Đột phá cơ chế cho ngư dân
Vừa qua, tại Phú Yên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ NN-PTNT, Tỉnh ủy Phú Yên và Báo SGGP tổ chức Hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển”. Dù có tiềm năng rất lớn và đã có nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành, thực hiện trong những năm qua, nhưng hiệu quả thu được từ kinh tế biển của nước ta còn thấp, đời sống ngư dân rất bấp bênh. Vì vậy, nhiều ý kiến đưa ra cần có cơ chế mang tính đặc thù, tạo cú hích đột phá để hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển theo hướng hiệu quả, đã nhận được sự đồng thuận cao tại hội thảo.
Hỗ trợ tam nông quên ngư nghiệp?
Việt Nam có vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, bờ biển dài trên 3.260km, có nhiều đảo, sông, đầm, phá. Biển Việt Nam chiếm vị trí cực kỳ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh chủ quyền đất nước. Trong thời gian qua, thủy sản đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với mức tăng trưởng nhanh. Theo Bộ NN-PTNT, sản lượng khai thác thủy sản năm 2012 đạt 2,63 triệu tấn trong tổng sản lượng 5,75 triệu tấn.
Tính đến tháng 10-2013, cả nước có khoảng 117.000 tàu, trong đó nhóm tàu có công suất nhỏ hơn 90CV 89.000 tàu, công suất từ 90CV trở lên khoảng 28.000 tàu; các nghề khai thác chính của ngư dân chủ yếu là lưới rê, lưới vây, lưới kéo, nghề câu, chụp mực... hoạt động khai thác trải khắp các vùng biển.
Nghề cá đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm; tạo sinh kế và việc làm cho trên 4 triệu lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biển, đảo của Tổ quốc.
Thời gian qua, nhiều chính sách đã được Đảng và Nhà nước ban hành hỗ trợ ngư dân, như hỗ trợ vay vốn tín dụng đóng mới tàu cá xa bờ (năm 1997); hỗ trợ chi phí nhiên liệu, đóng mới tàu cá, hỗ trợ bảo hiểm (2008-2010); hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch (2010); hỗ trợ khắc phục rủi ro, thiên tai trên biển (2007) và hỗ trợ trang thiết bị thông tin, giám sát hoạt động tàu cá trên biển...
Việc triển khai các chính sách hỗ trợ này đã giúp ngư dân ổn định sản xuất, bảo đảm cuộc sống hàng ngày và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc; phát triển được lực lượng tàu cá có công suất lớn đánh bắt xa bờ, góp phần chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp khai thác, giảm áp lực khai thác đối với vùng biển ven bờ. Năm 1997 sản lượng khai thác đạt hơn 1 triệu tấn, đến năm 2012 đã đạt 2,63 triệu tấn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT, cho biết bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, việc xây dựng và triển khai các chính sách nói trên cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, từ chính sách đến thực hiện thiếu đồng bộ trong hỗ trợ phát triển tàu cá như: cho vay đóng tàu chưa tính đến việc mua sắm ngư lưới cụ và trang thiết bị trên tàu, đào tạo thuyền trưởng, thuyền viên đủ khả năng vận hành, sử dụng phương tiện lớn, hiện đại; mức hỗ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu ngư dân; các điều kiện để được hưởng chính sách chưa sát thực tế sản xuất nghề cá (máy tàu mới 100% hay các máy móc, thiết bị được hỗ trợ phải đảm bảo yếu tố nội địa hóa 60% trở lên); công tác triển khai hướng dẫn thực hiện của các cơ quan chức năng chưa kịp thời; thiếu các quy định, tiêu chuẩn về việc lựa chọn lắp đặt máy thông tin…
Trong khi đó, ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng thời gian qua mới chủ yếu nói về hỗ trợ cho tam nông, còn ngư nghiệp và ngư dân ít nhắc tới. “Có câu hát rằng “Tình ta biển bạc đồng xanh” - đồng xanh rõ rồi, nhưng còn biển bạc chưa rõ lắm. Nếu phát triển nhiều ngư trường nhỏ như hiện nay, không tổ chức lại theo hướng hiệu quả hơn, ngư dân không thể cạnh tranh nổi” - ông Ngọ trăn trở.
Gấp rút xây dựng trung tâm thủy sản quốc gia
Đi vào các kiến nghị cụ thể, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng với kinh nghiệm và bài học rút ra trong thời gian qua, hướng tới cần cú hích đột phá về cơ chế hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển. TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, kiến nghị cần chú trọng tăng chất lượng và giá trị kinh tế biển, nhất là xuất khẩu, không nên quá chú trọng tăng số lượng.
Theo TS. Lịch nên chọn trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu hiện nay một số sản phẩm chiến lược, không làm tràn lan. “Ở miền Trung tiềm năng lớn nhất là cá ngừ đại dương, nhưng ngư dân đánh bắt theo phương pháp truyền thống không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu sang Nhật Bản. Vậy phải tính đầu tư cái gì để đáp ứng vấn đề này?” - ông Lịch đặt vấn đề và cho rằng cần sớm xây dựng trung tâm thủy sản quốc gia.
Tại trung tâm này sẽ đầu tư xây dựng cảng cá, có nơi neo đậu tàu thuyền, cơ sở hậu cần nghề cá tốt, có nhà máy chế biến. Bên cạnh đó là trung tâm thương mại, nơi giao dịch các hợp đồng mua bán thủy sản và trung tâm trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ ngân hàng…
Có thể bước đầu xây dựng trung tâm thủy sản khu vực, sau đó nâng tầm lên thành trung tâm quốc gia. “Chúng ta có thể vay vốn ODA để đầu tư, ít nhất khoảng 100 triệu USD. Bộ NN-PTNT nên chủ trì, bàn với các hội nghề nghiệp để xây dựng đề án này” - ông Lịch nói.
Đồng tình cao với kiến nghị trên, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT, cho biết trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phần về tái cơ cấu ngành thủy sản cũng đã đề cập đến việc việc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm thủy sản đi đôi với ổn định sản lượng. Do vậy chọn sản phẩm chiến lược để tập trung đầu tư phát triển là rất đúng. Hiện Bộ NN-PTNT đã giao Tổng cục Thủy sản triển khai nghiên cứu về trữ lượng, chất lượng 3 nhóm nguồn lợi thủy sản chính của nước ta.
Trong đó, nhóm cá lớn (có cá ngừ đại dương) trữ lượng còn rất lớn. “Sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành thí điểm đề án khai thác cá ngừ theo chuỗi giá trị. Vào tháng 3-2014 sẽ có diễn đàn bàn về khai thác cá ngừ cũng tổ chức tại Phú Yên” - ông Tám chia sẻ.
Về kiến nghị xây dựng trung tâm thủy sản quốc gia, theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, trong chiến lược phát triển ngành thủy sản, quy hoạch đến 2020-2030 sẽ có 5 trung tâm nghề cá lớn gắn với 5 ngư trường trọng điểm, tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cần Thơ. Phấn khởi trước thông tin này, nhưng TS. Trần Du Lịch cho rằng cần làm trước một trung tâm ở miền Trung, đồng thời thí điểm chọn cá ngừ làm sản phẩm chiến lược.
Phát triển “nông thôn mới cho ngư dân”
Ghi nhận thực tế từ địa phương, ông Lê Nam, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Qua tiếp xúc với cử tri là ngư dân, thấy rằng chính sách hỗ trợ về vốn cho ngư dân đang là vấn đề khó khăn nhất. Mặc dù ngân hàng rất quan tâm tới tăng cường tín dụng cho ngư dân, nhưng trên thực tế người đi biển chủ yếu vẫn phải tìm vốn ở kênh tín dụng đen.
Đây là một hiện trạng rất chua xót. Chính phủ đã có nhiều chủ trương, giải pháp về vốn cho ngư dân, nhưng thời gian qua hàng ngàn tỷ đồng vứt xuống biển mà hiệu quả rất thấp. Chúng ta cần rút ra kinh nghiệm để vốn thực sự đến tay ngư dân. Nên chăng NHNN có một gói tín dụng hỗ trợ ngư dân như gói tín dụng hỗ trợ nhà ở đang thực hiện. Khi tôi đặt vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trả lời sẽ nghiên cứu".
Theo ông Lê Nam thực tế nhiều năm qua chưa có gì mới trong phương thức khai thác, đánh bắt thủy sản của ngư dân. Bởi vậy người dân mong muốn sự hỗ trợ mạnh hơn từ phía Nhà nước. Bên cạnh đó, hiện có nhiều cơ quan giúp đỡ ngư dân, nhưng trách nhiệm hỗ trợ không rõ ngành nào. “Tôi nghĩ chúng ta nên có chính sách phát triển “nông thôn mới” cho ngư dân” - ông Nam kiến nghị.
Tràn đầy tâm huyết, ông Lê Huy Ngọ chia sẻ những vấn đề cấp bách như rủi ro về thiên tai phải hỗ trợ, muốn bà con ngư dân khá giả hơn phải có cách hỗ trợ khác và cần có những trung tâm, những khu công nghiệp về nghề cá…
Theo ông Ngọ Nhà nước phải đầu tư cho ngư dân về kết cấu hạ tầng như cảng cá, nơi neo đậu tàu thuyền. Ông Ngọ kể: “Sang Tokyo (Nhật Bản), tôi ngạc nhiên khi giữa thành phố hiện đại có một trung tâm thương mại, công nghệ về nghề cá. Chúng ta phải đầu tư để có các trung tâm nghề cá trung ương và địa phương. Phải coi đây là phát triển công nghiệp nghề cá, không giữ tư duy nhỏ lẻ”. Theo ông Ngọ, vấn đề này phải tổ chức chặt chẽ, có đội tàu, có hỗ trợ hậu cần, thông tin tốt. Mặt khác nên tăng đầu tư và tổ chức theo hình thức sản xuất tổ hợp.
Cần cơ chế tín dụng đặc thù
Phân tích cụ thể hơn vấn đề đầu tư vốn cho ngư dân, ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam, cho biết thực tế các chính sách về vay vốn tín dụng để đóng mới, hoán cải tàu đánh bắt xa bờ; hỗ trợ dầu để ngư dân khai thác hải sản các vùng biển xa... chỉ có khả năng hỗ trợ cho một số ít ngư dân.
Chính sách hỗ trợ mua mới, đóng mới tàu với điều kiện máy phải mới 100% theo tiêu chuẩn kỹ thuật chưa thu hút được nhiều ngư dân tham gia do chi phí cao. Điều kiện cho vay vẫn áp dụng cơ chế cho vay thương mại, người vay phải có tài sản để thế chấp ngân hàng nên ngư dân khó tiếp cận được nguồn vốn vay. Cho vay đóng tàu nhưng chưa tính đến cho vay để mua sắm ngư cụ và trang thiết bị nên hiệu quả đầu tư không cao.
Ông Lượng đề nghị, Chính phủ tiếp tục tăng mức tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản vay, với lãi suất ưu đãi 3-5%/năm, thời hạn từ 5 năm trở lên để phát triển sản xuất.
Cùng quan điểm này, TS. Phạm Hồng Mạnh, Đại học Thủy sản Nha Trang, cho rằng cần thiết phải có cơ chế rất đặc thù cho ngư dân vay vốn để mua sắm, cải hoán tàu thuyền và trang bị ngư cụ khai thác, từ lãi vay đến thời đoạn trả lãi cũng như thời gian đáo hạn các khoản vốn vay.
“Phần lớn tài sản của ngư dân - là tài sản có giá trị nhất trong gia đình làm phương tiện khai thác. Việc dùng phương tiện tàu thuyền để làm tài sản đảm bảo ít hiệu quả và tính pháp lý, bởi lẽ ngư dân dùng chính tài sản từ vốn vay để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Nên chăng việc vay vốn này thông qua tổ đội sản xuất, có sự tham gia của chính quyền địa phương trong việc xác định nhu cầu thực tế các khoản vay cho hoạt động này. Bên cạnh đó, khoản vay cần được mở rộng cho việc mua sắm ngư cụ khai thác, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động này. Có như vậy, tính đồng bộ trong hoạt động sản xuất của ngư dân mới nâng cao được hiệu quả” - ông Mạnh nói.
Bên cạnh đó, nhanh chóng tổ chức nghiên cứu về ngư trường nguồn lợi ở các vùng biển xa làm cơ sở cho việc định hướng khai thác của các cơ quan quản lý hiệu quả hơn. Kết quả phân tích đã cho thấy giá trị sản xuất cho 1 đơn vị sản lượng trong hoạt động khai thác là khá thấp, điều này có một phần nguyên nhân từ việc khai thác tự phát của ngư dân. Nếu các cơ quan quản lý triển khai thực hiện sớm vấn đề này sẽ là những cơ sở khoa học chắc chắn cho việc dự báo ngư trường, đối tượng khai thác một cách chính xác.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo |
Về áp dụng khoa học công nghệ cho ngành thủy sản nói riêng và kinh tế biển nói chung, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ KH-CN, cho biết định hướng sắp tới sẽ tiếp tục nghiên cứu chuyển giao công nghệ khai thác, đánh bắt xa bờ cho ngư dân. Tuy nhiên, cần có sự kết nối tốt hơn mới đạt hiệu quả.
“Chúng tôi đề nghị các địa phương, cơ quan liên quan đánh giá lại nhu cầu, yêu cầu về phát triển khoa học - công nghệ trong nghề cá, đặt hàng với Bộ KH-CN để chúng tôi nghiên cứu, triển khai” - ông Khánh nói. Chủ trì hội thảo, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng: “Bộ KH-CN đã chủ động “tấn công”, nhưng chưa đủ. Qua lời kêu gọi của Bộ KH-CN, đề nghị các cơ quan liên quan, các địa phương cần chủ động để đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ trong đánh bắt, khai thác thủy sản, hỗ trợ thiết thực cho bà con ngư dân”.
Theo Baomoi