Đổi thay nhờ biết khơi dậy sức dân

22/11/2013 22:48

(Baonghean) - Đến Tân Phú - Tân Kỳ hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay của mảnh đất này, những con đường bê tông láng bóng, những thửa ruộng trên 9 ha đang mùa cày ải, xen lẫn những ao đầm cá lúa rộng lớn. Có được thành quả này là nhờ đảng ủy, chính quyền đã làm tốt công tác dân vận, khơi dậy sức dân, đồng lòng xây dựng quê hương…

Đến thăm mô hình ương nuôi cá diêu hồng của hộ anh Lê Anh Hùng – đảng viên, Bí thư Đoàn xã Tân Phú ở xóm Hạ Sưu mới thấy hết niềm vui của gia đình anh khi những đàn cá mới ương nuôi lớn nhanh như thổi, chỉ cần tiếng kẻng gọi mồi là ùa lên đỏ cả mặt ao. Dự án ương nuôi cá diêu hồng được phòng Nông nghiệp huyện trực tiếp chỉ đạo, giám sát hướng dẫn qui trình lấy mô hình điểm là xã Tân Phú. Dự án được cho là siêu lợi nhuận nếu tuân thủ đủ các điều kiện khoa học kỹ thuật và thời tiết thuận lợi.

Hiện nay 1 kg cá diêu hồng giá thị trường là 45 ngàn đồng, từ vài tạ cá giống, chỉ sau 6 tháng ương nuôi, trên diện tích 2 ha, người dân có thể thu được hàng tấn cá, cho lợi nhuận lên tới hàng trăm triệu đồng. Anh Hùng vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi có trang trại nuôi lợn thịt, trồng keo, mỗi năm cũng cho thu nhập khoảng vài trăm triệu đồng. Ban đầu khi xã đặt vấn đề cho gia đình tôi nhận dự án nuôi cá diêu hồng thì cả gia đình do dự lắm, sau vài buổi tập huấn thấy đây là giống cá dễ nuôi ít dịch bệnh, lại cho lợi nhuận cao, đặc biệt là có sự chỉ đạo sát sao của cán bộ nông nghiệp từ huyện đến xã, lại thấy cá lớn nhanh, tôi cũng rất hy vọng dự án này sẽ thành công và được nhân ra diện rộng”.

Mô hình trang trại nuôi cá diêu hồng của hộ anh Lê Anh Hùng.
Mô hình trang trại nuôi cá diêu hồng của hộ anh Lê Anh Hùng.

Đó không phải là mô hình duy nhất của người dân Tân Phú được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cán bộ xã, huyện. Từ năm 2010, Đảng ủy và UBND xã đã chỉ đạo cho nhiều hộ dân có ruộng sâu trũng thuộc xóm Đức Trịnh thực hiện mô hình nuôi cá lúa với tổng diện tích 9 ha, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Để cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống một cách hiệu quả, Đảng ủy và chính quyền xã Tân Phú đã có những hướng đi đúng đắn trong việc thực hiện công tác dân vận chính quyền. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tích cực phối hợp tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên với phương châm “cán bộ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Nhờ đó, ý thức tự giác, trách nhiệm xây dựng quê hương của nhân dân đã được khơi dậy và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Đi khắp chiều dài của con đường bê tông mới thấy được sự nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới nơi đây. Ngoài việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tích cực triển khai tuyên truyền vận động, năm 2011, Đảng ủy, UBND xã đã tổ chức cho đội ngũ cán bộ cốt cán đi tham quan, học hỏi mô hình của Trung ương, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế tại địa phương để xây dựng nông thôn mới. Trong 19 tiêu chí nông thôn mới, đến nay xã Tân Phú đã đạt 13 tiêu chí, về cơ bản các công trình điện, đường, trường, trạm của Tân Phú đã hoàn thành.

Tân Phú cũng là xã duy nhất của huyện Tân Kỳ có 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia và 2 chợ nông thôn đạt tiêu chí. Hiện nay, xã không có nhà tạm, nhà dột nát, bình quân thu nhập đầu người hơn 20 triệu đồng, có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, bưu điện văn hóa xã, Intenet về tận xóm. Qua 3 năm xây dựng nông thôn mới, nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở nên xã đã xây dựng được một số công trình phúc lợi cơ bản như: Chợ Tân Đồng, Nhà Văn hóa trung tâm. Công trình phụ trợ nhà văn hóa, với tổng giá trị đầu tư hơn 9 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 4 tỷ đồng. Riêng công trình đường giao thông từ Giai Xuân đi Tân Phú nhân dân hiến 9.500m2 đất. Trong đó, các đồng chí đảng viên như Chu Thị Quy xóm Tân Long, Nguyễn Duy Lĩnh xóm Đức Thịnh đã hiến hàng trăm mét vuông đất vườn để mở rộng đường, nhiều đảng viên hưu trí đã đứng ra kêu gọi nhân dân cùng hiến đất mở đường tạo nên phong trào Nhà nước và nhân dân cùng làm, khiến công việc mở đường giao thông rất thuận lợi.

Chủ tịch UBND xã Tân Phú Hồ Sỹ Nguyên cho biết: Có được sự chung sức đồng lòng của nhân dân trong thực hiện các tiêu chí về kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội trước hết là do Đảng ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đã phát huy tốt vai trò giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện công khai, minh bạch để “dân biết, dân bàn và dân cùng quyết định”, từ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm đến dự toán, tiến độ thực hiện các công trình trường học, chợ, trung tâm văn hóa… rồi việc thu các loại lệ phí, các loại quỹ, kinh phí cấp cho đầu tư phát triển, các khoản huy động đóng góp của dân để xây dựng các công trình… nhất là giám sát các chương trình quốc gia chương trình đầu tư vào cộng đồng của địa phương.

Bên cạnh đó, ban thanh tra nhân dân hoạt động giám sát có hiệu quả nên chất lượng các công trình, chương trình đầu tư ở trên địa bàn được đảm bảo. Từ đó, tình hình đơn thư khiếu nại tố cáo về sai phạm của các công trình xây dựng cũng như các dự án đầu tư vào địa phương không xảy ra. Chúng tôi cũng không quên khơi gợi tấm lòng yêu quê hương của những người con xa quê, có những công trình nhà văn hóa xóm mà con cháu làm ăn ở TP Hồ Chí Minh ủng hộ lên tới 50 triệu đồng.

Bài học kinh nghiệm đúc kết từ Tân Phú là việc dân vận khéo phải được thực hiện đồng bộ từ cấp ủy, chính quyền đến khối đoàn thể, và đảng viên luôn là lực lượng tiên phong trong việc làng, việc xã. Đúng như tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”!

Thanh Nga