Độc đáo "Góc phố đồ xưa"

16/12/2013 19:59

(Baonghean) - Chỉ một góc quán nhỏ lặng lẽ như bao nhiêu hàng quán khác nhưng cứ đến ngày cuối tuần nơi đây lại tấp nập kẻ bán, người mua. Họ tìm đến đây để giao lưu, học hỏi và để được thỏa mãn thú đam mê đồ cổ. Quán có tên gọi “Góc phố - đồ xưa” cũng bởi thế.

Quán mở 7 ngày trong tuần nhưng nếu chỉ vào ngày thường chắc chẳng ai chú ý bởi quán nằm nép mình cạnh Trung tâm phát hành sách thành phố. Nhưng riêng chủ nhật thì quán nhộn nhịp khác thường bởi nơi đây là điểm hẹn quen thuộc của các thành viên trong Hội Di sản cổ vật Sông Lam và những người yêu đồ cổ. Đều đặn mỗi tuần một phiên, dù đến nay quán chỉ đi vào hoạt động được hơn nửa năm nhưng đã trở thành một địa chỉ quen thuộc cho người thích cái đẹp trong và ngoài tỉnh. Khách quen có, khách lạ có, chỉ một bữa tham dự “Chợ phiên đồ cổ - giao lưu cuối tuần” họ đã là bằng hữu.

“Phiên chợ” cuối tuần.
“Phiên chợ” cuối tuần.

Người khởi xướng thành lập quán là anh Nguyễn Hữu Mùi, một người có thâm niên hơn 10 năm chơi đồ cổ. Xuất phát của ý tưởng này rất đơn giản bởi theo anh: “Mấy năm trở lại đây số người có cùng sở thích này ngày một nhiều nhưng đa phần đều chơi theo kiểu tự phát. Bản thân mỗi chúng tôi đều muốn có một nơi để vừa trao đổi, giao lưu vừa để học hỏi, tìm hiểu lẫn nhau, biết thêm nhiều kiến thức quý về cổ vật… Ý tưởng ban đầu chỉ mới được nhen nhóm từ một vài người nhưng ngay sau đó nhanh chóng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của anh em chơi cổ vật. Để có được mặt bằng, dựng được quán cũng phải chạy đôn chạy đáo nhiều nơi, xin ý kiến của nhiều cơ quan, ban, ngành mới có thể hoàn thành tâm nguyện. Rất may, quán nhỏ nhưng lại mới mẻ và đặc biệt là “mến khách” nên dù có phải ngồi chen chúc, chật chội, dù đôi khi phải ngồi ngoài nắng nhưng chưa ngày cuối tuần nào vắng khách. Ngay cả người lạ, không hiểu nhiều về sành, sứ không hiểu thế nào là Đông Sơn, Chu Đậu, cũng không biết cái nào gọi là cổ, không biết vì sao lại gọi là cũ… khi bất ngờ rẽ vào cũng thấy hấp dẫn bởi sự lãng đãng, say mê của người bán, người mua, thấy được hồn vị của phiên chợ quê ngày trước.

Tuy chỉ giao lưu vào ngày cuối tuần nhưng để chuẩn bị cho một buổi “mở hàng” cũng lắm công phu. Để chào hàng, anh em có lập một Facebook với tên gọi “Hội đổ cổ rổ khoai”. Còn tại sao lại gọi là “rổ khoai” thì vui lắm, bởi đơn giản đồ cổ nhưng “rẻ” lắm, “rẻ” như … khoai, 50.000 – 60.000 đồng cũng may mắn có thể tìm được một món. Thường thì trước khi đến phiên chợ, các thành viên có món đồ nào thích muốn trao đổi thì sẽ giới thiệu trước trên mạng, hẹn đến ngày phiên chợ sẽ đem đến để anh em ngắm nghía, bình luận. Có thể nếu ưng thì “thuận mua vừa bán” nhưng bằng không thì có thể trao đổi bằng hiện vật với nhau “đổi chác các bù”, miễn là được vui vẻ.

Như anh Mùi, trong những hiện vật mà anh bày biện tại quán cà phê để khách chiêm ngưỡng nhiều hiện vật được mua từ phiên chợ này, đó là chiếc tẩu đồng đời Thanh, anh mua được từ một thầy giáo dạy ở Kỳ Sơn hay là chiếc đồng hồ quả lắc, mấy chiếc lư bằng đất… Anh Trần Thái Bình, một khách quen của quán chia sẻ: Ai chơi đồ cổ cũng phải thừa nhận, muốn chơi thì phải có một kiến thức nhất định về lịch sử, về các loại nguyên liệu. Ngay cả những người chơi “sành” cũng không thể am hiểu tất cả vì mỗi người có một thế mạnh riêng, người thì chuyên về bình, chóe Bát Tràng, người thì chỉ sưu tầm các thạp, thổ, bình đồng đồ Lý – Trần – Lê, người thì chỉ chơi gốm Đông Sơn, có người thì chỉ thích sưu tầm tiền cổ. Chính vì thế, để thẩm định một món đồ cần có sự góp ý của rất nhiều người và đã vào phiên chợ quen thì dù có muốn “dối” cũng khó mà “lừa lọc” được.

Quán mở chưa lâu nhưng cũng đã có nhiều đoàn khách từ các tỉnh, thành khác đến, trong đó đa phần là các thành viên đến từ Hội Di sản cổ vật như Hội Di sản cổ vật Lam Kinh, Hội Di sản cổ vật Thừa Thiên Huế hay Hội Di sản cổ vật Hải Phòng. Tuy còn nhỏ và mới sơ khai nhưng các hội viên ở các tỉnh bạn rất thích thú với phong cách chơi cổ vật của những người bạn Vinh và cà phê – cổ vật là một nét sáng tạo mới, vừa dân dã, vừa thiết thực, vừa tăng tính giao lưu, đoàn kết. Cũng từ đây, mối quan hệ giữa các Hội Cổ vật ở các tỉnh, thành càng thêm thắt chặt và vượt lên mối quan hệ trao đổi, buôn bán thông thường. Mới đây, Hội Cổ vật Thừa Thiên Huế đã tặng Bảo tàng Tổng hợp Nghệ An nhiều hiện vật có giá trị như Bộ kiếm của Triều đại Tây Sơn. Hay các thành viên của Hội Di sản Cổ vật Sông Lam cũng tặng bảo tàng nhiều hiện vật quý như anh Thanh – Chủ tịch hội tặng liễn trơn thời Lý Trần, anh Toàn tặng 15 cổ vật gồm tô, đĩa, bát thời Lý Trần, anh Mùi tặng bia đá có chữ Hàn, anh Đào Tam Tỉnh tặng nồi đất Đông Sơn…

Ông Đào Tam Tỉnh - Phó Chủ tịch Hội Di sản cổ vật Sông Lam tại lễ ra mắt đầu tháng 11 vừa rồi cũng đặc biệt nhấn mạnh đến phiên chợ cuối tuần này bởi đây có thể xem là “khởi nguồn” cho sự ra đời của hội. Với gần 60 hội viên đã được cấp thẻ, anh em cũng mong muốn rằng từ điểm hẹn này, số người đam mê cổ vật và yêu những đồ xưa cũ sẽ tìm đến đây nhiều hơn và tăng nhanh số hội viên trên địa bàn tỉnh. Cũng từ đây, một sân chơi mới đàng hoàng, công khai đã được công nhận, giúp những người yêu cái đẹp và gìn giữ cái đẹp có điều kiện để giao lưu, phát triển và tiếp tục lan tỏa.

Mỹ Hà