Kinh nghiệm Xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc

29/10/2013 16:31

(Baonghean) - LTS: Việc xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc đã được thực hiện từ những năm 60 của thế kỷ trước, và đã thu được nhiều kết quả to lớn. Tiến sĩ Lê Đức Hoàng cán bộ khoa Sử - Đại học Vinh đã có nghiên cứu về quá trình xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc, tác giả có chuyên đề về những kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc dành cho báo Nghệ An. Hy vọng những kinh nghiệm đó giúp cho phong trào xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta thu được nhiều kết quả. Báo Nghệ An xin giới thiệu với bạn đọc.

Bài 1: Lý giải về "mới" và "kiến"

Dưới góc nhìn lịch sử, mặc dù chưa chính thức nêu tên khái niệm nhưng trên thực tế, một số nội dung thuộc nội hàm "kiến thiết nông thôn mới XHCN" ở Trung Quốc được đề cập đến từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước, gắn liền với việc giải quyết vấn đề tam nông. Kể từ cải cách mở cửa năm 1979 đến 2005, kiến thiết nông thôn ở Trung Quốc diễn ra qua ba giai đoạn: Giai đoạn kiến thiết nhà ở nông dân (1979 - 1986), giai đoạn kiến thiết thôn xóm (1986-1993) và giai đoạn kiến thiết tiểu thành trấn - tức xây dựng các thị trấn, thành thị nhỏ ở nông thôn (1993 - 2005). Đến Hội nghị TƯ 5 khoá 16 ĐCS TQ tháng 10/2005, trong "Kiến nghị của TƯ ĐCS Trung Quốc về chế định quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 11", lần đầu tiên khẳng định kiến thiết nông thôn mới XHCN là nhiệm vụ lịch sử trọng đại trong tiến trình hiện đại hoá đất nước.

Các chuyên gia Trung Quốc, đặc biệt là GS.TS Mã Hiểu Hà (Viện nghiên cứu cải cách kinh tế vĩ mô quốc gia, ĐH Nhân dân) khẳng định kiến thiết nông thôn mới thực chất là hoàn thiện và nâng lên tầm cao mới về chính sách tam nông (nông nghiệp - nông dân - nông thôn). Đây là vấn đề có tính tổng hợp, nội dung đề cập tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội nông thôn. Nội hàm của nó bao gồm việc phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân; xây dựng thôn làng, cải thiện môi trường sinh thái; mở rộng và tạo sự hài hoà về lợi ích cộng đồng, thực hiện dân chủ bình đẳng; giáo dục nâng cao tố chất nông dân, tăng cường xây dựng văn minh nông thôn, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống, làm phong phú đời sống tinh thần cho nông dân; tăng cường xây dựng các tổ chức cơ sở ở nông thôn, tạo điều kiện cho nông dân chủ động tham gia vào công cuộc xây dựng thôn xóm...

Trong vấn đề kiến thiết nông thôn mới, cần lý giải chuẩn xác về “mới” và “kiến”, trong đó mới là yếu tố then chốt, còn kiến là trọng điểm. “Mới” thể hiện ở chỗ: 1) Bối cảnh lịch sử mới, đất nước đã bước vào giai đoạn công nghiệp đủ sức lôi kéo nông nghiệp, thành thị sẵn sàng hỗ trợ nông thôn; GDP và cơ cấu nông nghiệp, năng lực tài chính công, mức độ thành thị hoá... đều sẵn sàng cho sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội nông thôn; 2) Mới về quan điểm, tức là đề ra nội dung kiến thiết nông thôn mới trên cơ sở chỉ đạo bởi quan điểm phát triển khoa học, nhấn mạnh sự phát triển toàn diện về vật chất lẫn tinh thần, kinh tế với xã hội; 3) Thông qua việc thúc đẩy kiến thiết nông thôn mới XHCN, để hình thành ở nông thôn 5 điểm mới là: Người nông dân mới, của cải vật chất mới, tổ chức mới, cơ sở hạ tầng mới, thôn xóm có phong thái diện mạo mới.

Kiến (tức xây) thể hiện ở sự thống nhất giữa kiến thiết kinh tế, kiến thiết chính trị, kiến thiết văn hoá và kiến thiết xã hội của vấn đề tam nông. Bởi vậy “kiến” ở đây có tính tổng hợp và hoàn chỉnh trong giải quyết về vấn đề tam nông của Đảng và Nhà nước ở giai đoạn mới, bao gồm kiến thiết cơ sở hạ tầng nông thôn; tạo ra nhiều của cải vật chất cho nông thôn; xây dựng tính độc lập tự chủ của nông dân; xây dựng diện mạo mới ở nông thôn; tăng cường chế độ phúc lợi công cộng ở nông thôn...

"Mới" và "kiến" trong kiến thiết nông thôn mới XHCN chính là hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân; xây dựng thôn trấn, cải thiện môi trường cảnh quan; mở rộng lợi ích công, tạo sự hài hoà, công bằng trong xã hội nông thôn; giáo dục, nâng cao tố chất của nông dân; tăng cường xây dựng tổ chức chính trị cơ sở cấp thôn xóm. Tất cả điều này được khái quát gọn trong 20 chữ, thể hiện 5 mục tiêu xuyên suốt quá trình xây dựng nông thôn mới.

(Còn nữa)

Lê Đức Hoàng (ĐHV)