Đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn nhiều sai phạm
Nguyên nhân là chính sách quản trị tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập.
Tại cuộc đối thoại trực tuyến với chủ đề “Khai thác tài nguyên khoáng sản: Minh bạch và hiệu quả” do Cổng Thông tin điện tử chính phủ tổ chức sáng 3/12, các đại biểu tham gia toạ đàm tập trung trao đổi, thảo luận về: Chính sách quản trị tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam; những giải pháp tăng cường hiệu quả quản trị tài nguyên khoáng sản; đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong khai thác khoáng sản.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), chính sách quản trị tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập. Nguyên nhân là do công tác điều tra cơ bản để xác định tiềm năng và phát hiện ra các loại khoáng sản còn nhiều hạn chế. Vốn của nhà nước đầu tư cho công tác này thời gian qua còn ít do khó khăn của nền kinh tế.
Nhiều vùng khoáng sản cần được tổ chức điều tra, thăm dò. |
“Quy hoạch khoáng sản là công cụ pháp lý quan trọng để thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Trong nội dung của quy hoạch, chúng ta xác định nội dung mục tiêu, quan điểm định hướng phát triển, giải pháp và cơ chế chính sách. Đặc biệt là đối với những dự án về thăm dò, khai thác cũng như chế biến khoáng sản. Nếu công tác điều tra cơ bản không thực hiện được, sẽ dẫn tới công tác thăm dò không thể hoàn thành và không thể xác định được trữ liệu tin cậy. Đây là những yếu tố rất quan trọng trong công tác quản trị tài nguyên”, ông Nguyễn Mạnh Quân cho biết.
Thời gian qua, nhiều loại khoáng sản có quy mô rộng lớn, nằm ở nhiều địa phương có quy trình khai thác rất phức tạp, quy hoạch còn chồng lấn giữa Trung ương và địa phương.
Đặc biệt, có tình trạng khi phát hiện điểm khoáng sản, các địa phương đề xuất đề nghị cho điều tra. Trong khi Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Chính phủ không có kinh phí điều tra, địa phương đã chuyển cho doanh nghiệp điều tra vùng khoáng sản, nhưng điều tra một cách nhỏ lẻ.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc chia mỏ lớn thành mỏ nhỏ chỉ xảy ra trong quá trình thực hiện Luật từ năm 1996-2005, khi đó, địa phương có thể cấp và quy hoạch những vùng khoáng sản nằm ngoài quy hoạch của Trung ương.
“Nhiều địa phương đã lách luật bằng cách lợi dụng quy định chia tỷ lệ khai thác hằng năm cho mỗi mỏ để chia nhỏ mỏ. Tuy nhiên hiện tượng này đến nay đã không còn xảy ra. Nhà nước cũng quy định đối với những diện tích đủ lớn, có cấu trúc chứa quặng mới được tiến hành điều tra để tránh hiện tượng chia mỏ lớn thành mỏ nhỏ”
Nói về những nguyên nhân sai phạm trong đấu giá quyền khai thác thời gian qua, ông Nguyễn Linh Ngọc cho biết, đây là thời gian chuyển tiếp thực hiện Luật khai thác khoáng sản 2010, vì thế các hồ sơ tồn đọng của luật năm 1996 vẫn đang được giải quyết; Trong khi đó, các nhà quản lý chưa có văn bản hướng dẫn đầy đủ để thực hiện luật đấu giá quyền khai thác./.
Theo vov