Bước chuyển trong phong trào xây dựng nông thôn mới

18/11/2013 10:41

(Baonghean) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, Nghi Lộc đã đạt được những kết quả đáng mừng. Không chỉ có xã “dẫn đầu” là Nghi Thái đã hoàn thành, mà nhiều địa phương khác cũng đã đạt được số tiêu chí rất cao. Kết quả có được là nhờ huyện đã làm rất tốt công tác tuyên truyền chủ trương chính sách cũng như cách làm hay để rút kinh nghiệm triển khai.

Nghi Lâm là xã miền núi nằm phía Tây của huyện Nghi Lộc, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng địa phương này đang là điểm sáng của huyện Nghi Lộc trong phong trào xây dựng Nông thôn mới. Đầu tiên phải kể đến phong trào hiến đất làm đường của người dân nơi đây. Ở Nghi Lâm, gia đình ông bà Trần Văn Liên và Nguyễn Thị Hòa ở xóm 4 được coi là một trong những hộ gương mẫu, đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường, dù hoàn cảnh gia đình còn rất khó khăn. Ngay sau khi có chủ trương của xã, ông bà đã tự nguyện hiến 74m2 đất vườn, trên đó đang có công trình chăn nuôi. Đến nay, người dân Nghi Lâm đã hiến hơn 11 nghìn m2 đất vườn và công trình với tổng giá trị ước tính gần 2 tỷ đồng để mở rộng đường; gần 20 ha đất nông nghiệp để xây dựng giao thông thủy lợi nội đồng. Phó Chủ tịch UBND xã - ông Trần Văn Bình cho biết: Đến nay, Nghi Lâm đã đạt 14/19 tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới như: văn hóa, y tế, giáo dục, thu nhập bình quân đầu người (22,6 triệu đồng/năm)...

Làm giao thông nông thôn ở xã Nghi Thái.
Làm giao thông nông thôn ở xã Nghi Thái.

TIN LIÊN QUAN

Còn tại Nghi Hoa, ông Đặng Văn Tâm - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Khó khăn nhất ở Nghi Hoa là nguồn thu ngân sách, đặc biệt là nguồn thu từ quỹ đất đai hầu như không có. Thế nhưng từ huy động sức dân, xã đã đắp mới và nâng cấp được 4.580 km đường giao thông nội đồng với chiều rộng từ 6-7m, bê tông hóa các tuyến đường giao thông thôn xóm, phấn đấu trong năm nay sẽ bê tông được 8,5 km kênh mương … Trước năm 2012, xã chỉ mới đạt 6 tiêu chí, năm 2013, xã xác định 3 tiêu chí là chợ nông thôn, tổ chức sản xuất và thu nhập bình quân đầu người.

Từ nguồn hỗ trợ của nhà nước, huy động các nguồn lực, chợ Quán đã được xây dựng khang trang với tổng kinh phí xấp xỉ 5 tỷ đồng. Về hình thức tổ chức sản xuất, xã tiếp tục kiện toàn, củng cố hoạt động của hai HTX là Quỹ tín dụng nhân dân và HTX dịch vụ điện năng. Để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, Nghi Hoa tích cực tiếp nhận các dự án, xây dựng các mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao (15 ha AC5 và 30 ha RVT), xây dựng và phát triển các mô hình dưa chuột, ngô nếp vụ đông, mở các lớp tập huấn đào tạo nghề... Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Nghi Hoa đạt gần 20 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, xác định sản xuất là yếu tố cốt lõi của xây dựng NTM, Nghi Lộc coi trọng việc phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng phát triển rộng khắp. Ngày càng có nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 (theo tiêu chí mới) còn 11,57%, trong đó có 3 xã tỷ lệ hộ nghèo dưới 5% đạt chuẩn NTM là Nghi Thái, Phúc Thọ và Nghi Hợp, thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 17,4 triệu đồng, dự kiến thu nhập năm 2013 đạt 21,3 triệu đồng. Ông Nguyễn Đức Thọ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Nhiều xã đã triển khai tốt công tác dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch hàng hóa quy mô lớn, qua đó tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng cánh đồng mẫu lớn.

Đạt được kết quả đó là nhờ huyện đã làm rất tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng và chính sách của nhà nước, tuyên truyền các phong trào xây dựng nông thôn mới, các mô hình điển hình trên tất cả các lĩnh vực, cách làm hay của từng địa phương, qua đó người dân, chính quyền cơ sở có thể học tập đúc rút kinh nghiệm để triển khai tại đơn vị mình. Lãnh đạo các địa phương cũng như người dân đã dần chuyển nhận thức từ tư duy coi chương trình Nông thôn mới là một dự án đầu tư của Nhà nước, sang tư duy nội sinh lấy sức dân là chính.

Từ đó, các phong trào bê tông hóa đường giao thông nông thôn, phong trào nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn, chỉnh trang khu dân cư, phong trào ra quân làm giao thông thủy lợi nội đồng... được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Huyện cũng tổ chức hội thảo các mô hình sản xuất trong nông nghiệp, tham quan mô hình chuyển đổi ruộng đất ở Yên Thành, một số xã đã tổ chức tham quan mô hình xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh phía Bắc nhằm đúc rút thêm kinh nghiệm. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa các ngành với các đoàn thể, MTTQ để lồng ghép nội dung, chương trình hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực, như Hội Nông dân huyện phát động hội viên tích cực tham gia hiến đất làm giao thông nông thôn, cắm biển duy tu bảo dưỡng đường GTNT, đào tạo nghề; Hội Phụ nữ phát động phong trào vệ sinh môi trường, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”...

Thông qua các đợt phát động, nhiều phong trào được triển khai rộng khắp. Nông dân đã tự nguyện hiến trên 375 nghìn m2 đất làm đường giao thông nông thôn, tháo dỡ nhiều công trình kiến trúc… huy động hàng ngàn ngày công, vật liệu cát, sỏi để bê tông hóa 42 km đường giao thông nông thôn tại các xã Nghi Lâm, Nghi Kiều, Nghi Trung, Nghi Thái... Đồng thời, đến nay đã có 29 xã tiến hành công bố quy hoạch, 19 xã đã tiến hành cắm mốc.

Ngoài ra, trong 3 năm, Nghi Lộc đã xây dựng thêm được 13 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện đạt 50/92 trường; xây dựng thêm 5 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế gồm Nghi Công Nam, Nghi Yên, Nghi Xuân, Nghi Quang và Nghi Tiến. Các thiết chế văn hóa từng bước được hoàn thiện, đến nay cơ bản khu dân cư có quy ước, hương ước, số gia đình văn hóa đạt 85%, làng văn hoá 59%, nhiều xã như Nghi Thái, Nghi Lâm, Phúc Thọ, Nghi Hợp, Nghi Trung cơ bản đã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới về văn hóa.

Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, Nghi Lộc vẫn còn nhiều khó khăn phải vượt qua. Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Để có thể hoàn thành các tiêu chí hạ tầng như giao thông, thủy lợi, văn hóa… cần nguồn lực rất lớn trong khi nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế. Trước những khó khăn đó, Nghi Lộc chủ trương thực hiện các biện pháp tổng thể. Trong nông nghiệp, chỉ đạo thực hiện tốt chuyển đổi ruộng đất để đảm bảo có các vùng sản xuất lớn, từ đó tập trung đưa các giống cây, con mới vào để phát huy hiệu quả trong chuyển đổi, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời củng cố lại các tổ chức về dịch vụ cho nông dân để khâu nối với các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Tập trung thực hiện tốt Đề án Bảo vệ môi trường của huyện, quản lý tốt các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong bảo vệ môi trường. Cùng với đó, làm tốt công tác dân chủ để huy động nguồn lực trong dân xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, dự kiến hết năm nay toàn huyện sẽ làm được trên 80 km đường bê tông nông thôn.

Bài, ảnh: Phú Hương