Tạo sức bật cho khu vực nông nghiệp, nông thôn

18/11/2013 15:03

(Baonghean) - Từ nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn đã giúp hàng ngàn hộ dân phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ổn định an sinh xã hội tại địa phương. Trong đó không ít hộ thành lập doanh nghiệp, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động…

Từ khi bắt tay làm kinh tế tư nhân, ông Đặng Văn Minh ở xóm Cuông, xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn) tìm đến Ngân hàng Nông nghiệp huyện vay vốn để từng bước gây dựng cơ đồ. Xuất thân trong một gia đình nông nghiệp có 7 anh em, gia cảnh nghèo khó, học đến lớp 7, ông Minh phải nghỉ học để làm thợ mộc kiếm kế sinh nhai. Từ khi biết làm nghề mộc, cơ duyên đã đến với ông khi thành lập Doanh nghiệp tư nhân Đức Vinh, với ngành nghề thu mua và chế biến lâm sản. Nhờ Ngân hàng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn luôn đồng hành tạo điều kiện cho vay vốn đã giúp Doanh nghiệp Đức Vinh vượt qua khó khăn, từng bước phát triển vững mạnh, đóng góp ngân sách khá lớn cho Nhà nước.

Đến nay, 16 năm gắn bó với Ngân hàng Nông nghiệp huyện, từ vay 30 triệu đồng đến 50 triệu, rồi 200 triệu đồng, và hiện nay mức vay đã lên tới 1,2 tỷ đồng, bao giờ ông cũng trả nợ gốc và lãi sòng phẳng, đúng hạn cho ngân hàng. Về phía ngân hàng rất yên tâm khi cho khách hàng này vay vốn, bởi vốn vay được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Nay mặc dù là ông chủ của một doanh nghiệp có tiếng ở Nghĩa Đàn, nhưng ông luôn mộc mạc như một lão nông thực thụ, suốt ngày quần quật với công việc cưa, xẻ gỗ, lo toan mọi việc cho doanh nghiệp. Những lúc thiếu vốn, ông lại đánh xe máy vượt hơn 20 km từ xã Nghĩa Khánh lên Thị trấn Nghĩa Đàn để vay vốn, nhiều hôm đúng thời điểm ngân hàng kẹt vốn, ông kiên trì ngồi chờ cả ngày không chút than phiền, chỉ mong có vốn để thanh toán tiền mua nguyên liệu sản xuất.

Với ngành nghề thu mua và chế biến lâm sản, Doanh nghiệp tư nhân Đức Vinh chủ yếu mua nguyên liệu gỗ vườn trồng, rừng trồng như xoan đâu, keo từ các huyện miền Tây Nghệ An… để chế biến sản xuất gỗ thanh tấm, đầu ra được tiêu thụ mạnh ở thị trường tỉnh Bình Định, doanh số bán hàng mỗi năm hơn 2 tỷ đồng. Hiện nay, ông Minh đã quy tụ cả 7 gia đình anh em cùng làm chung ở doanh nghiệp, cùng chung sức, chung lòng sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn khó khăn. Điều đáng ghi nhận hơn nữa ở doanh nghiệp Đức Vinh, từ năm 2005 đến nay, năm nào cũng nạp thuế cho Nhà nước khoảng 200 triệu đồng/năm, hàng năm được Cục Thuế tỉnh biểu dương.

Sản xuất gạch tại hộ ông Lê Tiến Đàm ở Thị trấn Nghĩa Đàn.
Sản xuất gạch tại hộ ông Lê Tiến Đàm ở Thị trấn Nghĩa Đàn.

Ông Lê Tiến Đàm ở khối Tân Hồng, Thị trấn Nghĩa Đàn chọn hướng phát triển kinh tế bằng nghề sản xuất gạch. Từ năm 1990, ông Đàm đã vay Ngân hàng Nông nghiệp huyện 30 triệu đồng để đầu tư sản xuất gạch xây dựng, thời kỳ đó do thiếu kỹ thuật, máy móc lạc hậu, làm ăn thua lỗ, nợ vay không trả được, ông Đàm phải bán cả ngôi nhà của mình để trả nợ cho ngân hàng. Lâm vào cảnh phá sản, ông chỉ còn cách làm ruộng, sản xuất rau màu để nuôi sống gia đình.

Sau khi ổn định cuộc sống, đến năm 2003, ông Đàm tiếp tục vay Ngân hàng Nông nghiệp 30 triệu đồng để phục vụ sản xuất. Cảnh làm nông mãi vẫn vất vả, khó vực dậy được cơ nghiệp, ông Đàm lại quyết định học hỏi kinh nghiệm sản xuất gạch. Đến năm 2007, được Ngân hàng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cho vay 400 triệu đồng, ông đầu tư nâng cấp từ lò gạch thủ công lên lò công nghệ tuynel. Để làm được lò công nghệ tuynel, ông Đàm huy động anh em, bạn bè cùng góp vốn với tổng chi phí đầu tư đồng bộ xấp xỉ 6 tỷ đồng. Thế nhưng, lần này vận may vẫn chưa đến với ông, việc sản xuất kinh doanh gạch tiếp tục không hiệu quả, các cổ đông rút hết cổ phần.

Một lần nữa ông Đàm lại chèo chống với cơ nghiệp sản xuất gạch của mình. Năm 2013, ngân hàng cho ông Đàm vay thêm 800 triệu đồng, giúp ông trả hết nợ cho các cổ đông. Cũng từ năm 2013 này, dây chuyền sản xuất ổn định, mỗi ngày sản xuất 20.000 viên gạch, 1 tháng sản xuất từ 40 – 50 vạn viên gạch các loại, cung cấp cho thị trường Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Thanh Hóa… Gạch sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, các công trình xây dựng lớn cũng tìm đến cơ sở sản xuất gạch của ông Đàm để đặt mua.

Nhờ đầu ra thuận lợi, cơ sở sản xuất gạch của gia đình ông Đàm đã tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động địa phương, và nạp thuế cho Nhà nước gần 100 triệu đồng/năm. “Gần 24 năm gắn bó với Ngân hàng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn, ngay những lúc tôi lâm vào tình cảnh phá sản, ngân hàng vẫn động viên gia đình chu chí làm ăn, tích lũy từ những sản xuất nhỏ, và vẫn mạnh dạn đầu tư vốn cho gia đình vay, giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Những đồng vốn ý nghĩa của ngân hàng không những giúp hộ dân khôi phục sản xuất, đồng thời là động lực để mọi thành viên trong gia đình đều phải nỗ lực, quyết chí vươn lên, hoàn trả nợ vay, tạo ra giá trị vật chất làm giàu cho gia đình và xã hội”- ông Đàm thổ lộ.

Được biết, sau hơn 5 năm chia tách, Ngân hàng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn đã có bước tăng trưởng khá, đáp ứng các nhu cầu vay vốn của người dân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Cuối năm 2008, Ngân hàng Nông nghiệp Nghĩa Đàn có nguồn vốn 82 tỷ đồng, đến thời điểm hiện nay nguồn vốn nâng lên 350 tỷ đồng. Năm 2008, dư nợ đầu tư tín dụng 152 tỷ đồng, hiện nay dư nợ 520 tỷ đồng, nguồn vốn tập trung đầu tư vào phát triển kinh tế hộ theo tinh thần Nghị định 41/2010/NĐ-CP. Hiện nay, trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn có khoảng 8.000 hộ dân được vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp, nguồn vốn được bà con đầu tư phát triển cây cao su, chè, mía, cam, sắn, sản xuất gạch ngói, chế biến lâm sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm… tạo ra giá trị vật chất trên địa bàn.

Trong những năm gần đây, trước suy thoái kinh tế chung, thị trường tài chính, tín dụng trong nước gặp không ít khó khăn. Sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực không hiệu quả, xâm chiếm vốn lẫn nhau, nợ quá hạn, nợ xấu gia tăng, dẫn đến nguồn vốn suy yếu đang là mối lo lớn. Trong bối cảnh ấy, cho vay nông nghiệp nông thôn lại chứng minh được sự an toàn và hiệu quả hơn cả. Với món vay không quá lớn, chủ yếu từ 30 – 50 triệu đồng/hộ, được người dân tính toán căn cơ đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi thiết thực, nhất thiết phải bắt đồng vốn sinh lời. Đó là điều chúng tôi ghi nhận được tại huyện Nghĩa Đàn cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh.

Ông Phan Đức Tiến - Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh cho biết: Đến thời điểm hiện nay, tổng dư nợ của hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đạt khoảng 10.500 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn khoảng 8.300 tỷ đồng với 107.000 khách hàng được vay vốn. Nguồn vốn cho vay đã đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp nông thôn, với khoản vay nhỏ, tạo được nhiều việc làm cho lao động nông thôn, góp phần tạo ra nhiều giá trị vật chất, nâng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Hiện nay, hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh huy động vốn nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu vốn phục vụ địa bàn nông nghiệp nông thôn trong tỉnh.

Bài, ảnh: Gia Trang