Không thể vì ngân sách khó khăn mà dẫn đến lạm thu trong giáo dục

13/12/2013 16:45

(Baonghean.vn) - “Dù tỉnh đang gặp nhiều khó khăn nhưng đã gồng mình nỗ lực để đầu tư cho ngành giáo dục. Không thể nói vì ngân sách khó khăn mà dẫn đến lạm thu được”, đại biểu Hoàng Viết Đường, Giám đốc Sở Tài chính chất vấn.

Sáng 13/12, các đại biểu kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVI tiếp tục chất vấn trực tiếp. Phần thứ nhất của nội dung chất vấn liên quan đến ngành giáo dục, trong đó các đại biểu đề cập nhiều đến vấn đề lạm thu trong các trường hiện nay.

Đoàn chủ tịch kết luận phiên chất vấn ngành Giiáo dục
Đoàn chủ tịch kết luận phiên chất vấn ngành Giiáo dục

Trước khi bước vào chất vấn trực tiếp, ông Lê Văn Ngọ, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đã trình bày các nội dung chất vấn mà các cử tri đã đưa ra trong quá trình tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp và trong các buổi thảo luận ở tổ. Ông Lê Văn Ngọ cho biết, tại một số đơn vị, hiệu trưởng và giáo viên chưa thực hiện đầy đủ quy trình vận động nhân dân, phụ huynh ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học. Từ đó dẫn đến việc thu tiền có tính chất áp đặt, các giáo viên chủ nhiễm ghi sẵn mức vận động vào tờ đăng ký để phụ huynh ký; một số cơ sở thu tiền quỹ lớp, quỹ nhà trường sai quy định. Điều này là do kinh phí được cấp quá ít, không đủ để nhà trường trang trải các hoạt động tối thiểu. Để có kinh phí khi ngân sách không cấp đủ quy định, một số nhà trường, tổ chức đã thu thêm một số khoản ngoài quy định. Bên cạnh đó, cón có sự bất cập giữa mức thu và chế độ thực tế chi cho cán bộ, giáo viên.

Về mặt chủ quan, người đứng đầu ngành Giáo dục tỉnh nhà thừa nhận, một số giáo viên, cán bộ cơ sở giáo dục chưa nhận thức đầy đủ, hoặc không đúng về các khái niệm như “tự nguyện”, “thỏa thuận”, “vận động”; các địa phương, đoàn thể chưa vào cuộc cùng với cơ sở giáo dục gây nên áp lực lớn đối với cán bộ quản lý, các thầy cô giáo tại các cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, ông Lê Văn Ngọ cũng cho biết, công tác quản lý, tiếp nhận, luân chuyển, sắp xếp bố trí giáo viên còn bất cập; một số giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, tham gia các dịch vụ bán hàng đa cấp trong trường học.

Ngay sau báo cáo giải trình của ông Lê Văn Ngọ, các đại biểu đã đặt ra nhiều câu chất vấn liên quan đến các nội dung như: Đào tạo liên thông, liên kết; vấn đề lạm thu trong các trường học; vấn đề dôi dư giáo viên,…

Đại biểu Lữ Kim Duyên (huyện Tương Dương) thắc mắc đến việc vi phạm tuyển sinh của trường trung cấp y dược Bắc Ninh; đại biểu Nguyễn Ngọc Nguyên (huyện Nam Đàn) nói về việc tuyển sinh ở Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu. Đây là ngôi trường có chất lượng cao nhưng dư luận cho rằng trường chưa coi trọng tuyển sinh đầu vào, chỉ tiêu tuyển sinh cao hơn mức quy định trong lúc cơ sở vật chất chưa tăng cường, có em được điểm 2 môn ngoại ngữ vẫn vào được trường chuyên? Trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Lê Văn Ngọ, giám đốc Sở GĐ&ĐT trả lời chất vấn của các đại biểu
Ông Lê Văn Ngọ, giám đốc Sở GĐ&ĐT trả lời chất vấn của các đại biểu

Trước những câu hỏi này, ông Lê Văn Ngọ khẳng định, đã có kết luận thanh tra với 4 nội dung vi phạm ở Trường Trung cấp y dược Bắc Ninh. Sở đã kiến nghị dừng ngay công tác tuyển sinh vào tháng 6/2013. Sau đó Trường y dược Bắc Ninh có ý kiến, xin được bổ sung hồ sơ, để có cơ hội để thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, xoay xở với các học sinh đã tuyển, cam kết về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… nên đã chấp nhận cho trường tiếp tục hoàn chỉnh các cam kết và tuyển sinh trở lại.

Vấn đề tuyển sinh ở Trường chuyên Phan Bội Châu, xét về mặt kế hoạch, Trường Phan Bội Châu đã làm không tốt việc tham mưu ở lớp Pháp song ngữ, không làm kế hoạch để Sở phê duyệt lớp Pháp. Bên cạnh đó, trường chuyên có những khó khăn đặc thù trong khâu tuyển sinh. Các môn khác đều thiếu nguồn tuyển như địa, sử, Pháp, Nga,… Sở GD&ĐT chấp nhận nguồn tuyển này được lấy từ các môn khác chuyển sang nên có tình trạng một số em có môn cơ sở thấp. Trách nhiệm ở đây là của trường, của các phòng, ban chức năng. Riêng lãnh đạo Sở không kịp thời nắm bắt thông tin, việc đôn đốc, kiểm tra kế hoạch của trường chuyên chưa đầy đủ, chưa tốt. Ngành đã nghiêm túc kiểm điểm, nhận rõ từng thiếu sót của các vị trí, chức trách nhiệm vụ. “Chúng tôi mong hội đồng và cử tri thông cảm”, ông Ngọ trả lời tại phiên chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Như Khôi về việc thực hiện chế độ, chính sách cho con em học sinh vùng đặc biệt khó khăn, tình trạng học sinh phải ở lán trọ học, ông Lê Văn Ngọ cho rằng trong thời gian tới, nếu làm tốt, đúng thủ tục thì đến tháng 12 tới, có thể cấp được gạo của chính phủ cho các em. Việc xây dựng nhà ở bán trú còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu vốn. Hiện nay đang có đề án giáo dục miền Tây, hướng tới việc phát triển giáo dục miền núi một cách bền vững, chú trọng đến việc xây dựng nhà bán trú cho các em học sinh.

Vấn đề sinh viên ra trường thất nghiệp trong khi giáo viên dôi dư gia tăng nhưng chưa có lộ trình, hướng giải quyết, đại biểu Đỗ Đình Quang (thành phố Vinh) đưa ra, ông Lê Văn Ngọ cho biết, hiện nay Nghệ An đang thiếu 2500 GV mầm non, đã xuất hiện thiếu tiểu học ở một số huyện; dôi dư 1574 GV THCS. Hiện nay, con số sinh viên ra trường lên đến chục ngàn, đặc biệt là sinh viên sư phạm vì nguồn đào đạo quá nhiều. Trong thời gian tới, ngành giáo dục sẽ phải tính toán đào tạo lại giáo viên theo chuẩn mới; đổi mới chương trình, tính toán việc tích hợp môn học, chọn lọc và nâng cao chất lượng giáo viên.

Vấn đề xã hội hóa giáo dục kèm theo tình trạng lạm thu khiến là chủ đề được các đại biểu thắc mắc, chất vấn khá nhiều. Đại biểu Lê Văn Trí (huyện Anh Sơn) đề nghị ngành Giáo dục nên tham mưu để quy định lại việc đóng góp xây dựng, tránh tình trạng lợi dụng lạm thu. Đại biểu Trần Doãn Quý cho rằng dẫn đến lạm thu ngoài trách nhiệm của sở mà cả UBND cấp huyện, xã. Vậy, Sở đã phối hợp như thế nào?.

Ông Lê Văn Ngọ cho rằng việc dừng thu tiền xây dựng, chuyển sang hình thức thu xã hội hóa là quyết định của Chính phủ, ngành giáo dục cũng mong muốn có thể đưa ra một quy định chung về mức thu nhưng không thể được. Bên cạnh đó, Những năm qua, ngành giáo dục đã đã cố gắng làm tốt việc quản lý xã hội hóa nhưng đây là công việc khó. Các địa phương từ xã, đến huyện cũng cần phải có trách nhiệm cùng với ngành Giáo dục. Ông Ngọ cũng cho biết, ngành giáo dục đã có các đợt kiểm tra, thanh tra. Sau thanh tra đã phát hiện và xử lý 9 hiệu trưởng các trường mầm non và trung học vì lạm thu. Một số đơn vị có xảy ra lạm thu đã bị cắt thi đua.

Vấn đề lạm thu trong trường học được đại biểu Hoàng Viết Đường - Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, dù tỉnh đang khó khăn nhưng ngân sách cho ngành giáo dục là một sự cố gắng rất lớn. Việc giải thích do ngân sách cấp thiếu ở mục “các khoản chi khác” để dẫn đến lạm thu là không thỏa đáng. Tỉ lệ chi khác/lương của Nghệ An là 17%/83%, cao hơn một số tỉnh khác. Cần phải căn cứ vào điều kiện thực tiễn, khó khăn của tỉnh và thực lực của ngành để thực hiện việc thu, chi hợp lí. Không thể vì khó khăn ngân sách mà dẫn đến lạm thu. Cần phải có các giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề này trong đó chú ý giải quyết vấn đề thiếu thu chi ở các cơ sở giáo dục như tinh giảm biên chế, tinh giảm nhân sự,xử lí tình trạng giáo viên dôi dư, khiến kinh phí bị phình ra,…

Trước các câu hỏi chất vấn vấn của đại biểu cũng như cách trả lời có phần chưa thỏa đáng của người đứng đầu ngành Giáo dục, đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, trong thời gian tời, Sở GD&ĐT phải làm kiểm điểm đúng quy trình, nghiêm túc về những vấn đề mà cử tri phản ánh. Riêng sự việc Trường trung cấp y dược Bắc Ninh, trong thời gian tới, nếu chất lượng đào tạo không đảm bảo thì phải kiên quyết dừng tuyển sinh. Việc thực hiện các chính sách, chế độ của Chính phủ với các con em học sinh nội trú, bán trú thì phải đảm bảo kịp thời. Cần phải cầu kiểm tra lại ngay các quy trình, thủ tục hành chính để xử lí kịp thời. Về vấn đề liên quan đến giáo viên hợp đồng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: UBND tỉnh đã, đang và sẽ kiên quyết xử lí cụ thể, cấm việc hợp đồng một cách tùy tiện.

Kết thúc phần chất vấn ngành Giáo dục, Đoàn chủ tịch kỳ họp đánh giá: ngành Giáo dục đã có nhiều thành tích đáng ghi nhận, nhưng cử tri kỳ vọng nhiều hơn nữa. Việc trả lời của người đứng đầu ngành giáo dục còn hơi dài, một số còn chưa thấu đáo.

Đoàn chủ tịch kỳ họp đặc biệt lưu ý đến vấn đề lạm thu trong nhà trường dưới danh nghĩa xã hội hóa gây khó khăn làm cho người dân. Để xảy ra tình trạng này là do trách nhiệm của thủ trưởng các cơ sở giáo dục, công tác quản lý xã hội hóa còn lúng túng, bất cập. Trong thời gian tới, cần phải có các giải pháp quyết liệt và đồng bộ như: Chú ý phê duyệt kế hoạch xã hội hóa của các cơ sở giáo dục; tăng cường kiểm tra, thanh tra để xử lí nghiêm sai phạm. Phải xử lí nghiêm sau thanh tra; chính quyền quan tâm, quản lí vấn đề xã hội hóa; Phải kiên quyết hơn trong việc chỉ đạo các huyện, thành thị xử lí giáo viên dôi dư; không để xảy ra tiêu cực trong việc luân chuyển giáo viên; tiếp tục tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, pháp luật ở nhà trường. Việc đào tạo liên thông, liên kết không được chạy theo số lượng, vì mục tiêu kinh tế, cần phải chấn chỉnh kịp thời.

Bên cạnh đó, cần phải tăng cường giáo dục đạo đức cho giáo viên, học sinh gắn với Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của giáo viên, học sinh,…

Nguyên Khoa – Đào Tuấn