Thư tịch cổ Chăm sẽ không còn bị hư hại
Ngày 30-12, tại TP Phan Rang- Tháp Chàm (Ninh Thuận), Trung tâm lưu trữ Quốc gia II tổ chức lễ bàn giao 62 quyển thư tịch cổ Chăm và 281 cuộn phim sao chụp thư tịch cổ cho Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận.
Lễ bàn giao thư tịch cổ Chăm |
Ghi chép trong thư tịch cổ Chăm hàm chứa nhiều lĩnh vực, như: nghi lễ, thiên văn, y học, lịch sử, truyện cổ, thần thoại, truyền thuyết, sự tích, ca dao, tục ngữ…Hiện nay, các thư tịch cổ còn lưu giữ rất nhiều trong cộng đồng người Chăm ở Việt Nam.
Theo các nhà khoa học, văn tự Chăm được chia thành ba thời kỳ: cổ đại, trung đại và hiện đại. Văn tự cổ đại là loại chữ thường được khắc lên trên các bia đá như bia đá Võ Cạnh tại tỉnh Khánh Hòa; văn tự ở thời kỳ trung đại được viết trên lá buông hay trên giấy mà hiện nay rất ít người Chăm biết đọc. Còn lại văn tự thời kỳ hiện đại được gọi là Akhar thrah – loại chữ thông dụng, được người Chăm sử dụng phổ biến để ghi chép các loại văn bản từ thế kỷ 17 cho đến nay. Loại văn tự này được xem là loại thư tịch cổ được người Chăm sử dụng phổ biến.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận, ông Đàng Năng Thọ, cho biết: “Văn tự của dân tộc Chăm có nguồn gốc từ chữ Sanskrit- là văn tự cổ xưa, và phát triển cho đến văn tự hiện đại đang được sử dụng phổ biến trong mọi tầng lớp của cộng đồng người Chăm”.
Mấy chục năm qua, Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận đã sưu tầm được 62 quyển thư tịch cổ Chăm với 3.566 trang trên các chất liệu như: giấy dó, lá buông, vải… cùng 281 cuộn phim sao chụp thư tịch cổ với nhiều nội dung về văn hóa, tôn giáo, phong tục tập quán người Chăm... tuy nhiên có nhiều văn bản quý đã và đang bị hủy hoại bởi môi trường, khí hậu, côn trùng do cách bảo quản không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, cho nên nhiều trang thư tịch cổ bị hư hại, có nhiều trang bị thủng, rách không thể tra cứu được thông tin.
Tháng 5- 2013, Trung tâm lưu giữ Quốc gia II đã giúp Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận tu bổ, phục chế, bồi nền và số hóa toàn bộ số lượng thư tịch cổ đã sưu tầm được. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy Bình, Giám đốc Trung tâm khoa học công nghệ văn thư lưu trữ - Chủ nhiệm đề án “Sưu tầm tài liệu quý hiếm của Vệt Nam và về Việt Nam” cho biết, khi phục hồi thư tịch cổ Chăm, đội ngũ chuyên gia của Trung tâm lưu trữ Quốc gia II vấp phải hàng loạt khó khăn vì hầu hết trang tài liệu đều trong tình trạng dòn, mủn, dính bết rất dễ rách nát. Nhiều trang bị mối, côn trùng gặm nhấm hư hại. Qua nghiên cứu, các chuyên gia đã áp dụng phương pháp vệ sinh, khử trùng nhằm loại bỏ bào tử các loại nấm mốc, côn trùng gây hại cho tài liệu; bóc tách, ủi phẳng từng tờ tài liệu bằng thiết bị chuyên dụng; bồi nền toàn bộ bằng loại hồ đặc chủng, bồi nền một mặt bằng giấy dó Việt Nam và hai mặt bằng giấy dó của Nhật. Tài liệu sau khi bồi nền được ép phẳng, xén mép từng tờ, sau đó được sắp xếp lại từng cuốn, đánh số từng trang và thực hiện số hóa theo tiêu chuẩn của ngành lưu trữ và được đóng cuốn lại như nguyên trạng.
Sau khi số hóa, tài liệu được đặt trong phần mềm tra cứu, khi cần chỉ cần đọc trên máy vi tính, không cần phải đọc trên bản gốc.
Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương, Cục trưởng Cục văn thư và lưu trữ Nhà nước, cho biết: “ Với kỹ thuật cao, đơn vị đã tu bổ, phục hồi, bồi nền và số hóa toàn bộ số lượng thư tịch cổ lên đến 12.334 trang, không chỉ phục hồi nội dung được viết mà còn giúp bảo quản tốt thư tịch cổ tránh được sự xâm hại của môi trường hàng trăm năm”.
Khách tham quan thư tịch cổ Chăm |
Nhân dịp này, từ ngày 30-12 đến 28-2-2014.Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận tổ chức trưng bày thư tịch cổ Chăm phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu của du khách và người dân.
Theo NDĐT