng bày ít được đổi mới, chưa hấp dẫn do không được đầu tư cơ sở vật chất. Trong khi một số bảo tàng trong nước hệ thống trưng bày bằng công nghệ điện tử có ánh sáng, âm thanh hấp dẫn thì tại Bảo tàng QK4 phòng trưng bày còn khá đơn giản nên thiếu sức hấp dẫn; hơn nữa, sự phối hợp giữa các bảo tàng, các đoàn thể, trường học chưa cao... Để khắc phục, thời gian tới, bảo tàng sẽ nâng cấp nhà trưng bày chính từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu của nhân dân, đồng thời phối hợp với các công ty lữ hành, các bảo tàng trong tỉnh liên kết xây dựng các tour du lịch nhằm thu hút đông đảo du khách tới tham quan.
Trao đổi với các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh, được biết: Hầu hết hệ thống bảo tàng của tỉnh ta thời gian qua đang hoạt động độc lập và chưa có sự liên kết nào với hoạt động lữ hành. Tuy nhiên, nhiều công ty lữ hành cũng đã tích cực quảng bá, xây dựng các tour du lịch văn hóa lịch sử tâm linh trong đó có các điểm đến là Bảo tàng Xô Viết, Bảo tàng Quân khu 4, riêng Bảo tàng Tổng hợp chưa hoàn chỉnh nên không quảng bá.
Rất nhiều khách du lịch sau khi tham quan các bảo tàng đều có chung nhận xét: cách trưng bày còn đơn điệu, chưa hấp dẫn, đội ngũ thuyết minh viên còn tẻ nhạt. Ông Nguyễn Hữu Bắc – Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Thái Sơn - Ủy viên BCH Hiệp hội du lịch Nghệ An cho rằng: Các bảo tàng cần thiết kế nhiều tờ rơi và ấn phẩm giới thiệu chi tiết về bảo tàng để các công ty lữ hành cũng như du khách chủ động hơn trong việc tìm hiểu chủ đề mà họ quan tâm chứ không lệ thuộc quá nhiều vào hướng dẫn viên, thuyết minh viên.
Để hệ thống bảo tàng thực sự là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh, rất cần sự đầu tư đúng mức cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá. Theo đó, cần có sự gắn kết và phối hợp giữa bảo tàng với những đơn vị làm du lịch. Về phần mình, các bảo tàng cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên - những người thổi hồn cho bảo tàng.
Thanh Thủy