Chăn nuôi trâu, bò hàng hóa: Cần giải pháp đồng bộ

04/11/2013 11:10

(Baonghean) -Với lợi thế về nguồn thức ăn, nhân lực, đất đai, Thanh Chương xác định chăn nuôi đại gia súc là một mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp. Huyện đã ban hành Nghị quyết 02 và đề án về phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa giai đoạn 2011-2015; Đồng thời thành lập Ban chỉ đạo đưa nghị quyết đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, đến thời điểm này tổng đàn trâu bò lại đang có xu hướng giảm…

Hiện tổng đàn trâu, bò toàn huyện có 74.423 con, so với thời điểm xây dựng đề án giảm 10.223 con (12,1%), so với mục tiêu của đề án đến năm 2015 đạt 67,7%. Có 27/40 xã, thị có tổng đàn trâu, bò giảm, trong đó có những xã giảm mạnh như Thanh Ngọc giảm 49,7%, Hạnh Lâm giảm 32,9%; Thanh Tường giảm 33,9%, Thanh Thịnh giảm 33%... Nhìn chung chăn nuôi trâu, bò của huyện vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát, mang tính chất kiêm dụng chưa hình thành được các trang trại qui mô lớn, đạt tiêu chí. Số trang trại qui mô 20-30 con trên địa bàn huyện chỉ có 1 hộ, qui mô 10-20 con có 121 hộ và 392 hộ có qui mô 5-10 con. Ông Nguyễn Đình Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện thẳng thắn thừa nhận: “Chăn nuôi nói chung, chăn nuôi trâu, bò nói riêng hiện nay chưa phát triển tương xứng với lợi thế, tiềm năng của địa phương và chưa mang tính bền vững, tổng đàn không đạt kế hoạch của đề án và dự kiến không đạt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa 29 đề ra”.

Đàn trâu của anh Nguyễn Đăng Tùng - xóm 12, xã Ngọc Sơn.
Đàn trâu của anh Nguyễn Đăng Tùng - xóm 12, xã Ngọc Sơn.

Nguyên nhân là do nhận thức của người dân còn hạn chế, vẫn giữ tập quán chăn nuôi cũ, chưa xác định được tầm quan trọng của chăn nuôi trâu, bò hàng hóa để phát triển kinh tế; việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi còn chậm và chưa đồng bộ, thiếu vốn, giá cả thị trường biến động làm ảnh hưởng đến tâm lý của người chăn nuôi, xu hướng lao động sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm; công tác phối giống bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, cải tạo giống bò tuy đã được quan tâm, chỉ đạo nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó diện tích đồng cỏ tự nhiên giảm, đất đồi chủ yếu trồng cây nguyên liệu, đất cồn vệ manh mún lại không có nguồn nước tưới; cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước với người chăn nuôi chưa thỏa đáng cũng tác động không nhỏ đến việc phát triển đàn trâu, bò hàng hóa.

Tìm hiểu thực tế ở cơ sở, ông Nguyễn Phương Liệu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tường thẳng thắn: Chủ trương đặt chỉ tiêu tăng tổng đàn áp dụng cho tất cả các địa phương là chưa phù hợp với thực tế, bởi vì không phải nơi nào cũng có đủ điều kiện để phát triển, mở rộng qui mô, tăng đàn. Như ở Thanh Tường đất chật, người đông (bình quân mỗi hộ được 200m2), trên địa bàn không có đồi núi lại có hai làng nghề phát triển mạnh là làng nghề bún bánh và nghề mộc, số hộ dân chuyển đổi ngành nghề chiếm tỷ lệ lớn nên không có điều kiện chăn nuôi theo qui mô lớn. Và khi qui mô số hộ làm nông nghiệp giảm thì tổng đàn trâu, bò cũng giảm mạnh qua từng năm, tính đến nay chỉ có 363/800 hộ dân có chăn nuôi trâu, bò (trâu 180 con, bò 387 con), hộ nhiều nhất cũng chỉ nuôi đến 5 con. Bên cạnh đó, ông Liệu còn cho rằng chăn nuôi trâu, bò cần có nguồn vốn lớn, trong khi đó điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn. Huyện có chủ trương hỗ trợ cho vay những gia đình có nhu cầu chăn nuôi trâu, bò nhưng thủ tục vay vốn, cấp bù lãi suất nhiêu khê, phức tạp. Vì vậy, ban đầu có 11 hộ vay nhưng sau đó họ bỏ hết…

Là xã có tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi đại gia súc (diện tích đất tự nhiên 2.300 ha, đất nông nghiệp gần 800 ha, có bãi bồi ven sông trồng lương thực tốt) lại được sự hỗ trợ về con giống từ Viện Chăn nuôi Trung ương thông qua việc triển khai đề án cải tạo nâng cao chất lượng đàn trâu tại địa phương nhưng xã Ngọc Sơn vẫn gặp khó khăn trong phát triển tổng đàn trâu, bò. Ông Nguyễn Thế Đồng - Chủ tịch UBND xã cho hay: “Đất đai chúng tôi không thiếu nhưng thiếu vốn và lao động, hiện nay số lao động nông nghiệp trong độ tuổi khoảng 4.000 người nhưng ở nhà chủ yếu là người già và trẻ em”. Vì vậy, ở Ngọc Sơn chủ yếu là chăn nuôi tại chuồng, nhà vài con, chỉ có một vài hộ chăn nuôi theo mô hình trang trại như hộ anh Nguyễn Đăng Tùng nuôi 8 con, Lê Đình Hậu nuôi 12 con… Nhiều nhà nuôi theo kiểu thời vụ sau khi thu hoạch vụ hè thu mua trâu, bò về vỗ béo vài tháng rồi xuất chuồng. Mặt khác, theo ông Đồng thì thực hiện chủ trương đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp nhu cầu chăn nuôi trâu, bò kết hợp sử dụng làm sức kéo không còn nhiều như trước, hiện toàn xã Ngọc Sơn có 50 máy cày đa chức năng, ở các địa phương khác cũng rơi vào tình trạng tương tự (theo thống kê toàn huyện có khoảng 700 máy cày đa chức năng phục vụ sản xuất nông nghiệp).

Nhiều hộ dân cho rằng chăn nuôi trâu, bò tuy cho giá trị kinh tế lớn nhưng giá cả phập phù, nếu rủi ro gặp thời điểm rớt giá hoặc dịch bệnh thì thiệt hại cũng không hề nhỏ nên họ không dám mạo hiểm mở rộng qui mô. Cách đây mấy năm huyện cũng đã có dự án hỗ trợ cho các chủ trang trại chăn nuôi trâu, bò nhưng không mấy hộ thành công, thậm chí có người phá sản. Như trường hợp anh Nguyễn Đăng Tùng - xóm 12, xã Ngọc Sơn vay 60 triệu đồng của dự án cộng thêm tiền vay người thân và bạn bè đầu tư 120 triệu đồng để nuôi 10 con bò nhưng chỉ bán được 28 triệu đồng. Vì thế, dù đã là ông chủ của trang trại rộng hơn 10 ha nhưng anh Tùng xác định trồng cây nguyên liệu cho bền, chỉ chăn nuôi thêm 7 con trâu, bò cả vỗ béo, sinh sản kết hợp nuôi gà, vịt để tăng thu nhập chứ không mở rộng qui mô chăn nuôi đại gia súc. Kết quả thực hiện cơ chế, chính sách mua thêm trâu, bò hàng hóa tại Thanh Chương cho thấy, từ năm 2011 đến 6 tháng đầu năm 2013 chỉ có 20 xã, thị với 1.439 hộ vay, tổng số trâu, bò mua thêm là 2.439 con chủ yếu tập trung ở các xã có diện tích tự nhiên lớn như Thanh Thủy, Ngọc Sơn, Thanh Hà… còn các địa phương khác số lượng vay không đáng kể, có địa phương chỉ có 1 hộ vay.

Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Đình Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay: “Để đề án phát triển chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn huyện Thanh Chương đạt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ khóa 29 đề ra, trong thời gian tới, bên cạnh các giải pháp tăng tổng đàn, Thanh Chương cũng đang tập trung nâng cao chất lượng đàn trâu, bò hàng hóa trên địa bàn nhằm tăng giá trị và hiệu quả kinh tế của từng hộ chăn nuôi và của địa phương”.

Đối với các địa phương không có điều kiện thuận lợi để tăng tổng đàn thì tập trung vào chất lượng giá trị chứ không chú trọng vào số lượng đầu con. Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng các tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, đặc biệt là những giống mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao và làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Khuyến khích, tạo mọi điều kiện cần thiết cho các nhà đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi theo dạng hướng thịt, hướng sữa nhằm khai thác, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của huyện trên cơ sở đảm bảo vệ sinh môi trường và đầu ra cho sản phẩm. Vận động khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp sang trồng cỏ thâm canh phục vụ chăn nuôi. Nhiều địa phương còn kiến nghị huyện xây dựng và hoàn thiện các điểm phối giống, các lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; sớm qui hoạch, nâng cấp chợ trâu, bò Thanh Lương, thành lập thêm chợ trâu, bò vùng hữu ngạn, tạo thuận lợi cho người chăn nuôi trong giao thương, mua bán, hình thành các chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm. Và nên chăng đối với các nguồn vốn, chính sách đầu tư, hỗ trợ phục vụ mục tiêu đề án không nên dàn trải mà tập trung vào những vùng trọng điểm, thật sự có lợi thế và điều kiện để phát triển đàn trâu, bò hàng hóa vừa mang lại giá trị kinh tế cao vừa tận dụng hết tiềm năng của địa phương.

Bài, ảnh: Khánh Ly