Cơ sở vật chất trường học miền núi: Thấp thỏm nỗi lo mùa lũ

12/11/2013 19:00

(Baonghean) - Mùa mưa lũ, đồng nghĩa với mùa đông lạnh giá đang đến gần. Thế nhưng hiện nay trên địa bàn nghệ an vẫn còn có hàng nghìn học sinh ở các huyện miền núi quần áo không đủ ấm, phải học trong những phòng tranh tre tạm bợ và phải ở trong những căn nhà bán trú xập xệ, cũ nát. Các em đến trường trong thấp thỏm nỗi lo...

Băn khoăn mãi rồi chúng tôi cũng quyết định vào Lượng Minh dù biết rằng trận mưa mấy ngày trước có thể khiến một số đoạn đường bị sạt lở. Dọc đường đi, thầy Tân, chuyên viên phòng Giáo dục Tương Dương cho biết: Trường THCS Lượng Minh là một trong những trường có cơ sở vật chất khó khăn nhất huyện. Cơ ngơi của trường chỉ ngang bằng một điểm trường lẻ.

Trường THCS Lượng Minh nằm chênh vênh trên một con đồi nhỏ. Từ dưới nhìn lên, chỉ thấy thấp thoáng mái tôn của dãy phòng học cấp 4. Kề trước đó nửa quả đồi là khu nhà hiệu bộ gồm phòng hiệu trưởng, phòng giáo viên kiêm phòng thực hành vi tính và một gian lồi cuối cùng là phòng nội trú cho giáo viên. Xung quanh lớp học, nhiều vách gỗ đã bị mối ăn hết, trần nhà được lợp bằng mấy tấm cót ép tạm bợ. Toàn trường chưa có một phòng học nào kiên cố. Thầy Trần Quốc Hùng - Hiệu trưởng nhà trường xót xa: "Trường xây lâu lắm rồi, mùa mưa đến lo sợ lắm. Phải lấy chỗ nọ đắp chỗ kia, gắng gượng mấy năm rồi không biết mùa mưa năm nay có trụ được không nữa".

Giờ ra chơi của học sinh Trường THCS Lượng Minh (Tương Dương).
Giờ ra chơi của học sinh Trường THCS Lượng Minh (Tương Dương).

Lượng Minh là một điểm nóng về ma túy và là một xã nghèo của huyện Tương Dương. Học sinh trong trường hơn 90% là hộ nghèo, trong đó chiếm 1/3 là học sinh Khơ mú, nhiều em bố mẹ đi tù vì buôn ma túy. Do các em ở xa, điều kiện đi lại khó khăn nên trường được phân thành hai điểm, ngoài điểm trường chính thì còn điểm lẻ gồm 4 lớp thuộc 2 bản Cà Moong, Xốp Cháo của xã Kim Đa. Trường không có nhà bán trú nên nhiều em ở xa phải đến trọ nhà dân, nhiều hôm học cả ngày các em ở lại mượn tạm nồi của cô giáo nấu mì tôm ăn qua bữa.

Vào bản Piêng Luống, xã Nhôn Mai nơi thầy giáo Vi Thanh Duyệt và các giáo viên của Trường Tiểu học Piêng Luống đang “cắm bản” lại càng thấy ngậm ngùi. Điểm trường này có đủ 5 lớp từ lớp 1 đến lớp 5, nhưng mỗi lớp chưa đến 10 cháu. Phòng học tranh tre tạm bợ, tưởng chừng chỉ cần một cơn lốc là có thể cuốn đi tất cả. Trời vùng cao, mùa này se se lạnh nhưng nhìn xung quanh lớp chẳng em nào có đủ áo ấm, học sinh lớp 1 và lớp 4 học ghép, quay lưng vào nhau thiếu thốn đủ bề.

Nói về những khó khăn của ngành Giáo dục huyện Tương Dương, ông Hồ Duy Thịnh - Phó phòng Giáo dục huyện cho biết: Huyện vẫn đang còn rất nhiều “trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp”. Khó khăn nhất hiện nay của huyện là vấn đề kinh phí. Đặc biệt, 3 xã Nhôn Mai, Mai Sơn, Luân Mai chưa có đường giao thông, điều kiện đi lại khó khăn nên muốn vận chuyển vật liệu xây dựng vào cũng rất vất vả, tốn kém. Thống kê toàn ngành cho thấy, hiện vẫn còn 182 phòng học xuống cấp chưa kịp sửa chữa, 57 phòng học tạm, phòng mượn, tranh tre, nứa lá... Đây thực sự là mối nguy lớn trong mùa Đông, nếu không kịp thời sửa chữa thì mùa mưa này nhiều học sinh sẽ phải nghỉ học vì trường bị dột, hư hỏng.

Tại huyện Kỳ Sơn, ông Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng phòng Giáo dục huyện cho biết: Dù rất cố gắng tập trung mọi nguồn hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp cho ngành Giáo dục nhưng huyện vẫn đang còn 696 phòng học bán kiên cố, phòng tạm, phòng mượn, trong đó khó nhất là bậc tiểu học với 1/3 các phòng học tạm. Đến Trường THCS bán trú Hữu Kiệm, chúng tôi được thầy Hiệu trưởng Lô Khăn Phu dẫn xuống khu bán trú là một dãy nhà tranh tạm bợ. Trung bình 20 em một phòng, nằm chen chúc trên một tấm phản tre cũ kỹ, ánh điện lù mù, không có bàn học cũng không có một phương tiện sinh hoạt tối thiểu nào khác.

Phòng nội trú của học sinh Trường THCS bán trú Hữu Kiệm (Kỳ Sơn).
Phòng nội trú của học sinh Trường THCS bán trú Hữu Kiệm (Kỳ Sơn).

Co ro trong manh áo mỏng, em Moong Thị Hiền lớp 7B cho biết: "Được đi học là chúng em vui rồi. Còn áo quần, sách vở thì có cái mô mặc cái nớ thôi. Không biết đến áo ấm, áo đẹp". Thầy giáo Lô Khăn Phu nói: "Nhiều hôm trời rét thấy các em mặc không đủ ấm, dép không có mà đi, chúng tôi thương lắm. Công đoàn ngành cũng đã kêu gọi giáo viên trong trường đóng góp ủng hộ học sinh nhưng cũng chỉ giúp đỡ được vài em. Khó khăn là vậy, nhưng trong năm học này nhà trường đã cố gắng để tổ chức bếp ăn tập thể cho các em, giúp các em thoát khỏi cảnh “cơm đùm cơm nắm”, “bữa đói bữa no” như các năm trước. Mặc dù vậy, cũng như nơi ở, phòng bếp, phòng nấu ăn của các em còn tạm bợ lắm, chỉ là hai vách nứa ghép tạm.

Đa phần các trường học ở các huyện miền núi hiện nay đều đã xuống cấp nhưng việc huy động kinh phí xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như những năm trước các trường có thể trông chờ vào nguồn kiên cố hóa trường học, nguồn 135 nhưng nay dự án đã hết, nguồn xã hội hóa thì hầu như không huy động được. Để chia sẻ với học sinh vùng cao, UBND tỉnh đã phát động cuộc vận động mỗi cơ quan, đơn vị giúp đỡ một xã nghèo, nhờ đó nhiều trường học đã được hỗ trợ cơ sở vật chất trang thiết bị học tập. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, xã hội ủng hộ tiền, áo quần, sách vở cho các em.

Như ở Trường THCS Lượng Minh, đầu tháng 10/2013 vừa rồi, đoàn từ thiện của CLB Nhất Nam Hà Nội đã đến tặng gần 150 triệu đồng bao gồm tiền mặt, áo quần, sách vở và đồ dùng học tập cho các em. Trên các trang mạng xã hội, thời gian này Câu lạc bộ Từ Tâm (Thành phố Vinh), cũng đang kêu gọi cộng đồng tham gia chương trình “Áo ấm đến trường năm 2013”. Dự kiến cuối tháng 11 này, đoàn sẽ lên bản Tùng Hương (Tương Dương) và Xùm Xám (Kỳ Sơn) để trao 550 chiếc áo ấm cho 550 học sinh nghèo.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Tuy hiện nay các nguồn dựa vào chương trình mục tiêu quốc gia không còn nhiều nhưng Sở sẽ tập trung rà soát lại để đầu tư một cách có trọng điểm. Đồng thời yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc quy hoạch trường lớp để lên kế hoạch xây dựng lâu dài. Riêng các huyện 30a, ngành sẽ dành mọi nguồn lực xã hội hóa thông qua kêu gọi các nhà đầu tư và sẽ ưu tiên cho những trường đang trong giai đoạn xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường khó khăn và trường hư hỏng nặng. Ngành cũng kêu gọi công đoàn toàn ngành với tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” tổ chức xây dựng Quỹ Vì người nghèo, ủng hộ đồng bào vùng bị bão lụt, giúp đỡ, cưu mang học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh, sinh viên con nhà nghèo, học sinh dân tộc thiểu số".

Mỹ Hà