Chân dung người lính - nghệ sỹ
(Baonghean) - Cách đây chưa lâu, trả lời phỏng vấn của một tờ báo, ông nói: “Nếu chỉ nhìn vào bên ngoài, không ai bảo tôi là nghệ sỹ. Phải hiểu tôi bằng cái tâm, bằng công việc... Tôi yêu, sống với nghệ thuật, sáng tạo nghệ thuật ngay chính trên quê hương mình. Vâng, cả một đời mưa nắng với quê hương!”. Với vẻ ngoài xù xì, khắc khổ, nhưng nhạc sỹ Hoàng Thành lại nhanh chóng thuyết phục người đối diện bằng một nhiệt huyết sống, sự hồn nhiên đầy chất nghệ sỹ...
Nhạc sỹ, NSƯT Hoàng Thành thời trẻ và bây giờ. |
Căn phòng khách của ngôi nhà nằm bám mặt đường Trần Quang Diệu (TP. Vinh) bộn bề đồ chơi trẻ con, sách báo và cả những bản nhạc xếp bên cây đàn oóc-gan được đặt trên 2 cái... ghế nhựa. Đã điện thoại cho ông nói rõ lý do, giới thiệu đầy đủ về mình, tôi vẫn lúng túng khi ông đã hồn nhiên hỏi: “Chú ở mô, gặp có chuyện chi rứa?”. Rồi chừng như thoáng hiểu về cái hẹn của tôi, hoặc đã quen với cánh phóng viên thường tìm gặp phỏng vấn, hỏi chuyện, ông xuề xòa mời tôi ngồi và cứ hồn nhiên thế bắt ngay vào câu chuyện nghệ thuật mà trong đó ông dường như chỉ là một người yêu âm nhạc chứ không phải là một nhạc sỹ, nhạc công, hay nhà chỉ đạo nghệ thuật mà trong giới âm nhạc Việt hẳn không ít người biết tới…
Phải vài bận khéo léo ngắt lời, tôi mới tỏ được cái mục đích rằng gặp ông là để được chuyện trò về cuộc đời người lính làm nghệ thuật của ông. Ông lại hồn nhiên “À thế a?”, rồi nói luôn rằng: “Tớ cảm ơn đời lính lắm, làm nghệ thuật nhưng được sống và hòa mình vào nhiệm vụ chiến đấu của những người lính đã cho tớ cái niềm tin, tình yêu cuộc sống, và đó là nguồn cảm xúc mãnh liệt để may mắn tớ cho ra được những tác phẩm nghệ thuật được công chúng đón nhận. Những ca khúc “Điệu lăm tơi và anh lính tình nguyện”, “Buông áo em ra”... được xếp vào “những bài ca đi cùng năm tháng” mượt mà thẳm duyên quê hương thế là nhờ cái “cảm xúc lính” cả đấy!”.
Tôi hỏi, ông thích người ta gọi mình là nhạc sỹ, nghệ sỹ Hoàng Thành hơn hay là một vị đại tá, trưởng một đoàn nghệ thuật quân đội danh tiếng? Ông từng đi phục vụ chiến trường vào những năm cuối cuộc chiến chống Mỹ, từng thấy và rung cảm trước đồng đội ông – những người lính trẻ lúc đó thật hồn nhiên, sống và chiến đấu hết mình và trên chiến hào giữa hai trận đánh họ vẫn thổ lộ những ước mơ rất đẹp, rất lãng mạn về tình yêu, về ngày hòa bình trở về với giảng đường đại học, với luống cày quê... dù rất có thể ngày mai họ sẽ phải ngã xuống; thế thì cứ gì phải tách bạch ra chuyện một người lính có tâm hồn nghệ sỹ và một người nghệ sỹ thực thụ. Cấp bậc, chức vụ có được là cũng nhờ nghệ thuật đem lại đó thôi. Và, đã là người lính, thì ở bất cứ đâu, làm nhiệm vụ gì, cũng đều phải tuyệt đối tuân thủ kỷ luật quân đội, mệnh lệnh cấp trên mà!
Tôi bị cuốn hút bởi lối chuyện trò vẻ “khơi khơi” của nhạc sỹ Hoàng Thành, nhưng vẫn nhận thấy mỗi khi thấp thoáng phía nhà trong dáng NSƯT Thu Hằng (nguyên diễn viên hát Đoàn Nghệ thuật QK4), vợ ông, thì ông lại chợt hạ giọng lào thào với sự kính nể hiện lên nét mặt. Ông từng tâm sự rằng ông may mắn được sinh ra ở vùng quê Đức Phong - Đức Thọ (Hà Tĩnh) bát ngát đêm trăng bến Tam Soa của La giang đẫm điệu hát ví quê hương. Năm, sáu tuổi ông đã được theo cha là nghệ sỹ Phạm Hoàng Thọ (nhạc công vi-ô-lông, họa sỹ trang trí sân khấu của Đoàn văn công Liên khu 4, sau là hội viên Hội Sân khấu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An) đi biểu diễn khắp đó đây, được cha dạy làm nghệ thuật là nghề cao quý, và “âm nhạc là ngôn ngữ của trái tim đến với trái tim. Khi các ngôn ngữ khác bất lực thì âm nhạc nói hộ”.
Đến năm 1973, đơn vị nơi nhạc sỹ Hoàng Thành công tác là Đoàn văn công Quân khu 4 có đợt bổ sung lực lượng mới thì “nàng Bạch Tuyết” của ông hiện ra: Trong số diễn viên nữ được bổ sung có ca sỹ Thu Hằng rất xinh đẹp và hát hay nhất. “Chú lùn” Hoàng Thành bị hớp hồn từ đó. Và ông cảm thấy cứ mỗi lần ông đệm đàn, cô ca sỹ ấy hát hay hơn và tiếng đàn của ông cũng như được chắp thêm đôi cánh cho giọng ca của cô thăng hoa. Và tình yêu thật kỳ diệu, như ánh sáng thần kỳ dội vào cảm xúc của ông, khích lệ ông bắt tay vào sáng tác, viết các tác phẩm độc tấu đàn bầu, sáo trúc với dàn nhạc. Ông kể, để ý nhau, rồi ông điên đảo yêu cho đến khi cưới được nhau phải mất đến 5 năm.
Phải! 5 năm thử nghiệm cho một đời hạnh phúc. NSƯT Thu Hằng nay cũng đã nghỉ hưu, nhưng vẫn gần như giữ nguyên được nét xuân sắc quyến rũ, âu yếm nhìn chồng nói: “Cũng phải ghen chết đi đấy! Trông thế mà lắm cô mê!”. Ông lại “à thế a”, rồi cười hà hà nhìn vợ một cách... kính nể! Và khi bà vừa thoáng khuất vào nhà trong, ông lại hạ giọng lào thào: “Năm 1978, bà ấy sinh đôi hai con trai. Vất vả khối đấy! Không có bà ấy gánh vác công việc thì chẳng có cái “thằng tôi Hoàng Thành” có chút danh, con cái trưởng thành như hôm nay!”. Như thế, có hai con người thực sự có ảnh hưởng đến hoạt động nghệ thuật của nhạc sỹ Hoàng Thành đó là người bố ông một mực kính trọng và người vợ ông một mực...kính nể!
Hai con trai của nhạc sỹ Hoàng Thành nay đều cùng cấp bậc đại úy, là nhạc công, nhạc sỹ trong các đoàn nghệ thuật quân đội. Vậy là nhà ông cho đến nay đã 3 đời nghệ sỹ - người lính. Ông bảo cha ông – nghệ sỹ Hoàng Thọ dạy ông rằng: “Mình sinh ra ở một cái nôi dân ca (Nghệ - Tĩnh), nếu theo đuổi con đường âm nhạc, thì hãy biết quý trọng gìn giữ, phát triển”; nay ông bảo các con là ông nội dạy thế, cha đã ý thức “quý trọng gìn giữ”, các con phải biết “phát triển” nó lên! Lớp trẻ bây giờ được trang bị kiến thức bài bản, đầy đủ hơn, lại có thiết bị hỗ trợ “tối tân” để đeo đuổi đam mê nghệ thuật, nhưng để chắc chắn cái “con hơn cha” thì nhạc sỹ Hoàng Thành lại cảm ơn đời lính. Cha lính, mẹ lính sinh ra con lính, cả nhà lính phải có cái kỷ luật của nó chứ! Và ông lại hồn nhiên hà hà cười...
Nhạc sỹ Hoàng Thành rụt rè bước vào âm nhạc bằng bài thi thổi sáo đỗ vào Trường Trung cấp âm nhạc Trung ương; năm 1971 tốt nghiệp về làm nhạc công Đoàn Văn công QK4, sau đó làm nhạc trưởng rồi phó đoàn trưởng, phụ trách chỉ đạo nghệ thuật; rồi đoàn trưởng chịu trách nhiệm chỉ đạo nghệ thuật của Đoàn Nghệ thuật QK4 cho đến lúc về hưu (năm 2012). Như thế, thực chất ông là một nhạc sỹ nhạc khí chứ không phải nhạc sỹ sáng tác ca khúc. Nhưng như ông thẳng thắn nói, ở ta nhạc sỹ khó được biết tới nếu không sáng tác ca khúc, và ông may mắn thử nghiệm thành công. Hỏi ông số lượng các ca khúc, hợp xướng mà ông đã sáng tác thì ông chẳng nhớ.
Chỉ biết với các sáng tác và vai trò chỉ đạo nghệ thuật của mình, ông là linh hồn của nhiều thành tựu Đoàn Nghệ thuật QK4 đạt được trong hơn chục năm qua. Và nữa, ca khúc “Viên gạch hồng” đã giúp vợ ông đạt danh hiệu Người hát hay nhất về Bác Hồ trong Festival Thanh niên 1984 tại Hà Nội, ca sỹ trẻ Công Vinh (Đoàn Nghệ thuật QK4) đoạt Huy chương Vàng giọng hát chuyên nghiệp toàn quốc 2009. Ấn tượng nhất, ca khúc “Bên dậu cúc tần” (sáng tác 2001, phổ thơ Trần Đại Nghĩa) đã vang lên tại sân khấu Thúy Nga Pa-ri, do ca sỹ Phi Thông (Việt kiều Đức) thể hiện ở cuộc thi có tính nghệ thuật đích thực - giọng hát hay ca khúc Việt Nam 2010; mà ở đó chỉ một số ít tác phẩm của các nhạc sỹ miền Bắc sáng tác sau 1975 như Phó Đức Phương, An Thuyên và vài nhạc sỹ khác được chọn thể hiện.
Về hưu, nhạc sỹ Hoàng Thành “bị” chấm ngay vào vai Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Nghệ An. Làm “ông hội” nhưng chất lính nó chẳng nhạt, ông nói cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông nhờ có cái chất nghệ sỹ nhiều khi nó lấn át đi, chứ ông cũng nặng sinh kế như ai! Và ông chẳng giấu rằng nếu không nghèo tiền và phải trải bao thủ tục lôi thôi thì đã làm ngay một chương trình giao hưởng hoành tráng do đích thân ông chỉ huy dàn nhạc, đảm bảo “đủ giàu” tính nghệ thuật, khai triển từ hợp xướng “Tổ quốc và người lính” rất thành công do Bộ Quốc phòng đặt sáng tác). Và ngay như chuyện mọi điều kiện ông đủ, nhưng không được xét lên danh hiệu “nghệ sỹ nhân dân”, cũng không coi đó là những thiệt thòi, mà biết để hiểu cho ra lẽ đời thôi. Tôi coi đó là cái chất “lính nghệ sỹ” của ông; để thích gọi ông là nhạc sỹ, NSƯT Hoàng Thành, theo nghệ danh của ông hơn là vị đại tá Phạm Hoàng Thành, với những chức vụ này nọ…
Bài, ảnh: Đình Sâm