Những dự định còn dang dở!

09/12/2013 11:10

(Baonghean) - Trong hơn 1 thập kỷ qua, tài năng bóng đá xứ Nghệ nở rộ và cống hiến công sức không ít cho các đội tuyển quốc gia. Ở cấp độ câu lạc bộ, SLNA cũng được xem là điển hình. Tuy nhiên bên cạnh thành tích về chuyên môn, một điều đáng lo ngại là hầu như năm nào, những vi phạm đạo đức cũng xảy ra ở đội bóng. Từ chuyện cầu thủ nghiện ma túy, trộm cắp, đến thanh toán lẫn nhau bằng vũ khí nóng…, tất cả đang gióng lên hồi chuông báo động về tư cách của những tài năng bóng đá trong tương lai. Trong khi đó, đề án về giáo dục đạo đức lại đang gặp không ít khó khăn.

Mới đây, dư luận thành Vinh xôn xao khi cầu thủ U.17 của “lò” Sông Lam bắn hụt một người khác vì mâu thuẫn riêng. Từ câu chuyện này, người hâm mộ lại liên tưởng về quá khứ, khi vấn đề đạo đức xuống cấp của cầu thủ trẻ Sông Lam dường như năm nào cũng là nỗi ám ảnh. Cách đây không lâu, Phùng Quốc Bảo, thành viên của U.15 SLNA đã rủ bạn thực hiện một vụ trộm táo bạo là đục máy ATM để lấy tiền. Lý do chỉ là thiếu tiền chơi games, xem internet nhiều và bắt chước tội phạm công nghệ cao qua phim ảnh.

Một buổi tập của các cầu thủ “lò” Sông Lam.
Một buổi tập của các cầu thủ “lò” Sông Lam.

Trước đó, “lò” Sông Lam từng đuổi cầu thủ Nguyễn Văn Ý vì liên quan đến ma túy. Thậm chí Đội trưởng U.19 Lưu Văn Hiền còn bị phát hiện sử dụng chất cấm này ngay tại phòng riêng và gây ra câu chuyện chấn động. Cũng vì “nàng tiên nâu”, tiền vệ Hồng Việt một thời lao đao và mãi sau này, nhờ sự cưu mang của TGĐ Nguyễn Hồng Thanh và HLV Nguyễn Hữu Thắng, anh mới có thể trở lại và chơi bóng như bây giờ.

Chuyện đạo đức suy đồi của cầu thủ trẻ có nhiều nguyên nhân, trong đó một phần do các cầu thủ xa nhà quá sớm, thiếu sự quan tâm của gia đình. Bên cạnh đó, môi trường ở xung quanh đại bản doanh của “lò” Sông Lam cũng quá phức tạp. Cầu thủ thường được tung hô và rất dễ hành động theo cảm hứng nên đôi khi bị nhiều người lợi dụng rồi sa ngã. Tất nhiên, nguyên nhân nữa xuất phát từ quản lý, giáo dục của “lò” Sông Lam. Không phủ nhận đội bóng xứ Nghệ đã cố gắng thực hiện những “cách mạng” về giáo dục đạo đức cho các cầu thủ trẻ. Tuy nhiên, cái khó về tài chính đặt ra những bài toán khó và không phải dự định nào cũng có thể thực hiện được.

Từ ngày trở lại SLNA, TGĐ Nguyễn Hồng Thanh đặc biệt quan tâm đến giáo dục đạo đức cầu thủ trẻ. Đem tâm huyết của mình, ông đưa ra những quy định nghiêm ngặt về giờ giấc, tác phong trong tập luyện và sinh hoạt. Không khó để nhận ra sự khởi sắc khi tất cả ở đây đều được thiết quân luật và chỉ cần 1 vi phạm nhỏ thôi, cầu thủ có thể bị cảnh cáo hoặc đuổi khỏi CLB.

Gắn đạo đức với quyền lợi về chuyên môn nên cầu thủ cũng ý thức hơn. Tuy nhiên, mong muốn của ông Thanh còn là giáo dục một cách toàn diện về tư tưởng, lối sống để hành trang các cầu thủ mang theo trước khi trưởng thành còn là một nhân cách đẹp. Theo đó, lãnh đạo SLNA dự định mời các luật sư, nhà tâm lý, quản lý giáo dục theo định kỳ về thuyết giảng tại CLB. Mục đích của chương trình này là trang bị cho các em kiến thức về pháp luật để giữ mình trước những cám dỗ. Bên cạnh đó những nhà tâm lý học sẽ phân tích cho các em về trách nhiệm, nghĩa vụ với gia đình, với câu lạc bộ và toàn xã hội. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là vấn đề kinh phí. Việc thuê những chuyên gia như trên cần phải có tiền thù lao không nhỏ, trong khi CLB thực sự khó khăn và chưa kiếm đâu ra nguồn để có thể chi trả. Thế nên, tất cả cũng chỉ mới trên giấy mà thôi. Được biết, lãnh đạo SLNA đang cho người đi kêu gọi các doanh nghiệp để thực hiện đề án này. Chỉ khi có mạnh thường quân chống lưng, mọi thứ mới được triển khai.

Mới đây, từ thành công của U19 của Học viện HAGL – Arsenal JMG, nhiều ý kiến cũng cho rằng, SLNA nên bắt chước, ít ra là việc cho các cầu thủ học ngoại ngữ để sau này dễ dàng hòa nhập với thế giới. Thực tế, dự định này đội bóng xứ Nghệ cũng có từ lâu lắm rồi. Tuy nhiên, cũng giống như những đề án thuê luật sư hay nhà tâm lý về giảng dạy, cái khó vẫn là tài chính nên điều có thể thực hiện được còn lâu.

Từ những bài học trong quá khứ, SLNA đã cố gắng thay đổi để mang lại một môi trường thực sự trong sạch cho các cầu thủ. Tuy nhiên, rất nhiều cái khó, từ giáo dục gia đình đến môi trường tác động nên mọi cái không hề đơn giản. “Lò” Sông Lam hiện nay gần 200 con người trong khi cán bộ quản lý còn mỏng và dù đã rất nỗ lực cũng không thể kiểm soát hết được sinh hoạt, học tập của từng cầu thủ.

Bên cạnh đó, như đã đề cập, “cách mạng” về giáo dục đạo đức đang gặp khó bởi vấn đề tài chính. Hơn ai hết, “lò” Sông Lam đang cần sự chung tay của tất cả mọi người, từ sự quan tâm động viên đến những ủng hộ về vật chất trong cuộc chiến đẩy lùi tệ nạn xã hội ra khỏi đời sống bóng đá.

Vĩnh Liêm