Điêu khắc Việt Nam đã cất được tiếng nói riêng

11/12/2013 15:20

Sáng 11/12, Triển lãm 10 Điêu khắc toàn quốc lần thứ 5 khai mạc tại Bảo tàng Hà Nội.

Các tác phẩm điêu khắc trong triển lãm lần này đánh dấu sự chuyển biến sâu sắc về quan niệm nghệ thuật, ngôn ngữ điêu khắc, hình thức biểu đạt và kỹ thuật thể hiện tác phẩm. Sự phong phú về tư duy sáng tác; ngôn ngữ tạo hình với nhiều phong cách như: hiện thực, trừu tượng, biểu hiện... Sự đa dạng về chất liệu với nhiều tìm tòi thể nghiệm, kết hợp giữa điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt...Mặt bằng chung của nghệ thuật điêu khắc đã được nâng cao lên về mọi phương diện.

Tác phẩm
Tác phẩm "Chuyện quê" của Kù Cao Khải, Ninh Bình (một trong hai tác phẩm đoạt giải Nhì)

Đặc biệt, thế hệ điêu khắc trẻ đã gây bất ngờ bởi những tác phẩm đầy sáng tạo nhưng vẫn kết hợp nhuần nhuyễn được tính truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và toàn cầu hóa. Các nhà điêu khắc trẻ cũng không khỏi đau đáu với những giả trị truyền thống đang dần mờ phai. Nhiều tác phẩm như một sự níu kéo những giá trị ấy cho ngày mai được thể hiện trong: “Chuyện quê” của Kù Cao Khải, “Rước vợ bằng xe công nông” của Phạm Thái Bình, “Bình yên trên đảo” của Trần Việt Hà, “Cội nguồn” của Nguyễn Văn Chước...

Nhiều tác phẩm phản ánh về đời sống đô thị hiện đại như: tác phẩm “Lớp vỏ” của Trần Văn An bằng chất liệu sắt hàn tối mầu có hình hộp, bị ghìm bó chằng chịt nẹp cứng tạo cảm giác nặng nề, tù túng của không gian, kiến trúc đô thị. Tác phẩm “Tuyến xe số” của Hoàng Văn Thắng là hình ảnh đoàn người hối hả cho kịp giờ xe buýt. Tác phẩm “Góc phố” của Đỗ Thế Thịnh lại nhếch nhác với những phận người lang thang và “Đôi mắt” của Nguyễn Văn Huy đượm nỗi buồn của trẻ ăn xin. Tác phẩm điêu khắc - sắp đặt “Những con chim” của Thái Nhật Minh với chất liệu tre, gỗ mô tả những con chim xinh xắn dễ thương trong ô cửa chật hẹp, thể hiện khát vọng vượt thoát, bay bổng, giấc mơ tự do và hòa bình, cũng chính là tâm lý lớp trẻ hôm nay.

Tác phẩm
Tác phẩm "Bập bênh" của Nguyễn Thanh Bình, Đà Nẵng

Các tác giả đã có nhiều nỗ lực tìm tòi với sự đa dạng ở chất liệu sử dụng: đồng, đá, gỗ, sắt thép và chất liệu tổng hợp; song, các tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu kim loại như sắt, thép đã chững lại, đi theo lối mòn. Về phù điêu chưa thật sự có sáng tác tiêu biểu, thiếu những tác phẩm tượng đài - một loại hình quan trọng của điêu khắc.

Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL) - Trưởng Ban tổ chức triển lãm, “Triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc lần thứ 5” (2003 - 2013) là sự kiện của giới Mỹ thuật Việt Nam nhằm tổng kết, đánh giá và giới thiệu những thành tựu trong sáng tạo, phát triển của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam 10 năm qua, đồng thời ghi nhận những đóng góp của các thế hệ tiếp theo của ngành điêu khắc Việt Nam.

Triển lãm cho thấy một thế hệ nhà điêu khắc đang trưởng thành và đầy hứa hẹn với những tư duy sáng tạo mới, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và xu hướng toàn cầu hóa.

Tác phẩm
Tác phẩm "ASEAN hòa bình hợp tác và phát triển" của Nguyễn Thành Thi, TPHCM)

Triển lãm đã thu hút đông đảo các nhà điêu khắc trong toàn quốc tham gia, với 675 tác phẩm của 352 tác giả (trong đó tác giả cao tuổi nhất là nhà điêu khắc Đinh Rú ở TPHCM, 76 tuổi và tác giả trẻ tuổi nhất cũng ở TPHCM là Lê Quốc Tiến, 22 tuổi).

Ban Tổ chức và Hội đồng nghệ thuật đã chọn trưng bày 286 tác phẩm của 230 tác giả giới thiệu tới công chúng tại Bảo tàng Hà Nội. Đây là những tác phẩm điêu khắc tiêu biểu của các nhà điêu khắc Việt Nam sáng tác trong 10 năm (2003 - 2013), đánh dấu sự chuyển biến sâu sắc về quan niệm nghệ thuật, ngôn ngữ điêu khắc, hình thức biểu đạt và kỹ thuật thể hiện tác phẩm.

Ban tổ chức cũng chọn trao giải thưởng cho 21 tác phẩm xuất sắc nhất trong đó gồm 2 giải Nhì, 4 giải Ba, 15 giải Khuyến khích (không có giải Nhất). Trong đó hai tác phẩm đoạt giải Nhì là: "Lớp vỏ" của tác giả Trần Văn An (Nam Định) và "Chuyện quê" của Kù Cao Khải (Ninh Bình).

Theo VOV