Thành quả sau 3 năm nỗ lực

20/12/2013 21:48

(Baonghean) - 3 năm sau khi phải đề nghị xin cứu trợ, ngày 15/12 vừa qua, Ireland trở thành quốc gia đầu tiên của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được ra khỏi chương trình cứu trợ tài chính. Tính từ thời điểm tháng 11/2010, Dublin đã nhận được gói cứu trợ tổng trị giá 85 tỷ Euro từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU), sau khi hệ thống ngân hàng nước này sụp đổ và tình trạng bong bóng thị trường nhà đất tồi tệ. Đây là một thành quả đáng tự hào của quốc gia từng được mệnh danh là “Con hổ vùng Celtic”, nhưng nó không đồng nghĩa với việc Ireland được phép lơ là với các chính sách kinh tế tài chính của mình.

Bộ trưởng Tài chính Ireland  Michael Noonan (phải) cảm ơn người dân nước này đã ủng hộ Chính phủ trong giai đoạn suy thoái. Ảnh: AP
Bộ trưởng Tài chính Ireland Michael Noonan (phải) cảm ơn người dân nước này đã ủng hộ Chính phủ trong giai đoạn suy thoái. Ảnh: AP

Số liệu chính thức công bố hồi tháng 9 cho thấy, Ireland đã thoát khỏi suy thoái trong quý 2 với mức tăng trưởng 0,4% nhờ tăng trưởng vững chắc trong lĩnh vực xây dựng và xuất khẩu. Kể từ sau mức cao đỉnh điểm hồi năm 2011, chi phí vay mượn của Chính phủ Ireland đã giảm đáng kể, "mở đường" cho nước này hoàn tất thỏa thuận về gói cứu trợ trị giá 85 tỷ euro vào cuối năm. Điều này đánh dấu việc Ireland trở thành quốc gia đầu tiên trong Eurozone thoát khỏi chương trình cứu trợ.

Những gì Ireland làm được cho tới thời điểm này phần lớn là nhờ những đúc kết giá trị từ nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng mà các nhà phân tích đã dẫn ra 4 điểm chính. Thứ nhất, tăng trưởng trong giai đoạn trước năm 2008 của Ireland là không bền vững, điển hình là việc năng suất lao động bất ngờ sụt giảm thê thảm sau năm 2002. Thứ hai, sự mở rộng quá nhanh hoạt động tín dụng của Ireland đã tạo bong bóng tài sản, đẩy danh mục đầu tư quốc gia vượt quá quy mô của nền kinh tế. Thứ ba, sự suy giảm đột ngột của giá tài sản thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường tài sản Ireland. Cuối cùng, niềm tin các nhà đầu tư suy giảm đã đẩy Ireland vào cuộc khủng hoảng ngoại tệ trầm trọng.

Từ những kết luận đó, chính quyền Dublin đã đưa ra lộ trình cải cách, “thắt lưng buộc bụng” gồm 3 yếu tố chính. Đầu tiên là giải pháp tài chính giúp lĩnh vực ngân hàng của Ireland tinh giản gọn hơn và được cấp vốn tốt hơn. Thứ hai là chiến lược củng cố tài chính, trong đó gói cứu trợ tập trung hướng nền tài chính công của Ireland theo con đường bền vững trong trung hạn. Cuối cùng là nghiêm túc thực hiện cải cách chương trình nghị sự nhằm khôi phục năng lực cạnh tranh và củng cố sức mạnh tăng trưởng cho nền kinh tế. Với những quyết sách quyết đoán từ Chính phủ, kinh tế Ireland đã dần phục hồi với các yếu tố tích cực như đà tăng vững chắc trong lĩnh vực xây dựng, xuất khẩu, thị trường bất động sản đã chạm đáy, môi trường đầu tư đang được cải thiện đáng kể... Cho đến nay, Ireland là một trong những quốc gia hiếm hoi ở Eurozone có thặng dư tài khoản vãng lai tương đối lớn. Mặc dù nhu cầu nội địa vẫn khá yếu, song một loạt chỉ số như doanh số bán lẻ, chỉ số quản lý thu mua (PMI) dịch vụ và sản xuất lại tăng trưởng vô cùng khả quan. Bên cạnh đó, thị trường nhà đất của Ireland - một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng đã bắt đầu có dấu hiệu ổn định.

Tuy vậy, đứng trước cột mốc này, dư luận châu Âu vẫn phải đặt ra câu hỏi rằng liệu Ireland có thể tính tới việc nới lỏng các chính sách kinh tế hay chưa, và liệu EU có nên ngừng các biện pháp giám sát hệ thống tài chính ngân hàng của nước này. Câu trả lời chắc chắn là chưa bởi còn khá nhiều rủi ro với nền kinh tế Tây Bắc Âu này. Phát biểu trên truyền hình tối 15/12 nhân sự kiện Ireland kết thúc việc nhận cứu trợ, Thủ tướng Enda Kenny cũng thừa nhận rằng đây là "một bước quan trọng" chứ không hẳn là "một sự kết thúc", và cho rằng cuộc sống của người dân sẽ không thay đổi chỉ sau một đêm. Thủ tướng Kenny cũng cho biết Chính phủ sẽ công bố chiến lược kinh tế trung hạn nhằm phác thảo những chính sách thời kỳ hậu cứu trợ, trong đó đảm bảo không bao giờ để tái diễn tình trạng nền kinh tế bị đe dọa bởi nạn đầu cơ. Theo tờ Độc lập Chủ nhật của Ireland, Dublin sẽ kết thúc chương trình kinh tế khắc khổ vào năm 2016, cùng thời điểm với cuộc tổng tuyển cử. Còn tờ Thời báo chủ nhật thì cho biết kế hoạch mới của chính phủ sẽ đặt mục tiêu tỷ lệ thất nghiệp còn 4,2% vào năm 2020, giảm mạnh so với hiện tại là 12,8% và mức đỉnh của năm ngoái là 14,7%.

Với việc kết thúc chương trình cứu trợ quốc tế, Dublin sẽ có quyền kiểm soát lớn hơn đối với những quyết định kinh tế của mình sau 3 năm bị giám sát chặt chẽ bởi EU, IMF và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Đó là một tin vui cho chính phủ Ireland trong bối cảnh nền kinh tế hiện đã trở lại đà tăng trưởng, thất nghiệp giảm dần và lĩnh vực ngân hàng được thu hẹp ở quy mô phù hợp với nền kinh tế. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng hệ thống ngân hàng vẫn là một nguy cơ tiềm ẩn đối với kinh tế Ireland. Tổng giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde cảnh báo "những thách thức kinh tế lớn" với Ireland vẫn đang ở phía trước, đó là tỷ lệ thất nghiệp vẫn quá cao, sự ổn định nợ công không vững chắc, nợ của khu vực tư nhân lớn và việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng chậm chạp. Còn giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Nevin Tom Healy cho biết: “Vấn đề vẫn tồn tại là tỷ lệ thất nghiệp cao, đời sống của người dân vẫn chưa được cải thiện và có khả năng tiếp tục giảm sút. Vì thế vẫn khó có thể chứng kiến tăng trưởng nhanh chóng trở lại với Ireland cho đến khi kinh tế châu Âu nói chung được cải thiện và chính phủ nước này có những chính sách thúc đẩy tăng trưởng nhiều hơn nữa.”

Báo giới và dư luận Ireland cũng bày tỏ lo ngại các vấn đề của nền kinh tế vẫn chưa qua đi. Tờ Thời báo Chủ nhật so sánh nền kinh tế nước này giống như "một người bệnh vừa trải qua hồi sức cấp cứu, và sẽ cần thời gian để trở lại hoàn toàn bình thường". Trong khi đó, theo kết quả thăm dò dư luận do trang điện tử lớn của nước này là thejournal.ie thực hiện, hơn 50% số người được hỏi cho biết họ "cảm thấy lo lắng khi nghe thông tin Ireland ra khỏi chương trình cứu trợ", số người có thái độ vui mừng chỉ là 5%. Đó là những bài toán không dễ giải với Thủ tướng Enda Kenny nếu muốn tiếp tục giữ được tín nhiệm của cử tri đến cuộc bầu cử đầu năm 2016.

Phan Tùng