"Hồn xưa" làng biển

23/12/2013 20:09

(Baonghean) - Cuộc sống hiện đại với những ồn ào, tấp nập, con người dường như vội vã, gấp gáp hơn. Thế nhưng người dân làng biển vẫn gìn giữ cội rễ văn hóa làng. Những lễ hội, những phong tục tập quán riêng có của ngư dân ở những miền quê này vẫn mang đậm nét văn hoá Việt mặc cho những biến chuyển của thời gian.

Về làng Ngọc Minh, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) những ngày này, những chiếc thuyền hối hả chở cá nặng lưới đầy, tấp nập cập bến sau những chuyến ra khơi. Các gia đình ngư dân đều phấn khởi đón những chuyến thuyền bội thu… Bà Nguyễn Thị Hường có chồng và 3 con trai đi biển sắp về, như lệ thường bà lại đến đền Ngọc Minh lễ tạ thần Cá Ông. Trong đức tin của ngư dân, cá voi là biểu tượng của thần linh hoá thân để che chở, bảo vệ cho con người. Người dân chài trước và trong những ngày đi biển bao giờ cũng thắp nén nhang trước ban thờ cá Ông để được “Ngài” phù hộ. Tục thờ cá Ông đã có từ lâu đời của người dân nơi đây, nó trở thành một tín ngưỡng nằm trong đời sống sinh hoạt tâm linh của ngư dân.

Ngư dân Diễn Bích - Diễn Châu làm lễ cầu ngư trước lúc ra khơi. Ảnh: TRần Cảnh Yên
Ngư dân Diễn Bích - Diễn Châu làm lễ cầu ngư trước lúc ra khơi. Ảnh: Trần Cảnh Yên

Sinh ra và lớn lên từ làng biển nên vị mặn mòi của biển cả dường như đã thấm vào máu thịt của những ngư dân nơi đây. Mặc dù đã ở tuổi thất thập cổ lai hy nhưng ngày ngày cụ Nguyễn Ngọc Nga (thôn Hải Lộc) vẫn ra “thăm thuyền”. Gắn bó với nghề “hồn treo cột buồm” từ khi mới 16 tuổi, cụ đã “thuộc” từng bến, từng lạch và thấu hiểu cả những trạng thái đổi thay của biển cả. Cụ kể: “Với những người dân chúng tôi sống nhờ biển đều xem thuyền là nhà. Làm nghề đi biển thường xuyên đối mặt với những hiểm nguy, bất trắc. Bởi vậy, trước mỗi chuyến ra khơi, chúng tôi đều sắm lễ gồm trầu, cau, hoa quả, hương đăng; khi đưa thuyền xuống bến thường làm lễ cúng bái rất cẩn thận, sau khi thuyền lọt lạch lại thắp hương cúng xin ông sông, bà bể độ cho chuyến đi bình yên”. Tập tục ấy bao đời nay của người dân làng biển vẫn được gìn giữ vẹn nguyên trong mỗi gia đình và lưu truyền qua các thế hệ.

Anh Đặng Xuân Báu (thôn Tây Lộc) đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề đi biển. Vừa trở về sau một chuyến ra khơi, tay thoăn thoắt vá lưới, anh kể: “Các thế hệ trong gia đình tôi đều làm nghề biển, tôi lớn lên đã theo cha ra khơi, nên những tập tục của gia đình, làng xóm cứ thế ngấm vào mình tự lúc nào. Cũng như những chủ thuyền khác, cứ đầu năm, chúng tôi lại chọn ngày đẹp, người hợp tuổi để tổ chức lễ “quay thuyền ra khơi”. Đây là nghi lễ quan trọng không thể thiếu trong năm của mỗi gia đình. Ngoài ra, cả làng còn tổ chức lễ Cầu yên”.

Xã Diễn Ngọc có 7/12 xóm chuyên làm nghề biển. Ở các xóm này có 3 đền thờ là đền Thiện, đền cá Ông và đền Quan lớn Bùng. Theo những ngư dân của làng kể lại, tục lệ đầu năm của những người dân làng biển là thường đến đền làm lễ Cầu yên, khai biển, cầu may mắn và xin cờ, bùa… cho một năm trời yên biển lặng, cá tôm bội thu. “Những năm gần đây, xã chú trọng công tác trùng tu di tích, đền chùa trong xã, tổ chức phục dựng lễ Cầu yên truyền thống, cầu thần Nhủi nhằm lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của ngư dân”, ông Nguyễn Ngọc Vận – Phó Chủ tịch xã Diễn Ngọc cho biết.

Đền, chùa chính là nơi lưu giữ những phong tục tập quán, tín ngưỡng và lễ hội độc đáo của ngư dân vùng biển. Xã Sơn Hải - một xã miền biển đặc trưng của huyện Quỳnh Lưu (với gần 80% người dân “bám biển”), trong xã có 3 ngôi đền, chùa: Đền Thơi, đền Trung và chùa Yên Thái. Hàng năm, dịp đầu xuân tại các đền, chùa này, bà con trong làng lại quần tụ tham gia Lễ hội Cầu ngư. Với mỗi ngư dân nơi đây, Lễ hội Cầu ngư là một trong những lễ hội quan trọng nhất, là ngày hội lớn của cả làng. Trong những ngày diễn ra lễ hội hầu hết ngư dân đều không đi biển.

Họ cùng đến đền, chùa để thắp nén nhang cầu trời yên biển lặng, lưới đầy cá tôm, đời sống ấm no hạnh phúc. Còn với những người con của làng biển, thì dù đi xa nơi đâu vẫn mong được về quê để góp mặt trong Lễ hội Cầu ngư. Gia đình ông Hoàng Đình To (xóm 6), có 4 người con, trong đó có 2 người con trai không theo nghề truyền thống của gia đình, thế nhưng những phong tục đặc trưng của người dân miền biển vẫn “níu chân” các anh mỗi lần về thăm. Ông To chia sẻ: “Đã thành lệ, năm nào các con, cháu tôi ở xa cũng cũng về ăn Tết và ở lại để tham dự lễ đầu xuân của làng. Đây cũng là dịp để cho con, cháu đời sau được biết về những nét đẹp, bản sắc văn hóa của ngư dân miền biển như: rước kiệu nghinh thần, tế thần, cầu ngư …”.

Tuy nhiên cuộc sống ngư dân miền biển vốn lam lũ, nghèo khó, bởi vậy để góp phần lưu giữ và tiếp tục phát huy những nét đẹp văn hóa trong đời sống ngư dân, địa phương phải nỗ lực khắc phục không ít khó khăn. Xã Sơn Hải hiện có 13 xóm nhưng chỉ có 6 xóm có nhà văn hóa, các xóm còn lại đang gặp khó khăn về quỹ đất. Ông Hoàng Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết: “Địa phương đang nỗ lực hoán đổi diện tích đất ở các thôn, tận dụng diện tích đất làm kè dư thừa để quy hoạch bố trí lại một số điểm trong khu dân cư để làm nhà văn hóa. Đến năm 2015, phấn đấu có 8 thôn có nhà văn hóa, nâng tỷ lệ nhà văn hóa thôn lên 80%. Song song với việc xây dựng nhà văn hóa, xã tập trung tổ chức lễ hội cầu ngư, lễ hội dòng họ đầu xuân năm mới nhằm động viên các gia đình sống ấm no hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ”.

Bà Hồ Thị Khương - Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Với những xã mang đặc trưng của văn hóa vùng biển (8/33 xã), ngành văn hóa huyện chủ trương tập trung đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa chú trọng giữ gìn nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc vùng miền. Đầu tư xây dựng thiết chế, có cơ chế hỗ trợ các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, bảo tồn, phát huy di tích lịch sử trong toàn huyện, khôi phục các lễ hội trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân”.

Rời làng biển Sơn Hải khi mùa cá, tôm đang về, tôi cảm nhận được cuộc sống người dân đang ngày ngày đủ đầy hơn. Mặc cho những đổi thay của thời gian, ngôi làng ven biển chỉ cách trung tâm thị trấn Cầu Giát chừng 5km, hàng trăm năm nay vẫn giữ vẹn nguyên “hồn cốt xưa” trong những lễ hội, tập tục của ngư dân làng biển.

Đình Nguyệt