Nhiều vụ tham nhũng nghiêm trọng bỏ lọt tội phạm

23/10/2013 17:50

Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc xử lý một số vụ việc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, nhiều hành vi có liên quan tới tham nhũng chỉ bị xử lý kỷ luật, hành chính.

Ngày 22/10, đánh giá công tác phòng chống tham nhũng năm 2013 trước Quốc hội, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng đã được tăng cường hơn. So với cùng kỳ 2012 thì công tác này tăng cả về số vụ và số đối tượng phạm tội. Cụ thể, khởi tố mới được 233 vụ với 568 bị can (tăng 11 vụ với 97 bị can); Viện kiểm sát đã truy tố 335 vụ với 803 bị can (tăng 91 vụ với 202 bị can).

Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý được đánh giá vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Hành vi vi phạm pháp luật và số tài sản sai phạm liên quan tới hành vi vi phạm pháp luật phát hiện được là rất lớn, nhưng việc phát hiện tham nhũng và thu hồi tài sản còn rất ít.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng tại Quốc hội ngày 22/10. Ảnh: TTXVN.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng tại Quốc hội ngày 22/10. Ảnh: TTXVN.


Ủy ban Tư pháp cũng nhấn mạnh, tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, quản lý vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp nhà nước chưa giảm, nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đáng chú ý là vụ Nguyễn Thế Ngọc - Công ty vận tải dầu khí Việt Nam phạm tội tham ô tài sản, gây thiệt hại cho nhà nước khoảng 1.800 tỷ đồng; vụ sai phạm tại Công ty cho thuê tài chính II – Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn gây thiệt hại cho nhà nước ước tính trên 4.000 tỷ đồng; vụ vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh Sóc Trăng gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng...

Qua giám sát, khảo sát của ở một số địa phương và dư luận, báo chí, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, việc xử lý một số vụ việc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, nhiều hành vi có liên quan tới tham nhũng chỉ bị xử lý kỷ luật, hành chính. Việc đình chỉ điều tra, nhất là đối với một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng vẫn diễn ra.

Trong khoảng thời gian 2 năm 6 tháng (từ tháng 10/2010 đến tháng 4/2013) riêng Viện KSND tối cao đã đình chỉ 4 vụ với 27 bị can và đình chỉ 11 bị can trong các vụ án tham nhũng khác. Bên cạnh đó là tình trạng áp dụng hình phạt nhẹ, phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, cho hưởng án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ (bị cáo cho hưởng án treo và phạt cải tạo không giam giữ chiếm trên 30% tổng số bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã xét xử); một số bị cáo phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng vẫn được hưởng án treo. Có vụ án kéo dài sau nhiều năm mới xét xử được như vụ Hoàng Đình Dung, giám đốc Chi nhánh Centrime 3 phạm tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước, hành vi phạm tội xảy ra từ 2000 và đến 2012 Tòa án mới xét xử.

Ủy ban Tư pháp cũng nêu bất cập liên quan tới cơ chế bảo vệ, khen thưởng đối với người tố cáo tham nhũng. Có trường hợp dư luận chưa đồng tình mà gần đây nhất là vụ tố cáo tham nhũng tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội), người tố cáo được Sở Y tế Hà Nội thưởng 320.000 đồng. Qua khảo sát, giám sát cho thấy, có những địa phương, qua nhiều năm cũng chỉ nhận được một đến hai đơn tố cáo tham nhũng.

Hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu; số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra còn thấp; việc điều tra, truy tố, xét xử đối với nhiều vụ án tham nhũng còn kéo dài, trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, một số vụ việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu áp dụng chưa đúng với quy định của pháp luật....

Để nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, Ủy ban Tư pháp nêu một số kiến nghị, trong đó có việc kiến nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu để ban hành hoặc trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành cơ chế hiệu quả hơn để kiểm soát tài sản, thu nhập không chỉ của người có chức vụ, quyền hạn mà của toàn bộ cán bộ, công chức.

Từ tháng 10/2010 đến hết tháng 4/2013, Thanh tra các tỉnh như Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Bình… chỉ nhận được một vài đơn tố cáo tham nhũng.

Năm 2013 ngành Thanh tra đã phát hiện vi phạm trên 12.600 tỷ đồng và 1.438 ha đất, kiến nghị thu hồi hơn 5.000 tỷ đồng, 1.374 ha đất (đã thu hồi được 2.390 tỷ đồng, 18,2 ha đất); kiến nghị xử lý đối với 550 tập thể, 1.051 cá nhân; ban hành hơn 153.000 quyết định xử phạt hành chính tổ chức, cá nhân; chuyển Cơ quan điều tra xử lý 50 vụ với 52 người. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước hơn 225 tỷ đồng, 40,3ha đất, trả lại công dân 115 tỷ đồng…

Theo (Vnexpress) - KN