Hiểm họa từ các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ "chui"
(Baonghean) - Phẫu thuật thẩm mỹ đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết đối với những người mê làm đẹp. Thế nhưng phẫu thuật như thế nào, phẫu thuật ở đâu, sẽ có những biến chứng gì, trước khi phẫu thuật cần làm những xét nghiệm gì… thì rất ít người quan tâm. Trong khi đó, hầu hết các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ đang hoạt động “chui”, không đảm bảo các điều kiện để kinh doanh dịch vụ. Vậy nên, số ca tử vong và gánh chịu hậu quả nặng nề từ phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng tăng…
Nguy cơ từ phẫu thuật thẩm mỹ
Phẫu thuật thẩm mỹ được hiểu là những can thiệp có khoa học và chủ đích bằng dao kéo, tia, kim tiêm… lên cơ thể nhằm mục đích làm đẹp. Theo thống kê, hàng năm, ngành phẫu thuật thẩm mỹ ở Việt Nam đã tiếp đón hàng ngàn khách hàng và mỗi cá nhân có những yêu cầu thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trên một bộ phận khác nhau. Nhiều người đã được phẫu thuật an toàn song số người gặp rủi ro dẫn tới tử vong cũng không ít. Mới đây nhất, là cái chết thương tâm của chị Lê Thị Thanh Huyền, trú tại phố Hàng Thiếc, Hà Nội, khi làm thẩm mỹ hút mỡ, nâng ngực ở Thẩm mỹ viện Cát Tường, địa chỉ 45, đường Giải Phóng (Hà Nội) vào ngày 19/10. Vụ việc xảy ra làm xôn xao dư luận trong nước; và dư luận càng phẫn nộ hơn khi cơ sở này phi tang xác nạn nhân bằng cách ném xuống sông Hồng. Chủ Thẩm mỹ viện Cát Tường là bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường, công tác tại Khoa Ngoại, Bệnh viện Bạch Mai, chính là người thực hiện phẫu thuật.
Vụ tử vong nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng từ trước đến nay, số nạn nhân tử vong do bơm silicone vào ngực, bơm hút mỡ rất nhiều; chưa kể đến nhiều trường hợp ngộ độc, mang tật vào người do phẫu thuật thẩm mỹ… Có nhiều biến chứng nguy hiểm khiến người làm phẫu thuật thẩm mỹ bị tử vong, đó là: do sốc phản vệ trong quá trình gây mê, gây tê; do dị ứng với các nguyên liệu không đảm bảo an toàn; do tiền sử bệnh như tim mạch và huyết áp cao, máu không đông rất dễ dẫn đến biến chứng, trong khi phần đa các cơ sở trung tâm thẩm mỹ là của tư nhân, không có đủ thiết bị cũng như trình độ cấp cứu cho các ca bị mất máu quá nhiều.
Vụ tử vong ở Thẩm mỹ viện Cát Tường đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề an toàn trong phẫu thuật làm đẹp cũng như công tác quản lý dịch vụ này rất yếu kém. Ở bất cứ địa phương nào, ở bất cứ trung tâm thẩm mỹ, cơ sở gội đầu nào, người ta cũng treo biển thẩm mỹ, chăm sóc da mặt, phun thêu, xăm môi, lông mày. Đã có không ít các bà, các chị bị biến dạng cơ thể, tiền mất tật mang suốt đời. Cách đây không lâu, có người đã hoàn toàn bị hoại tử vùng mặt vì do tẩy nốt rồi bằng hóa chất tại tiệm gội đầu.
Một thẩm mỹ viện trên đường Nguyễn Thái Học (ảnh minh họa) |
Khó quản lý các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ “chui”
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có khá nhiều cơ sở thẩm mỹ đang kinh doanh các dịch vụ liên quan đến soi, mổ cũng như phẫu thuật thẩm mỹ; chưa kể đến rất nhiều tiệm hớt tóc gội đầu cũng sẵn sàng sử dụng dao kéo, bơm kim tiêm, hóa chất, các loại tia để can thiệp vào da, thịt của người có nhu cầu làm đẹp. Thẩm mỹ viện Bích Hảo, có địa chỉ tại số 79, đường Đặng Thai Mai, Thành phố Vinh; địa chỉ website là: http://tmvbichhao.com. Tại thẩm mỹ viện này, có các dịch vụ như: thu hẹp cánh mũi, làm đẹp tai, xóa sẹo lồi lõm, bấm mí Hàn Quốc, phẫu thuật tạo má lúm đồng tiền… Không chỉ ở Thành phố Vinh mà ở Thị xã Cửa Lò cũng có những cơ sở thẩm mỹ với dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ như nâng mũi, đặt sống mũi, bấm my, lấy mỡ thừa, tạo mí, treo cung mày, bớt sẹo lồi, thu nhỏ làm hồng tầng sinh môn, hút mỡ ở vùng bụng, đặt túi ngực nội soi...
Trao đổi với ông Lê Hồng Lĩnh, Trưởng phòng Quản lý hành nghề dược Sở Y tế được biết: Ở tỉnh ta, chỉ có duy nhất Bệnh viện Thái Thượng Hoàng được Bộ Y tế cấp phép cho phép phẫu thuật thẩm mỹ. Sở Y tế Nghệ An chưa hề cấp phép cho đơn vị nào. Còn đối với các cơ sở hớt tóc gội đầu có các dịch vụ xăm, tẩy nốt ruồi… phòng và Sở không thể quản lý được, lý do là các văn bản pháp luật nhà nước chưa quy định đối tượng này. Như vậy, với khẳng định của ông Lê Hồng Lĩnh thì những cơ sở có dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ nói trên đang hoạt động bất hợp pháp, quảng cáo sai quy định pháp luật.
Ông Hồ Sơn, Chánh Thanh tra, Sở Y tế Nghệ An cho biết: Rất khó để phát hiện xử lý các cơ sở có dịch vụ giải phẫu thẩm mỹ vì khi kiểm tra họ đều chối biến. Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật hiện nay đang có kẽ hở, khó kiểm soát các hành vi sai trái của các trung tâm này, đó là: Việc phân cấp quản lý các trung tâm thẩm mỹ như hiện nay (có phẫu thuật do Sở Y tế quản lý, không phẫu thuật do chính quyền địa phương quản lý). Trong khi đa số các thẩm mỹ viện đều là những trung tâm làm đẹp đơn thuần, vốn không có chức năng phẫu thuật thẩm mỹ nên không thuộc sự quản lý của Sở Y tế. Các cơ sở kinh doanh này lại do chính quyền địa phương cấp phép. Nếu ngành Y tế muốn kiểm tra, phải có chứng cứ sai phạm, còn không là trái quy định… Ngành Y tế Nghệ An đã nhiều lần có ý kiến lên Bộ Y tế về việc này. Hiện tại, ngành cũng chưa có đợt thanh kiểm tra nào đối với các bệnh viện, trung tâm làm đẹp, thẩm mỹ viện.
Thông tư 01/2004/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn về hành nghề y, dược tư nhân qui định rõ các phòng khám giải phẫu thẩm mỹ “không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực, hút mỡ bụng, hút mỡ chi...”. Nhưng thực tế là vì lợi nhuận, nhiều trung tâm thẩm mỹ tư không đủ điều kiện vẫn hoạt động “chui”. Nguy cơ tử vong từ việc phẫu thuật thẩm mỹ cao. Ông Hồ Sơn đưa ra khuyến cáo: Nên đặt vấn đề an toàn cho sức khỏe bản thân lên hàng đầu, những người có nhu cầu nên tìm hiểu cân nhắc và phải thực sự hiểu nguy cơ từ ca phẫu thuật mang lại. Nếu quyết định phẫu thuật thì nên chọn nơi phẫu thuật thẩm mỹ có đủ điều kiện, trang thiết bị máy móc, đội ngũ bác sĩ có chuyên môn và tay nghề cao, cụ thể là đến những bệnh viện lớn, nơi có nhiều kinh nghiệm về phẫu thuật tạo hình và được cấp phép.
Bài, ảnh: Thành Chung