Phía sau một "hậu phương"
(Baonghean) - Vắng chồng; nội, ngoại lại ở xa. những đêm được giao nhiệm vụ trực ban đơn vị, Thượng úy Lê Thị Bình (Đội Vệ sinh phòng dịch - Cục Hậu cần Quân khu 4) lại phải đón 2 con gái lên ở cùng để tiện chăm sóc, kiểm tra việc học hành của các cháu. Có lẽ với chị, câu nói “đơn vị là nhà” thật đúng. Bên cạnh niềm tin yêu từ gia đình, thì sự cảm thông giúp đỡ của lãnh đạo, tập thể đơn vị cũng đã góp phần quan trọng để chị có thể “giỏi việc quân, đảm việc nhà”...
Hẹn gặp chị ngoài giờ công tác tại nhà riêng ở xóm Hòa Tiến, xã Hưng Lộc (TP. Vinh), nhưng hôm nay đúng phiên trực ban nên chị phải tất tả 5 giờ chiều đón con nhỏ học lớp 1, rồi chờ đến 7 giờ đêm đón con lớn đang học lớp 7 để lên đơn vị cách nhà 7 cây số (phường Quán Bàu); ổn định cơm nước “doanh trại” và giục các con ngồi vào bàn học xong, chị mới có thể dành thời gian trò chuyện với chúng tôi.
Thượng úy Lê Thị Bình tra cứu tài liệu về mẫu mô vi sinh vật. |
Vóc dáng nhỏ nhắn nhưng khuôn mặt toát lên vẻ thông minh, nghị lực, nữ quân nhân được đồng đội luôn tôn vinh, tin cậy ấy thoáng chút trầm tư khi nhớ về những năm tháng tuổi thơ và ngày quyết định bước chân vào quân ngũ. Chị nói: “Nay cuộc sống riêng cũng như công tác đã ổn định, nhìn lại những khó khăn vất vả đã qua, là càng để quyết tâm hơn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ ở đơn vị và chăm lo chu đáo việc nhà cho chồng yên tâm công tác ở lực lượng Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh”. Lê Thị Bình sinh năm 1973, là con thứ 6 trong gia đình có 7 anh chị em ở xã Xuân Lâm (Nam Đàn). Bố chị từng là cán bộ chủ trì của huyện Nam Đàn, sau là lãnh đạo Ban Quản lý Khu di tích Kim Liên, nhưng cả đời ông cho đến khi về hưu và mất vào năm 2003 đều nêu cao lối sống liêm khiết, tận tụy việc công, cuộc sống cơm áo thường nhật của cả nhà gần như phụ thuộc vào nghề nông lam lũ của mẹ. Nhà nghèo, ngoài giờ học thường phải phụ giúp mẹ việc đồng áng, nhưng những năm tháng học phổ thông Lê Thị Bình đều học tốt, đặc biệt trong 6 năm học THCS thì Bình có 4 năm liền là học sinh giỏi tỉnh môn tiếng Nga. Tốt nghiệp PTTH vào năm 1991, với năng khiếu ngoại ngữ, chị dự định theo học Đại học Ngoại ngữ ở Nha Trang, nhưng rồi cũng vì cảnh nhà nghèo đành phải xếp lại ước mơ... Những tưởng rồi yên phận ở lại quê lấy chồng như bao bạn bè trang lứa, thế mà khao khát được học tập nâng cao tri thức đã thôi thúc Bình tự ôn lại kiến thức để thi vào ngành sư phạm. Và, một lần nữa hoàn cảnh gia đình khó khăn đã chặn dự định trở thành cô giáo của Bình lại. Rất buồn và không khỏi có những lúc nản chí, nhưng chính trong những năm tháng đó Bình đã rèn cho mình một nghị lực thoát lên hoàn cảnh. Năm 1994, sau một tuần trăn trở cân nhắc, Bình quyết định nhập ngũ, trở thành quân nhân Sư đoàn 324 - QK4.
Khó để lý giải vì sao từ một nữ học sinh mơ mộng ngày nào với dự định trở thành một cô giáo nay lại gắn bó đến thế với binh nghiệp; nhưng Lê Thị Bình đã luôn cảm ơn cuộc sống cho mình một gia đình hạnh phúc khi chồng cũng là một đồng đội đã một khoảng thời gian dài vì nhiệm vụ, nên phải cách xa nhau như “ả Chức, chàng Ngưu”, cả hai đều biết cảm thông, chia sẻ và tin tưởng, quan tâm nhau hết mực. Năm 1999, Lê Thị Bình lập gia đình. Chồng chị lúc đó cũng là quân nhân cùng Lữ đoàn 414. Anh hơn chị 1 tuổi, quê ở Đức Thọ (Hà Tĩnh); sau anh đã chuyển về lực lượng bộ đội biên phòng Hà Tĩnh, công tác ở Lào 2 năm và nay là phó đồn trưởng Đồn BP 569 (Hương Khê). Anh con trai một, bố mẹ già yếu, các em gái trưởng thành ở xa, nhiệm vụ của một sỹ quan biên phòng nơi đồn biên biền biệt, đôi tháng mới về nhà được một lần. Sinh con đầu năm 2001, con thứ hai năm 2007, trong giai đoạn lương hai vợ chồng đều rất thấp, cuộc sống vô cùng khó khăn, gần như chị phải tự thu xếp lo cho mình.
Ngoài bổn phận dâu hiền, chị cả trong gia đình, chị đã luôn nỗ lực để dành thời gian quan tâm chu đáo bố mẹ chồng cho anh yên tâm và các cụ cảm thấy ấm áp. Nhiệm vụ của Đội Vệ sinh Phòng dịch Quân khu thường có những chuyến công tác đột xuất, khi thì đi phòng chống dịch, khi thì khắc phục hậu quả lũ lụt, xét nghiệm HIV mùa tuyển quân... Mùa bão lụt năm 2010, khi chồng đang làm nhiệm vụ ở nước bạn Lào, bố chồng gọi điện ra thông báo nước lũ ngập đến mái nhà rồi con ơi! Chưa kịp xin phép để về thì chị nhận được lệnh lên đường vào làm nhiệm vụ ở vùng lũ Quảng Bình, thương bố mẹ chồng đến thắt lòng, chị cũng đành gạt nước mắt nhắn ông bà chèo thuyền ra đường lớn, bắt xe ra Vinh ở cùng với các cháu để mình lên đường... Có năm, cũng lũ lụt lớn ở Quảng Bình, anh vào trước chống lũ, chị vào sau một tuần để làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả, gặp nhau ở vùng lũ khi xe anh chạy ra, xe chị đang chạy vào, tình cờ thấy nhau vợ chồng chỉ kịp vẫy chào, cười mà mắt nhòa nước. Rút kinh nghiệm có chuyến công tác vừa nhận lệnh lên đường là khi con lăn ra ốm, chị đã quen thân với một nhà thuốc, thuộc từng triệu chứng bệnh của con mình, để khi bà nội hoặc ai đó gọi thông báo bệnh tình của con là gọi về để cho thuốc ấy...
Lê Thị Bình nói, gần 20 năm nhập ngũ và phục vụ trong quân đội, may mắn chị đã được cấp trên và đồng đội cũng như gia đình động viên, giúp đỡ để không ngừng được học tập vươn lên. Sau 3 tháng huấn luyện ở huyện Anh Sơn, Lê Thị Bình được cấp trên phân về làm nhiệm vụ tại nhà khách của sư đoàn; một thời gian sau chị được cử đi học lớp y tá sơ cấp tại Viện 268 Cục Hậu cần - QK4. Học xong về phục vụ tại Trạm xá Lữ đoàn 414. Từ năm 1998 đến 2001, chị lại được Lữ đoàn cử đi học ở Trường trung cấp Y tế Nghệ An và tháng 2/2002 đến nay chị về nhận nhiệm vụ tại Đội Vệ sinh Phòng dịch Quân khu, trong đó có thời gian chị tiếp tục đi học lớp chuyên ngành tại Viện VSPD quân đội ở Hà Nội. Điều đáng nói, trong các đợt được cử đi học, khi hoàn thành chương trình chị luôn được công nhận bằng giỏi!
Chị tâm sự chân thành rằng, thành tích học tập ấy là từ ý thức tích lũy kinh nghiệm để trở về hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Bây giờ, với nhiệm vụ chuyên môn là y sỹ, kỹ thuật viên la-bô vi sinh vật, chị cùng 2 nữ đồng đội nữa đảm nhận nhiệm vụ kỹ thuật viên chính của 3 mũi công tác của đơn vị. Chị còn là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ở đây và là hạt nhân của Đội để tham dự rất nhiều cuộc thi do Cục và Quân khu tổ chức và thường chị giành giải cao... Thượng tá Nguyễn Sinh Cũng – Đội trưởng Đội Vệ sinh phòng dịch Quân khu 4 góp chuyện: “Khó có thể liệt kê hết các giải mà đồng chí Bình đạt được qua các cuộc thi. Đó là tuyên dương toàn quân ở cuộc thi Đội VSPD toàn quân năm 2009; giải Nhất báo cáo viên giỏi của Cục về Tư tưởng Hồ Chí Minh năm 2004; giải nhất cuộc thi Tìm hiểu 60 năm truyền thống LLVT Quân khu 4 năm 2005; giải Nhì cuộc thi Tìm hiểu 65 năm truyền thống LLVT Quân khu 4 năm 2010; giải Nhì Tìm hiểu truyền thống Cục Hậu cần QK4 và nhiểu giải thưởng ở các cuộc thi do Hội Phụ nữ tổ chức... Đặc biệt thời gian qua, đồng chí Bình có 3 năm được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua, vốn là danh hiệu mà rất ít nữ quân nhân đạt được do đặc thù thời bình!”.
Kèm các con học bài. |
Kể về niềm đam mê cứ thôi thúc chị tham gia các cuộc thi, Lê Thị Bình nói chị rất tự hào là người con sinh ra ở Nam Đàn quê hương Bác Hồ giàu truyền thống cách mạng, vào quân ngũ thêm niềm tự hào được là người lính của Quân khu 4 dày truyền thống chiến đấu vẻ vang, nên chị luôn muốn được tìm hiểu để biết, để nói lên, viết lên thật nhiều về truyền thống đó. Công việc chung riêng bận rộn, để có các bản dự thi dày 400 trang, có khi lên đến gần 600 trang và đoạt giải, thường chị phải tranh thủ viết từ khoảng thời gian 10 giờ đêm đến 3 giờ sáng. Các bản tham gia dự thi của chị đều có những câu chuyện hồi ức cảm động, thuyết phục ban giám khảo và lôi cuốn người nghe, trong đó có cả câu chuyện “Ký ức mùa nước lũ” chị viết về người đồng đội - người chồng thân yêu của mình.
Bây giờ, ngày nào chồng chị cũng gọi điện về chuyện trò, hỏi han sẻ chia công tác của chị và việc học tập của con; ngày lễ, sinh nhật chị và các con anh đều không quên từng chi tiết nhỏ. Chị coi đó là một niềm hạnh phúc lớn mà không phải ai cũng có được. Thế nên chị lại càng gắng chu toàn việc gia đình, họ hàng bên nội, và cứ mỗi lần được tin anh sắp tranh thủ về thăm nhà, trước đó mấy bữa chị tíu tít sắp xếp việc chung việc riêng, để dứt khoát dành thời gian cho hai vợ chồng có thể đi chơi với nhau, có những khảnh khắc riêng tư với nhau. “Của chồng công vợ”, cũng từ lo toan đảm đang của chị, dù còn vay mượn nhưng anh chị cũng đã mua được đất, xây được nhà hai tầng khang trang ở TP. Vinh. Và nhất là, các con chị đều chăm ngoan học giỏi, con gái đầu học lớp 7 Trường THCS Hưng Lộc, đang vừa là Liên đội trưởng, vừa là lớp trưởng...
Tiễn chúng tôi, Thượng úy Lê Thị Bình nói đùa rằng, là một quân nhân chị vững tin hoàn thành tốt nhiệm vụ nhờ có “hậu phương lớn” là chồng và gia đình nhà chồng; nhưng rồi lại nhớ mình là vợ một quân nhân đang thực hiện nhiệm vụ nơi vùng biên, nên lại phải cố gắng để được là “hậu phương lớn” cho chồng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chúng tôi thì nói rằng, họ xứng là “hậu phương lớn” cho nhau!
Bài, ảnh: Đình Sâm