Phát hiện cây một lá tại vườn quốc gia Pù Mát

23/12/2013 19:19

(Baonghean) - Tháng 6 năm 2013, nhóm nghiên cứu của khoa Nông Lâm Ngư, Đại học Vinh phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển vùng thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ do PGS. TS Trần Ngọc Lân phụ trách đã tiến hành điều tra về nhóm cây có giá trị dược liệu tại Vườn quốc gia Pù Mát. Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy nhiều loài thực vật có giá trị dược liệu cao, đặc biệt trong đó có cây một lá, một củ.

Tên gọi cây một lá, một củ xuất phát từ đặc điểm thực vật học của nó, đó là loài cây này chỉ có duy nhất một lá. Cây một lá có tên khoa học là Nervilia fordii (Hance) Schltr., thuộc họ lan (Orchidaceae). Ở Việt Nam, nó còn được gọi với các tên như thanh thiên quỳ, lan cờ, trân châu trắng, slam lài, bâu thoọc (Tày).

Cây lan một lá
Cây lan một lá

Cây một lá là một loài lan địa sinh sống lâu năm, cùng họ với những loài lan cảnh có hoa đẹp khác. Cây cao từ 20 - 30cm, thân rất ngắn, có rễ củ dạng tròn với nhiều ngấn ngang nặng khoảng 1,5 – 2 gam. Cây chỉ có duy nhất một lá mọc thẳng lên từ củ sau khi hoa tàn. Lá hình tim tròn, xếp các gân lá hình chân vịt, đường kính từ 10 – 25 cm, mép uốn lượn. Hoa màu trắng, đốm tím hồng. Quả nang chứa nhiều hạt nhỏ.

Cây một lá phân bố ở Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan. Ở Việt Nam, cây một lá mọc trên kẽ đá, nơi rợp vùng đá vôi và ở nơi ẩm vùng chân núi Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hoà Bình, Ninh Bình, Kon Tum, Lâm Đồng.

Trong danh mục các loài thực vật và đặc biệt là nhóm dược liệu của Vườn quốc gia Pù Mát chưa thấy xuất hiện loài cây một lá này. Chính vì vậy, việc phát hiện và thu thập được mẫu cây một lá là một phát hiện mới, bổ sung cho đa dạng sinh học thực vật và các loài có giá trị dược liệu cho khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.

Ở Việt Nam, chưa có các công trình nghiên cứu về cây một lá cũng như thành phần hoá học có trong thân lá và củ của loài này. Tuy nhiên, từ lâu cây một lá đã được sử dụng như một loài dược liệu quý, có giá trị kinh tế.

Về tính vị và tác dụng: Cây một lá có vị ngọt nhạt, hơi đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, giảm ho, làm dịu đau, tán ứ. Ở nước ta, đồng bào sử dụng lá làm thuốc giải độc, nhất là ngộ độc nấm. Người ta dùng 2-3 lá phơi khô thái nhỏ, hãm với nước sôi trong ít phút rồi chiết nước uống 2 lần/ngày. Cây một lá cũng được dùng làm thuốc bồi dưỡng cơ thể, thuốc bổ và mát phổi, chữa lao phổi, ho. Ngày dùng 10-20 lá dưới dạng thuốc sắc, thuốc hãm, hấp đường hoặc chế biến thành cao lỏng để uống. Dùng ngoài lấy lá tươi giã nát, đắp lên các chỗ đau nhức hoặc đắp mụn nhọt các vết lở.

Ở Trung Quốc, người ta dùng toàn bộ cây để trị các bệnh: ho lao phổi, viêm phế quản; viêm miệng, viêm họng cấp tính, tạng lao; trẻ em hấp thụ kém và nuôi dưỡng kém; rối loạn kinh nguyệt; đòn ngã tổn thương, viêm mủ da. Liều dùng 10-15 gam dạng thuốc hoặc ngâm rượu. Dùng ngoài giã củ tươi vừa đủ đắp vào chỗ đau.

Một số bài thuốc dùng cây một lá như:

Viêm miệng, viêm họng cấp tính: cây tươi một lá dùng nhai.

Tạng lao: Lan một lá 15 gam nấu với thịt lợn làm canh ăn.

Trẻ em hấp thụ kém và nuôi dưỡng kém: Củ lan một lá 5-10 gam nấu với thịt lợn nạc hoặc trứng gia cầm và ăn như thức ăn.

Trước đây, cây một lá ít được chú ý khai thác ở nước ta nhưng trong những năm gần đây, do có giá trị lớn nên cây bị khai thác nhiều để bán qua biên giới cho Trung Quốc. Người Trung Quốc tìm mua cây lan một lá với giá cao từ 1-2 triệu đồng/1 kg. Do lượng cây lan một lá trong tự nhiên không nhiều (ở Vườn quốc gia Pù Mát là 10 - 15 cây/100m2) cộng với tốc độ khai thác của người dân để bán và làm thuốc khiến cho loài cây này trở nên quý hiếm và có nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng. Cây lan một lá được ghi vào danh sách các loài cây cần được bảo vệ trong “Sách đỏ Việt Nam”.

Trần Ngọc Lân

Cao Thị Thu Dung