"Ngoại đạo" tham gia tiêu tiền nghiên cứu biển đảo

23/11/2013 21:22

“Tôi cảm giác tiêu tiền của Chính phủ vào chuyện đại sự quốc gia lúc này phải biết xót xa, tránh lãng phí và bảo đảm hiệu quả đích thực”.

Tiếp theo ý kiến của TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ về vấn đề tuyên truyền biển đảo Việt Nam vẫn còn mò mẫm, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi – giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng đã đưa ra những quan điểm của mình.

"Ngoại đạo" làm đề tài nghiên cứu biển đảo

Theo PGS Chu Hồi, thực trạng hiện nay của việc thông tin công bố về biển đảo là không thống nhất, tùy tiện, văn “nói vo”… Ngay trong cuốn "Tổ quốc nơi đầu sóng" này, dùng cụm từ “đảo chìm”, mà đã gọi đảo thì là đảo chứ không có đảo chìm, bãi cạn là bãi cạn mới là khoa học, đúng và phù hợp với các yêu cầu của công ước quốc tế.

“Đôi khi dùng bằng chứng của chính các nước đòi chủ quyền với mình ra để làm bằng chứng cho mình. Nhưng vô hình dung là mình lại tuyên truyền cho người ta” – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thẳng thắn.

Theo ông Chu Hồi, đây lại là những vấn đề nhạy cảm, đòi hỏi ít nhiều kiến thức chuyên ngành, kỹ năng tuyên truyền, nên không ít cuốn sách trong và ngoài ngành giáo dục xuất bản cho các cấp, các đối tượng học đường còn bị “gượng ép” khi đưa kiến thức biển, đảo vào SGK, sách tuyên truyền. Ngành GD ĐT cũng vậy, khi nào phát hiện sai sót thì cũng “giật mình”, lại có vẻ muốn quản lý chặt hơn, nhưng tuyên truyền biển, đảo cho thế hệ tương lai không thể không làm, nên lại phải cho “mở”, nhưng liều lượng đến đâu cũng chưa có chỉ đạo thống nhất và kịp thời. Cho nên việc tuyên truyền có vẻ vẫn đối phó bị động.

Vấn đề tuyên truyền trong giáo dục còn nhiều bất hợp lý

Vấn đề tuyên truyền trong giáo dục còn nhiều bất hợp lý

Trong khi đó, khâu thực hiện những đề tài tuyên truyền, nghiên cứu liên quan tới vấn đề chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Bằng quan sát của người đã hàng chục năm gắn bó với vấn đề này, PGS Chu Hồi nhận thấy, khâu hội đồng từ khi lập đề cương đến nghiệm thu phải được làm tốt, nếu không sẽ xảy ra tình trạng “đề tài vẫn đang sửa chữa trong khi tiền thì đã tiêu hết rồi”.

Ngoài ra, vì tiền có, tiến độ bị ép, kiến thức cơ bản lại không vững, thậm chí thiếu, thì sao chép tư liệu của nhau khó tránh và có vẻ bắt đầu “phổ biến”, có tiền là những người tạm gọi là “ngoại đạo”, chưa bao giờ ngồi viết về biển, lại bắt đầu xuất hiện.

Đương nhiên là cũng chả khác gì những hạn chế, yếu kém đã thấy khi làm đề tài, dự án mà ai cũng biết và cũng không biết. Làm công tác tuyên truyền thời có tiền cũng diễn ra theo chiều hướng tương tự.

"Tâm trạng lúc này khó tả, mừng vì có sự quan tâm rất lớn của Đảng và Chính phủ đối với công tác biển đảo, nhưng thi thoảng có gì đó vẫn ngần ngại, phân vân, hoặc cảm thấy buồn. Có không ít người yêu biển, không tiền mà vẫn nói, vẫn viết suốt không mệt mỏi,chẳng phải nhà báo mà tay trái viết khỏe hơn tay phải, chẳng ai trả tiền. Thế nên, Nhà nước đã cấp tiền mà làm chưa được như mong muốn thì cũng đáng tiếc" - PGS Chu Hồi chia sẻ.

Tiêu tiền phải thấy xót xa!

Theo PGS Nguyễn Chu Hồi, chủ trương đưa kiến thức biển, đảo vào hệ thống SGK đã được đề cập như một giải pháp góp phần thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 và Chương trình hành động của Chính phủ. Bung ra nhiều nhất về tuyên truyền biển đảo cho các cấp học vừa qua là từ khi có Đề án 373 với nội dung chủ yếu là nâng cao nhận thức về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, đảo, hướng tới phát triển bền vững.

Ông thẳng thắn: “Kinh phí hỗ trợ cho nghiên cứu, tuyên truyền biển, đảo cũng không nhỏ, đặc biệt trong lúc đất nước đã thay da đổi thịt. Nhưng vẫn cảnh “cái vú già” có biết bao đứa con bấu víu sao chịu nổi. Tôi cảm giác tiêu tiền của Nhà nước vào chuyện đại sự quốc gia lúc này phải biết xót xa”.

Vị chuyên gia cho rằng, để thực hiện tuyên truyền vấn đề biển đảo, đặc biệt là phục vụ xuất bản phải có chỉ đạo chính thống và một hướng dẫn cụ thể, chi tiết của cơ quan Chính phủ hoặc của Đảng. Khâu in ấn, xuất bản chính thức phải được kiểm soát cẩn trọng, không để sách ra trùng nhau giữa các bộ ngành để không dễ bị lợi dụng và sao chép, lãng phí tiền nhà nước.

“Những điều được nói trong sách tuyên truyền phải chuẩn xác, phải đối chiếu với luật pháp quốc tế vì khi tuyên truyền với biển đảo là động đến luật pháp quốc tế, quốc giaNên cần phải có những hội đồng riêng biệt với những chuyên gia kinh nghiệm, chứ nếu lập hội đồng như đề tài khác lâu nay vẫn làm thì tôi cho là tiếp tục còn đổ vỡ” – PGS Chu Hồi nhấn mạnh.

Theo Giáo dục