Khi vụ đông trở thành vụ chính

16/12/2013 20:01

(Baonghean) - Với tổng diện tích gieo trồng lên gần 4.000 ha, trong đó có 3.050 ha ngô, 301 ha rau đậu, 300 ha khoai lang cùng cánh đồng mẫu lớn 50 ha mô hình trồng ngô mật độ dày tại xã Tường Sơn, cánh đồng mô hình rau cải dưa 5 ha ở xã Vĩnh Sơn cho năng suất, sản lượng và giá trị cao... Có thể khẳng định, vụ đông năm 2013 ở Anh Sơn đã thắng lợi toàn diện.

Gia đình bà Nguyễn Thị Ngọ, xã Thạch Sơn chăm sóc ruộng bí.
Gia đình bà Nguyễn Thị Ngọ, xã Thạch Sơn chăm sóc ruộng bí.

TIN LIÊN QUAN

Chúng tôi về huyện Anh Sơn vào ngày đầu mùa Đông, trời mưa lất phất. Đặt chân đến cây cầu treo trên tuyến đường vào Đức Sơn, Thạch Sơn, Vĩnh Sơn, hình ảnh những cánh đồng ngô xanh ngát vút tầm mắt, những vườn bầu bí thẳng tắp đang ra hoa bói lứa đầu, những luống rau cải non mơn mởn đang được người dân cắt tỉa, chăm sóc cẩn thận khiến mọi người quên đi hình ảnh nước lũ băng băng, đỏ quạch ngập kín cánh đồng cách đó vài tháng. Vừa dùng kéo cắt tỉa ngọn bí trên thửa ruộng có diện tích hơn 8 sào của mình, bà Nguyễn Thị Ngọ, xã Thạch Sơn cho biết: Các năm trước, gia đình bà làm vụ đông cầm chừng vì chưa làm đã sợ mất mùa nhưng năm nay, sau khi được chuyển đổi ruộng đất, cả làng, cả xã đều bắt tay vào trồng vụ đông bà cũng mạnh dạn làm.

“Hai tháng khi mới gieo trồng, người dân liêu xiêu vì lũ về liên tục. Cứ trồng lại mất. Sau đợt lũ cuối cùng, cán bộ khuyến nông của xã, xóm kêu gọi bà con xuống đồng, lựa chọn giống ngắn ngày để sản xuất. Vụ này vất vả tí nhưng được cái năng suất và giá bán rất cao nên người dân hào hứng lắm”, bà Ngọ tâm sự. 8 sào bí của bà hiện đã ra quả bói, chưa đầy tháng nữa sẽ có lứa thu hoạch đầu tiên. Với giá bí khoảng 6 – 8 ngàn đồng/kg như hiện nay, ruộng bí đao của bà sẽ đạt giá trị hơn 25 triệu đồng ở lứa thu hoạch đầu tiên. Cả vụ ước đạt hơn 100 triệu đồng.

Trong thời gian chờ thu hoạch bí, bà Ngọ tiếp tục trồng xen các loại rau cải ngắn ngày để có thu nhập theo kiểu lấy ngắn nuôi dài. Cạnh ruộng bí của bà Ngọ, gia đình anh Nguyễn Văn Bình cũng xây tạm một chiếc lán nhỏ để trồng bí và trồng ngô. Anh Bình ở xã Hội Sơn, xuống xã Hoa Sơn cùng với chị gái thuê đất trồng màu. Vụ đông năm nay, anh Bình trồng 5 sào bí, 3 sào ngô cùng một ít diện tích rau. Theo nhẩm tính của anh, mỗi sào trồng bí vụ đông cần đầu tư khoảng 3 triệu đồng tiền nứa, 6 triệu tiền lưới làm dàn (sử dụng được trong vòng 3 năm) và hơn 1 triệu đồng tiền giống, phân bón tuy nhiên giá trị mang lại thì không có cây trồng gì theo được. Từ 2 năm nay, nhiều gia đình khác cũng đã xây lán, dựng lều ngay ngoài đồng bãi, ăn nằm cùng đồng ruộng để trồng bí, trồng ngô.

Rời cánh đồng xã Thạch Sơn, chúng tôi tiếp tục đi vào xã Vĩnh Sơn. Dọc cánh đồng nằm sát bãi bồi sông Lam, vẫn là hình ảnh người dân dùng bao ni lon để phủ kín các bãi ngô, ruộng bí bên cạnh những diện tích rau cải non mơn mởn nằm dưới các luống ngô đã cao nửa người. Khác với các vùng khác, người dân Vĩnh Sơn không trồng cải để bán rau mà để lấy ngồng, lấy hoa. Từ hai năm nay, ngồng cải muối dưa của Vĩnh Sơn đã nức tiếng trong và ngoài huyện. Thương lái tận Hà Nội cũng vào thu mua. Đặc biệt, việc thâm canh cây cải ngồng ở Vĩnh Sơn không mất quá nhiều thời gian, công sức chăm sóc và tốn diện tích đất vì cải được trồng xen trong ruộng ngô. Năm nay, huyện Anh Sơn thí điểm trồng 5 ha rau cải lấy ngồng trong vụ đông ở xã Vĩnh Sơn. Phòng Nông nghiệp huyện cho biết, những năm tiếp theo, khu vực này sẽ được quy hoạch thành nơi trồng cải chuyên canh và từng bước xây dựng thương hiệu cải ngồng Vĩnh Sơn khi diện tích gieo trồng được bà con nhân rộng.

Nếu như các xã vùng Đức Sơn, Vĩnh Sơn, Thạch Sơn, Tào Sơn nổi tiếng với việc trồng rau, màu, đậu thì các xã như Tường Sơn, Cẩm Sơn, Lạng Sơn, Thọ Sơn, Hoa Sơn cũng trở thành những xã điểm về sản xuất ngô và bí. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã, cán bộ phụ trách chỉ đạo sản xuất vụ đông 2013 của xã Cẩm Sơn cho biết, toàn xã đã trồng được 217 ha ngô, 4,2 ha khoai lang, gần 50 ha bầu bí. Các giống ngô được dành riêng cho vụ đông ở huyện Anh Sơn đều là giống ngắn ngày, cho năng suất cao gồm LVN14, C919, DK 6919, DK 8868, NK66, NK 6326. Phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn cho biết, vụ đông năm nay, toàn huyện trồng được 3.050 ha ngô, sản lượng đạt 14.701 tấn, 107 ha bầu bí, sản lượng ước đạt 3.216 tấn… Đây cũng là năm đầu tiên, huyện Anh Sơn đưa vào thí điểm cánh đồng mẫu lớn 50 ha trồng ngô với mật độ dày ở xã Tường Sơn, bước đầu cho thấy mô hình này sẽ đạt kết quả cao, làm tiền đề cho việc triển khai đại trà cánh đồng vụ đông mẫu lớn trong những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Công Thế, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn khẳng định, vụ đông 2013, huyện đã đạt và vượt các mục tiêu đề ra với tổng diện tích gieo trồng gần 4.000 ha, trong đó có 3.050 ha ngô, 301 ha rau đậu, 300 ha khoai lang. Bên cạnh các số liệu về năng suất, sản lượng và giá trị hàng hóa thì cái được lớn nhất trong quá trình triển khai vụ đông ở Anh Sơn là sự đồng thuận mạnh mẽ của nhân dân từ một chủ trương đúng cùng những kinh nghiệm quý giá trong công tác chỉ đạo sản xuất. Vào tháng 8/2013, Huyện ủy Anh Sơn ban hành Chỉ thị số 19/CT/HU về việc chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất vụ đông. Bên cạnh những nội dung đôn đốc các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở tập trung chỉ đạo sản xuất vụ đông thắng lợi thì tinh thần chính của chỉ thị là “đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính”.

Ông Thế phân tích, vụ đông thường đối mặt với các rủi ro về mặt thời tiết, lũ lụt, rét đậm rét hại, dịch bệnh nhưng cũng là cơ hội rất tốt để người dân yên tâm sản xuất bởi giá cả thường rất cao, đầu ra ổn định, không sợ cảnh được mùa, mất giá như các vụ khác. Xác định được cơ hội đó, ngay sau khi chỉ thị được ban hành, UBND huyện Anh Sơn đã huy động toàn hệ thống chính trị cùng vào cuộc để cùng với nhân dân sản xuất vụ đông.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cho vụ đông thắng lợi thì chính quyền và người dân phải chuẩn bị ngay từ vụ xuân năm trước ở các khâu chọn giống, chọn thời điểm thu hoạch. Phải gieo trồng sớm và lựa chọn các giống ngắn ngày năng suất cao để rút ngắn thời gian thu hoạch, ưu tiên các cánh đồng sản xuất vụ xuân sớm. Sau khi hoàn thành vụ xuân, một số nơi không bị ngập lụt có thể tranh thủ thời gian để triển khai thêm vụ thu ngắn ngày và gấp rút xuống giống vụ xuân ngay sau mùa lũ rút. Theo tính toán, gần như toàn bộ diện tích đất bãi, ruộng lúa của huyện Anh Sơn đều sẽ bị ngập nước nếu có mưa từ 250 – 300mm. Dựa vào dự báo lượng mưa, ban chỉ đạo sản xuất vụ đông huyện và xã sẽ phải sát sao chỉ đạo người dân sản xuất ở các vùng đất khác nhau. Ưu tiên đất cao cưỡng, vùng vệ trước và không được mạo hiểm với đất bãi vào mùa mưa lũ,… Khẩu hiệu thành công trong việc bố trí mùa vụ ở Anh Sơn là vụ xuân sớm, vụ thu ngắn ngày và vụ đông an toàn, chắc chắn.

Kinh nghiệm sản xuất vụ đông ở Anh Sơn cho thấy, mấu chốt của sự thành công ngoài các yếu tốt như tuân thủ tuyệt đối cơ cấu giống, lịch thời vụ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì việc tìm đầu ra cho nông sản cũng là yếu một trong những nhân tố hết sức quan trọng. Từ nhiều năm nay, việc thông thương với các thị trường ngoài Bắc thuận lợi nhờ đường Hồ Chí Minh thì huyện Anh Sơn không còn quá lo lắng đến đầu ra cho nông sản của mình nữa. Mùa này, thương lái ở các tỉnh như Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội về tận các xóm, xã để thu mua bí, rau màu. “Nếu như các vùng sản xuất khác ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nam Đàn phụ thuộc nhiều vào thị trường trong tỉnh, vào đội quân xe thồ hai sọt thì thị trường rau quả, hoa màu của huyện Anh Sơn lại được tiêu thụ hầu hết ở các tỉnh phía Bắc. Có bao nhiêu họ thu mua bấy nhiêu, giá cả theo thỏa thuận, theo quy luật thị trường và rất ít khi bị ép giá”, cán bộ phòng nông nghiệp huyện Anh Sơn khẳng định.

Ông Nguyễn Công Thế, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn tâm sự, vụ đông ở huyện đã được triển khai từ nhiều năm trước và đạt thắng lợi cao nhất trong năm 2013, bởi đây là một năm thời tiết diễn biến quá phức tạp, khắc nghiệt, bão lũ liên tục nhưng người dân đã từng bước khắc phục để sản xuất theo đúng đề án. Từ thành công trong vụ đông 2013, huyện Anh Sơn sẽ chú trọng sản xuất vụ đông theo hướng bền vững, tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thị giúp bà con yên tâm sản xuất, biến vụ đông thành vụ sản xuất chính, cho thu nhập cao nhất trong năm.

Bài, ảnh: Nguyên Khoa