Đầu tư Nhật Bản: Lựa gió đổi chiều

17/12/2013 19:07

(Baonghean) - Sự biến động chính trị trong thời gian gần đây càng khẳng định khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang phát triển năng động và tiếp tục phát triển với tốc độ cao, đồng thời khu vực này cũng tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định.

Đứng trước những thử thách mới về chính trị, để tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, các nước trong khu vực đều giành ưu tiên cho hợp tác phát triển kinh tế và nhanh chóng “lựa gió đổi chiều” để giữ được tốc độ và quy mô phát triển. Do đó, sự thay đổi về địa – chính trị trong thời gian gần đây cũng đồng thời kéo theo sự biến đổi về địa – kinh tế khá rõ nét. Điều đó có thể thấy rõ trong sự chuyển hướng đầu tư kinh tế của Nhật Bản.

Bị Trung Quốc vượt qua để chiếm vị trí cường quốc kinh tế thứ 2 của thế giới, đồng thời liên tiếp bị Trung Quốc đưa ra các chính sách đối ngoại cứng rắn liên quan đến tranh chấp chủ quyền cả vùng trời và vùng biển, Nhật Bản đang có những chuyển hướng mạnh về chính sách đầu tư nhằm dần “rút lui” khỏi thị trường Trung Quốc. Nhật Bản đã tỏ rõ thái độ “thiếu niềm tin” vào môi trường đầu tư Trung Quốc – vốn là một thị trường đầu tư lớn của Nhật trong một thời gian dài, để tìm kiếm các thị trường đầu tư giàu tiềm năng và có tính bền vững cao hơn.

Thủ tướng Shinzo Abe và người đồng cấp Campuchia Hun Sen tại Phnom Penh.Ảnh: Reuters
Thủ tướng Shinzo Abe và người đồng cấp Campuchia Hun Sen tại Phnom Penh. Ảnh: Reuters

Trước hết, Nhật Bản tỏ rõ ý định dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang thị trường Đông Nam Á. Để đốc thúc sự chuyển hướng này diễn ra mạnh mẽ hơn, hồi trung tuần tháng 11 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thăm Lào và đạt được những kết quả ký kết quan trọng. Phía Lào nhất trí việc miễn thị thực cho công dân Nhật Bản, qua lại làm ăn kinh tế với Lào. Đồng thời phía Lào đồng ý cho Nhật Bản mở văn phòng đại diện Thương mại quốc tế tại Vientiane. Hai bên cũng đã trao đổi biên bản ghi nhớ Dự án chăm sóc và bảo vệ sức khỏe giữa Bộ Y tế Lào với Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe đồng ý hỗ trợ Lào đầu tư nâng cấp sân bay quốc tế Vattay giai đoạn 3 với vốn ưu đãi và sẽ được ký kết nhân dịp Thủ tướng Lào sang dự Hội nghị cấp cao Nhật Bản-ASEAN 2013 tại Tokyo. Ngoài ra, phía Nhật sẽ cử chuyên gia sang giúp Lào khảo sát xây dựng một số công trình cầu đường và hỗ trợ Lào trong việc giải phóng bom mìn chưa nổ cũng như một số lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.

Cùng với Lào, Việt Nam là nước được Nhật Bản quan tâm đặc biệt trong quá trình chuyển trọng tâm hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ để sớm hoàn thành và đi vào triển khai Kế hoạch hành động cho 6 ngành công nghiệp ưu tiên trong Chiến lược phát triển Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt - Nhật hướng đến 2020, tầm nhìn 2030. Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã cam kết tiếp tục dành ODA ở mức cao cho Việt Nam và công bố khoản ODA vốn vay đợt 2 tài khóa 2013 trị giá khoảng 1 tỷ USD. Nhật Bản khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả các dự án hợp tác quy mô lớn như đường bộ cao tốc Bắc Nam, dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, cảng Lạch Huyện... Các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản khẳng định tiếp tục duy trì và tăng cường quy mô đầu tư tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong ngày 16/12, Nhật tuyên bố sẵn sàng đầu tư vào “vùng phát triển kinh tế tiên tiến” tại Viễn Đông Nga. Đó là tuyên bố ngày thứ Hai của ông Tadashi Sugimoto - chuyên viên hàng đầu từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Đông Bắc Á của Nhật Bản. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các liên hệ kinh tế khu vực giữa Nhật Bản và Nga. Cho đến nay, theo lời ông Tadashi Sugimoto, mới chỉ có những nhà kinh doanh lớn của Nhật Bản rót vốn tư bản vào khu vực Viễn Đông của Nga. Để đạt tới thành công hiện thực, cần phải tạo điều kiện cho phép cả các công ty vừa và nhỏ của Nhật Bản tham gia vào những dự án đầu tư từ các khu vực gần gũi với vùng Viễn Đông của Nga, - chuyên viên kết luận.

Được biết, không chỉ Nhật chính thức chuyển hướng đầu tư theo hướng “lựa gió đảo chiều” để dần rời khỏi thị trường Trung Quốc, giới phân tích cho rằng hiện tại Hàn Quốc cũng đang buông dần các dự án đầu tư tại Trung Quốc để chuyển hướng sang các thị trường khác năng động hơn và có độ tin cậy cao hơn.

Chí Linh Sơn