Cấp gạo cho học sinh vùng cao

31/12/2013 17:32

Đoàn xe chở gạo của Chính phủ lên miền ngược từ ngày 21-12 đến nay đang làm nức lòng học sinh, phụ huynh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, bởi với định mức hỗ trợ 15kg/tháng, học sinh đi học không còn lo đói, thậm chí còn có gạo để giúp gia đình.

 Mẹ con bà Giàng Thị Pờ ở xã Pải Lủng (Mèo Vạc, Hà Giang) nhận gạo của Chính phủ.
Mẹ con bà Giàng Thị Pờ ở xã Pải Lủng (Mèo Vạc, Hà Giang) nhận gạo của Chính phủ.

Bà Giàng Thị Pờ, 37 tuổi, xóm Mã Phí Lèng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, Hà Giang đợi trời sáng để đến trường học của con. Khi đi bà mang theo một chiếc bao lớn. Bà kể: "Cô giáo bảo rồi. Phải mang bao to, gọi cả người nhà nữa mới cõng hết gạo của Chính phủ cho cái Dìn".

Dìn là con gái của bà Pờ, năm nay học lớp 7. Theo Quyết định 36/2013/QĐ-TTg của Chính phủ, từ tháng 9-2013, tất cả học sinh vùng đặc biệt khó khăn đang học các trường công lập đều được nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ, mức 15 kg/học sinh/tháng, mỗi năm cấp không quá chín tháng. Theo đó, từ ngày 21-12 đến nay, xe chở gạo của Chính phủ đã lên đến các trường. Mỗi học sinh được nhận năm tháng gạo. Bà Pờ hồ hởi nói: "Lần này được 75 cân. Đến cuối năm còn 60 cân nữa".

Với học sinh bán trú, cô giáo Tiểu Phương, dạy tiếng Anh ở Trường THCS Pải Lủng, huyện Mèo Vạc cho biết: "Lâu nay, nhà trường vẫn kêu gọi phụ huynh học sinh hỗ trợ gạo, củi cho nhà trường để nuôi học sinh, nhưng họ không có để đóng góp. Tiền ít, nhiều khoản phải chi, từ gạo, củi đến mắm muối, thực phẩm... cho nên bữa ăn học sinh thường rất thiếu thốn". Giờ có gạo, khoản tiền mua gạo hằng ngày nuôi học sinh sẽ được trích lại, chuyển sang mua thức ăn. "Nhờ vậy, bữa ăn sẽ được tăng cường, cá, thịt, chất đạm. Sức khỏe học sinh sẽ khá hơn, thể trạng cũng tốt nữa", cô giáo Phương hào hứng.

Không xa Trường THCS Pải Lủng, một số cô giáo Trường THCS bán trú Cán Chu Phìn còn dùng gạo để động viên gia đình một số học sinh ủng hộ con em họ đi học. Các cô giáo cho biết: Nhiều gia đình muốn giữ con ở nhà để lao động, trồng ngô sắn hơn là cho đi học chữ. Bây giờ, nhà trường có gạo sẽ động viên họ trong việc cho con... đi học.

Không còn băn khoăn về số gạo được nhận ít hơn so với những phụ huynh khác, bà Lò Thị Nữ, có con gái học ở Trường THCS Cán Chu Phìn, cười nói: "Bây giờ thì hiểu rồi. Từ nay sẽ nhắc con đi học đều hơn. Trước đây khi chưa có gạo, mấy đứa con đi học bị đói. Còn bây giờ, chắc là không bị đói nữa đâu. Gia đình có hai đứa con đi học mỗi tháng được 30 cân gạo, cộng thêm gạo cứu đói, gạo giữ rừng cho Nhà nước nữa là không sợ đói nữa rồi".

Huyện Mèo Vạc là địa phương đầu tiên của tỉnh Hà Giang tiếp nhận gạo hỗ trợ cho học sinh. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Chí Thường tâm sự: "Nếu không phải người ở đây thì không hiểu hết khó khăn của đồng bào. Bao đời nay, họ phải gùi từng vốc đất đổ vào hốc đá để trồng ngô, làm nguồn lương thực chính. Sức bỏ ra nhiều, sản phẩm thu lại không bao nhiêu, cho nên phần lớn đều rơi vào cảnh đói nghèo".

Đợt này, Chính phủ cấp cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn ở Hà Giang hơn 4.000 tấn gạo, riêng Mèo Vạc có hơn 850 tấn. Quyết định có hiệu lực từ tháng 9 đến tháng 12 gạo đã lên đến vùng cao. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các trường cấp đủ năm tháng gạo cho học sinh, và yêu cầu tăng cường giám sát để học sinh, gia đình được nhận đúng, nhận đủ.

Gạo đến với người nghèo lúc này rất cần thiết. Vì ngoài việc tiếp sức cho học sinh đến trường, gạo còn giúp các hộ có con em đi học đủ lương thực để vượt qua cái đói mùa giáp hạt. Các nhà trường, địa phương cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường giám sát để gạo Chính phủ đến với học sinh, gia đình có con em đi học được trọn vẹn.

Theo NDĐT