Lời hứa và trách nhiệm

14/12/2013 17:44

(Baonghean) - Sau 3 ngày làm việc tích cực, nghiêm túc với tinh thần đổi mới và trách nhiệm, kỳ họp thứ 10 - HĐND tỉnh khóa XVI đã kết thúc tốt đẹp, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao. Điều cử tri mong đợi sau kỳ họp là các cấp, các ngành sẽ thực hiện đúng lời hứa của mình, tập trung giải quyết, tháo gỡ những vấn đề bức xúc mà người dân quan tâm được phản ánh tại kỳ họp…

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tìm hiểu đời sống và sản xuất của người dân xã Châu Nga (Quỳ Châu). Ảnh: Mai Hoa
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tìm hiểu đời sống và sản xuất của người dân xã Châu Nga (Quỳ Châu). Ảnh: Mai Hoa

“Bấm đúng huyệt”

Với trách nhiệm trước cử tri, các vị đại biểu hội đồng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận, chất vấn một cách dân chủ, thẳng thắn, tâm huyết, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, thiết thực bổ sung vào các báo cáo, tờ trình và hoàn thiện các dự thảo nghị quyết cũng như bàn các giải pháp giải quyết những vấn đề bức xúc người dân quan tâm.

Nhìn chung, cả phần thảo luận tổ, lẫn phiên chất vấn và trả lời chất vấn thể hiện chất lượng của kỳ họp HĐND tỉnh lần này. Ba lĩnh vực chính được chất vấn trong kỳ họp lần này gồm những vấn đề liên quan đến ngành Giáo dục, ngành Điện và ngành Nước. Đây được xem là những vấn đề nóng, “bấm đúng huyệt” những vấn đề người dân bức xúc. Cả phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 12/12 và sáng 13/12 đều nhận được nhiều ý kiến tham gia chất vấn của rất nhiều đại biểu. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu dân cử trước cử tri, qua đó cho thấy các vấn đề HĐND tỉnh đã lựa chọn sát với tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Không khí chất vấn, trả lời chất vấn tại hội trường sôi nổi, có tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng cao. Các vị đại biểu HĐND tỉnh đã nêu câu hỏi đúng trọng tâm, thiết thực, phản ánh được ý kiến, nguyện vọng của nhân dân tỉnh nhà như những vấn đề liên quan đến chất lượng nước sạch không đảm bảo tiêu chuẩn, giá nước, các chính sách hỗ trợ về nông nghiệp và phát triển nông thôn, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, ô nhiễm môi trường…

Ngay trong phiên chất vấn sáng qua (13/12) liên quan đến ngành Giáo dục và ngành Điện, nhiều đại biểu đặt những câu hỏi thẳng thắn khiến cho lãnh đạo các ngành không khỏi lúng túng. Như vấn đề trách nhiệm của ngành Giáo dục trong việc để xảy ra tình trạng lạm thu trong trường học không giảm mà còn có hiện tượng biến tướng, thiếu công khai, dân chủ; vấn đề giáo viên sa sút đạo đức, vi phạm Chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ngày càng tăng; Quyết định 36 của Chính phủ về hỗ trợ gạo cho học sinh vùng khó khăn triển khai chậm; tình trạng lộn xộn trong đào tạo liên thông, liên kết, hiện tượng học sinh vi phạm pháp luật...

Đại biểu chất vấn tại kỳ họp sáng 13/12.
Đại biểu chất vấn tại kỳ họp sáng 13/12.

Một số đại biểu yêu cầu Sở Công Thương, ngành Điện phải trả lời cụ thể việc chậm hoàn vốn sau khi đã tiếp nhận bàn giao lưới điện nông thôn cho người dân; chất lượng điện kém, đầu tư của ngành Điện hạn chế; việc quy hoạch các công trình thủy điện công suất nhỏ gây ảnh hưởng đến môi trường, quy trình, kịch bản xả lũ các hồ đập thủy điện; quyền lợi của những cán bộ trong các HTX điện năng sau khi thực hiện bàn giao…

Về phần trả lời chất vấn, lãnh đạo một số ngành đã giải trình khá nghiêm túc, thấu đáo và cũng nhận rõ trách nhiệm liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền. Với thái độ cầu thị, sau khi lắng nghe các ý kiến chất vấn ông Lê Văn Ngọ - Giám đốc Sở GD & ĐT khẳng định những tồn tại trong ngành Giáo dục mà báo chí cũng như các cử tri phản ánh trong thời gian qua là có cơ sở và hoàn toàn đúng. Ông cũng thừa nhận vẫn còn xảy ra tình trạng lạm thu ở một số cơ sở, và trách nhiệm trước hết thuộc về thủ trưởng các cơ sở giáo dục.

Đối với tình trạng giáo viên ở huyện và một số bộ môn dôi dư, ngành đã yêu cầu các huyện rà soát đề chấm dứt hợp đồng. Còn việc để xảy ra tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức, vi phạm chính sách dân số thuộc trách nhiệm của hiệu trưởng trong việc quản lý, giáo dục, giám sát. Trước sự chất vấn thẳng thắn của đại biểu Nguyễn Ngọc Nguyên (huyện Nam Đàn) về hiện tượng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu chưa coi trọng chất lượng tuyển sinh đầu vào, hàng năm, chỉ tiêu tuyển sinh do Giám đốc Sở GD & ĐT quyết định là 385 học sinh, nhưng thực tế trường đã tuyển sinh cao hơn chỉ tiêu, trong khi cơ sở vật chất, nhân lực chưa được đáp ứng. Có trường hợp chỉ được 2 điểm môn ngoại ngữ nhưng vẫn trúng tuyển vào lớp chuyên Nga.

Vậy, Hội đồng tuyển sinh là của Sở hay của trường, trách nhiệm do ai, hướng xử lý như thế nào? Ông Ngọ khẳng định, việc tuyển sinh không đúng kế hoạch thuộc về trách nhiệm của hiệu trưởng và Hội đồng tuyển sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Bên cạnh đó, còn do trách nhiệm của Sở không nắm bắt kịp thời tình hình thực tiễn. Sở Giáo dục - Đào tạo, trường và các phòng, ban đã có kiểm điểm nghiêm túc. Sắp tới, Sở sẽ kiểm tra, làm rõ tình hình tuyển sinh ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, bàn kế hoạch thực hiện đề án tuyển sinh giai đoạn tiếp theo, đảm bảo quy mô phát triển của trường. Về câu hỏi, lạm thu trong trường học đã có hiệu trưởng nào bị kỷ luật chưa? Ông Ngọ trả lời, cho đến nay, đã có 11 hiệu trưởng bị xử lý.

Cũng trong sáng 13/12, ông Phan Thanh Tịnh - Giám đốc Sở Công Thương đã giải trình những ý kiến chất vấn đại biểu HĐND tỉnh về một số tồn tại, vướng mắc trong công tác quy hoạch đầu tư xây dựng, cơ chế vận hành xả lũ, việc phối hợp giữa chủ đầu tư và địa phương trong công tác khôi phục bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai của các nhà máy thủy điện, của hệ thống hồ, đập trên địa bàn tỉnh làm ảnh hưởng đến sự ổn định của đời sống nhân dân.Về vấn đề cán bộ HTX điện năng sau khi bàn giao xử lý thế nào, ông Tịnh khẳng định ngành Điện lực có trách nhiệm ký hợp đồng lại với những đối tượng có đủ năng lực làm việc. Về câu hỏi trong 357 xã đã tiếp nhận thì có bao nhiêu xã được hoàn trả vốn sau khi bàn giao lưới điện hạ thế nông thôn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết đến nay chưa có xã nào được hoàn trả vốn, lý do do hồ sơ bàn giao không đủ theo quy định. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng một số vấn đề Sở Công Thương trả lời vẫn chưa thỏa đáng, còn né tránh, chung chung, chưa có giải pháp cụ thể.

Ngoài phần trả lời chất vấn, giải trình của lãnh đạo các ngành có liên quan, các đồng chí lãnh đạo tỉnh như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền, Đinh Viết Hồng cũng đã đăng đàn lý giải, trao đổi một cách thẳng thắn và trách nhiệm nhằm làm rõ thêm những băn khoăn của đại biểu và cử tri về những lĩnh vực do mình phụ trách. Ngay trong sáng qua, trong phần chất vấn liên quan đến ngành Giáo dục, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cũng đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh liên quan đến lĩnh vực quản lý liên thông, liên kết đào tạo; chế độ, chính sách cho học sinh vùng khó khăn và giáo viên hợp đồng, giáo viên dôi dư.

Cần chấm dứt tình trạng “hứa rồi để đó”

Tuy nhiên, do thời gian có hạn và với hơn 30 vấn đề nêu ra, nhiều vấn đề vẫn chưa được mổ xẻ đến nơi đến chốn; nhiều ý kiến của cử tri và đại biểu chưa được giải đáp thỏa đáng. Theo đánh giá của đồng chí Trần Hồng Châu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thì phần trả lời liên quan đến ngành Điện và Sở Xây dựng có nhiều vấn đề chưa thỏa đáng, Hội đồng nhân dân tỉnh và cử tri chưa đồng tình. Một số vấn đề đã được đưa ra mổ xẻ nhiều lần tại các kỳ họp HĐND tỉnh nhưng chậm được giải quyết, khắc phục. Ví dụ như vấn đề điện nông thôn đã mấy năm nay ngành Điện kinh doanh trên tài sản của dân, nếu tính ra là hàng trăm tỷ đồng nhưng người dân vẫn chưa được thanh toán, các ngành liên quan biết có vướng mắc nhưng không tích cực vào cuộc tháo gỡ, mặc dù vấn đề này đã được bàn đến trong hai kỳ họp hội đồng nhiệm kỳ này.

Hay như vấn đề liên quan đến nước và hàng loạt vấn đề bức xúc kéo dài trong sự bàng quan của các cấp có thẩm quyền. “HĐND tỉnh mong muốn lãnh đạo các sở, ngành thấy rõ được trách nhiệm của mình, thẳng thắn xin lỗi cử tri một cách thỏa đáng và coi đây là một bài học kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo, giải quyết các vấn đề cử tri quan tâm. Riêng hai ngành Công Thương, Giáo dục cần lưu ý tập trung giải quyết những vấn đề đã được đưa vào chất vấn hai lần tại các kỳ họp hội đồng, tránh để “ quá tam ba bận”, “hứa rồi để đó không làm”, đồng chí Trần Hồng Châu phát biểu. Kết thúc phiên chất vấn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng liên quan tiếp tục trả lời bằng văn bản những vấn đề chưa rõ ràng và những câu hỏi chất vấn của đại biểu chưa được trình bày tại phiên chất vấn, gửi Thường trực HĐND tỉnh trả lời cho đại biểu và cử tri.

Mong mỏi của cử tri

Cũng như bao kỳ họp HĐND khác, kỳ họp lần này có sự theo dõi sát sao của đông đảo cử tri toàn tỉnh. Theo dõi kỳ họp ngay từ những giây phút đầu tiên, cử tri Trần Thế Độ (phường Bến Thủy – TP. Vinh) cho rằng kỳ họp HĐND tỉnh được truyền hình trực tiếp và được báo chí cập nhật, đăng tải thông tin nhanh chóng, rộng rãi, là cơ hội để cử tri nắm rõ và tổng quát nhất về tình hình kinh tế - xã hội cũng như những vấn đề bức xúc, những tồn tại, hạn chế đang đặt ra.

Bộ phận trực đường dây nóng tiếp nhận ý kiến của cử tri gửi đến kỳ họp.
Bộ phận trực đường dây nóng tiếp nhận ý kiến của cử tri gửi đến kỳ họp.

Cử tri Nguyễn Xuân Hồng (Nam Đàn) chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá cao việc kỳ họp dành phần lớn thời gian cho các phiên thảo luận, chất vấn và hài lòng với nhiều ý kiến trong phần chất vấn của đại biểu và trả lời chất vấn của các sở, ngành liên quan. Chúng tôi cũng ghi nhận sự thẳng thắn của Thường trực HĐND tỉnh cũng như lãnh đạo UBND tỉnh trong nhận xét, đánh giá phần chất vấn, trả lời chất vấn cũng như những định hướng chỉ đạo giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm đối với các sở, ngành”. Tuy nhiên, là người theo dõi rất kỹ các phiên chất vấn, ông Hồng cũng thẳng thắn bày tỏ rằng phần trả lời của một số sở, ngành có những vấn đề chưa thỏa đáng, chưa đi thẳng vào trọng tâm mà đại biểu và cử tri muốn hỏi, nhất là những vấn đề liên quan sát sườn đến người dân.

Chẳng hạn như giải trình của ông Giám đốc Sở Xây dựng về việc cung ứng nước sinh hoạt cho dân, về giá nước sinh hoạt ở các vùng phụ cận cao hơn quy định là chưa thỏa đáng. Hay câu trả lời của ông Giám đốc Sở Công Thương “về việc nhiều gia đình khi tách hộ lắp đặt công tơ phải làm luật trả cho nhân viên điện lực 1 triệu đồng, ngành sẽ kiểm tra và giao trách nhiệm cho Công ty Điện lực không để xảy ra tình trạng này” không mấy thuyết phục. Lãnh đạo Sở Giáo dục trả lời tương đối thẳng thắn và tỏ ra biết nhận trách nhiệm nhưng không hiểu vô tình hay hữu ý vẫn quên một số vấn đề mà đại biểu hỏi, chẳng hạn như việc tình trạng giáo viên vi phạm chính sách dân số ngày càng tăng?

TIN LIÊN QUAN

Là một giáo viên về hưu, bà Lưu Thị Dung - Thị trấn Hưng Nguyên quan tâm sâu sắc đến lĩnh vực giáo dục. Theo bà Dung, nghề giáo lâu nay đã xây dựng được hình ảnh đẹp trong nhân dân. Nhưng có những cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục không giữ được bản lĩnh, sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, buôn bán ma túy, xúc phạm học sinh. Đành rằng đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng làm ảnh hưởng không nhỏ đến nghề giáo. Tôi mong rằng, sau kỳ họp này, ngành Giáo dục và các cấp chính quyền cần có những giải pháp chấn chỉnh vấn đề này.

Cũng liên quan đến các nội dung chất vấn buổi chiều, ông Nguyễn Huy Trâm ở xóm 24, xã Nghi Phú (TP. Vinh) cho rằng: Có những vấn đề cử tri đã nhiều lần kiến nghị như: nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đạo đức y, bác sỹ, thái độ của cán bộ công chức... nhưng chưa được xử lý dứt điểm. HĐND cũng đã nêu trong các kỳ họp trước, các ngành cũng đã hứa thực hiện nhưng rồi đâu lại vào đó, gây bức xúc trong nhân dân. Qua theo dõi kỳ họp lần này, chúng tôi thấy lãnh đạo các Sở Xây dựng, Giáo dục, Y tế trả lời chưa sâu sát, giải pháp chưa rõ.

Những ngày diễn ra kỳ họp thứ 10 - HĐND tỉnh, đồng bào ở bản Hốc, xã Diên Lãm (Quỳ Châu) theo dõi qua sóng phát thanh - truyền hình và Báo Nghệ An nên nắm được những nội dung cốt lõi của những phiên chất vấn sôi nổi. Sau khi nghe các đại biểu chất vấn ngành Công Thương, các cử tri thực sự mong mỏi ngành Điện sớm đưa điện về bản. Bởi thiếu điện nên lâu nay, người dân bản Hốc gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các phương tiện truyền thông. Sinh ra và lớn lên ngay chính mảnh đất này, lại có thâm niên gắn bó với công tác chính quyền, ông Quang Văn Đồng - Bí thư Chi bộ bản Hốc tâm sự: “Nguyện vọng của bà con là làm thế nào để điện lưới quốc gia về với bản, có điện thì bà con mới có nhiều sinh kế để tập trung phát triển kinh tế, thuận tiện trong sinh hoạt”.

Không chỉ tâm đắc với tinh thần làm việc đầy trách nhiệm và ngày càng chuyên nghiệp của các đại biểu HĐND, nhiều cử tri còn bày tỏ về cách điều hành kỳ họp của chủ tọa kỳ họp là người đứng đầu HĐND tỉnh đã thể hiện rõ bản lĩnh, sự sâu sát, nắm bắt những vấn đề mà cử tri quan tâm, kiến nghị tại kỳ họp lần này và mong muốn các sở, ngành sẽ giữ đúng lời hứa trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc của cử tri, tránh hiện tượng hứa rồi để đó, hoặc giải quyết chậm, chưa dứt điểm. Cử tri mong muốn các đại biểu hội đồng sẽ tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó tham mưu cho Thường trực Hội đồng nhân dân lựa chọn những “vấn đề nóng” để chất vấn, thảo luận, từ đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Nguyện vọng đó của cử tri cũng là mong muốn của Thường trực HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh để các hoạt động thảo luận, chất vấn của hội đồng ngày càng đổi mới và hiệu quả.

Tin rằng với sự đồng hành và giám sát của cử tri, của đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm của mình, tập trung hoàn thành các chỉ tiêu KT - XH đặt ra liên quan đến ngành mình, lĩnh vực của mình; thực hiện đúng lời hứa với cử tri; tạo niềm tin và động lực đưa Nghệ An ngày càng phát triển, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

Nhóm phóng viên