Bài 6: Những người "bắt mạch" biển trời

22/01/2014 09:25

(Baonghean) - Mỗi chương trình dự báo thời tiết trên sóng truyền hình quốc gia đều có phần dự báo ở quần đảo Trường Sa. Những thông tin đó có can hệ trực tiếp đến cuộc sống, mưu sinh của những ngư dân và hàng ngàn chuyến tàu qua lại trên tuyến hàng hải sôi động này. Mấy ai biết rằng, để có được những thông tin cập nhật từng giờ, từng ngày ấy là sự hy sinh thầm lặng của những người làm công tác khí tượng, hải văn ở

Đong đếm biển trời

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến với Trạm khí tượng hải văn Trường Sa, đảo Trường Sa ấy chính là những chàng trai còn rất trẻ. Nghe giọng nói thì biết, họ đến từ rất nhiều miền quê trên cả nước nhưng lại chung một niềm đam mê cho nghiệp “đong đếm biển trời”. Cuối năm, vùng biển Trường Sa hãy còn động, gió to cuốn theo hơi mặn từ biển vào, bầu không khí nóng như đổ lửa nhưng anh Võ Thành Tín – nhân viên trạm vẫn miệt mài ngoài khu vườn khí tượng với cuốn sổ, cây bút, cặm cụi ghi chép các số liệu về nhiệt độ, thời gian nắng, lượng mưa, mây, tốc độ gió...

Anh Võ Thành Tín - cán bộ Trạm Khí tượng, Hải văn Trường Sa thu nhận các thông số.
Anh Võ Thành Tín - cán bộ Trạm Khí tượng, Hải văn Trường Sa thu nhận các thông số.

TIN LIÊN QUAN

Công việc nhìn qua có vẻ giản đơn nhưng lại đòi hỏi sự chính xác và tỉ mẩn, tinh nhạy rất cao của người làm công tác khí tượng. Những thông tin thu thập được cực kỳ quý giá, bởi nó can hệ trực tiếp đến cuộc sống, mưu sinh của những ngư dân đánh bắt hải sản ở ngư trường Trường Sa và sự an toàn cho những chuyến tàu qua lại. Công việc xong xuôi, lau vội mồ hôi trên trán, anh Tín chia sẻ: “Nhiệm vụ của chúng tôi là vậy. Mọi thông tin phải được ghi chép cẩn thận, chính xác, kịp thời chuyển về Đài Khí tượng, thủy văn khu vực Nam Trung bộ đặt trong đất liền để có những dự báo chính xác nhất. Mùa này, gió mùa Đông Bắc tràn về nên thời tiết càng diễn biến phức tạp, phải dự báo thật chính xác để tàu thuyền qua lại được biết, đảm bảo an toàn”. Ở trạm không chỉ có việc quan trắc khí tượng mà các cán bộ còn phụ trách quan trắc hải văn. Độ cao sóng, độ mặn của nước biển, mực nước biển đều được các anh ghi nhận và báo cáo vào đất liền theo đúng định kỳ.

Trạm trưởng Vũ Đức Chung cho biết: “Mỗi ngày, trạm quan trắc khí tượng 8 lần theo các khung giờ: 1,4,7, 10, 13, 16, 19, 22, tức là cứ 3 giờ quan trắc một lần. Quan trắc thủy văn 4 lần vào khung giờ: 1,7,13, 19. Tất cả số liệu đều chuyển lập tức vào đất liền. Còn những lúc có bão, chúng tôi phải theo dõi liên tục để nắm bắt thông tin nhanh nhất, kịp thời phục vụ cho công tác dự báo, trung bình 1 giờ một lần”. Khối lượng công việc trên được đảm đương bởi 7 cán bộ của trạm. Tất cả họ đều đang ở độ tuổi 8X. Trong căn phòng khách nhỏ, bức tường được treo nhiều bức ảnh biểu trưng cho nhiều vùng quê khác nhau, như một cách ngầm “khoe” đại gia đình khí tượng ở Trường Sa này đến đây từ mọi miền đất nước.

Câu chuyện của chúng tôi với anh em khí tượng phút chốc lại bị đứt quãng, cả gian phòng chìm trong khoảng lặng nghẹn ngào khi nhắc về đồng nghiệp Hoàng Văn Nghĩa, sinh năm 1986, quê huyện Nam Trực (Nam Định). Anh ngã xuống để hải trình của hàng ngàn chuyến tàu được bình yên khi chưa đầy 24 tuổi. Đó là một ngày trung tuần tháng 3 năm 2010, vào ca trực, anh Nghĩa lại mang thiết bị ra cầu cảng đảo Trường Sa đo đạc các số liệu hải văn. Hôm đó, trời mưa, gió thổi mạnh, cơn sóng dữ tràn lên cuốn trôi anh xuống biển. Ca làm việc qua đã lâu, cả trạm chờ mãi không thấy Nghĩa về liền đổ xô đi tìm. Vài giờ sau, thi thể anh Nghĩa mới được tìm thấy trong nỗi bàng hoàng tiếc thương vô hạn của đồng nghiệp và cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên đảo. Thấm thoắt đã gần 4 năm trôi qua, anh Nghĩa yên nghỉ tại mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc trong hơi ấm yêu thương của đồng nghiệp, bộ đội và nhân dân trên đảo.

Và còn rất nhiều những gian lao, nhọc nhằn, thậm chí là nguy hiểm của những cán bộ khí tượng thủy văn ở Trường Sa. Đó là những đêm mưa rền, gió rít; ngày nắng bỏng da, rát mặt và có cả những thời khắc cô đơn, lạnh lẽo một mình giữa biển trời bao la. Nhưng họ không chùn bước, cả 7 cán bộ khí tượng hôm nay và lớp lớp các thế hệ cán bộ đi trước vẫn luôn vững tâm bám trạm từng giờ, từng phút đong đếm biển trời Trường Sa.

Hy sinh lặng thầm

Gắn với nghiệp thủy văn, dù ở trên đất liền hay hải đảo xa xôi, vì đặc thù công việc, phần đa họ đều phải xa gia đình thường xuyên. Trạm trưởng Vũ Đình Chung cho biết: “Cũng giống như bộ đội, anh em khí tượng dành thời gian rảnh rỗi để trồng rau, nuôi gà, vịt, đánh cá tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn hàng ngày. Sống với nhau hàng năm trời nên mọi người đoàn kết, đùm bọc, thương yêu nhau như anh em trong nhà”. Tất nhiên, phía sau những ca trực, những giờ sản xuất, trong câu chuyện của các anh, chúng tôi vẫn cảm nhận rõ những hy sinh lặng thầm thật khó nói nên lời.

Như Vũ Đình Chung chẳng hạn. Năm nay tròn 30 tuổi, chưa vợ con và gắn bó với nghề được gần 5 năm, đôi chân của chàng trai trẻ đã đi qua nhiều trạm KTTV ở khu vực Nam Trung bộ trước khi ra Trường Sa. Quê mãi tận xã Thiệu Viên, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) nên ít khi anh có thời gian về thăm gia đình. Năm 2010, mẹ anh mất, về chịu tang mẹ xong, anh lại quay trở lại với công việc và ra Trường Sa nhận nhiệm vụ 2 năm nay. Xuân này là xuân thứ 3 của Chung ở Trường Sa. “Từ ngày mẹ mất, mình vẫn chưa về làm giỗ cho mẹ được lần nào, cũng trăn trở, suy nghĩ nhiều lắm! Nhưng vì điều kiện công việc đặc thù nên gia đình cũng động viên rất nhiều. Năm rồi, bố mình dù tuổi cao cũng ra Trường Sa thăm mình theo diện thăm thân. Tình cảm gia đình và hiệu quả xã hội mà công việc mang lại giúp tư tưởng mình ổn định, yên tâm công tác ở Trường Sa”.

Trong số 7 anh em ở trạm, Võ Thành Tín được xem là người “thành đạt” hơn cả vì đã có vợ. Nhìn vẻ bề ngoài to cao, nước da đen bóng, giọng hào sảng đặc trưng dân biển, ít ai ngờ chàng trai quê võ Bình Định sinh năm 1987. Cũng như Trạm trưởng Chung, đây là lần thứ 3, Tín đón Tết ở Trường Sa. Xa vợ, xa gia đình ắt hẳn là nhớ rồi, nhất là vào những dịp cuối năm khi nắng Xuân đã khẽ khàng đánh thức nụ bàng vuông trên đảo. Chuyện tình yêu của Tín nghe kể cứ ngỡ là cổ tích. Bởi trước khi thành vợ, thành chồng, hai người đã có một tình yêu đẹp kéo dài 6 năm. Năm 2011, khi đó Tín đang công tác tại Phú Yên thì hai người kết hôn. Sau đó 3 ngày, anh lại trở lại với công việc “đếm gió, đong mưa” lặng thầm của mình. Hai tháng sau, Tín tiếp tục nhận quyết định ra Trường Sa làm việc. Từ đó đến nay, hơn 2 năm đã trôi qua, bao nhiêu nhớ thương, giận hờn, cả những lời động viên nhau đều chỉ nhờ vào sóng điện thoại. Nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ để những người công tác nơi đảo xa vững tâm công tác. “Vợ mình đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Hôm nào cô ấy cũng gọi điện thoại kể chuyện, rồi không quên động viên mình yên tâm công tác. Vừa rồi, vợ gọi điện nói sắp về Tết. Lại thêm một năm nữa, chắc không khí sum họp của gia đình sẽ vui vầy lắm đây”, Tín chia sẻ.

Đang nói chuyện với Tín thì ở phòng bên, em út của cả trạm Nguyễn Tấn Trung đang cẩn thận gói ghém đồ đạc, áo quần vào va ly. Lẫn vào trong đó là những cành hoa ốc. Gọi vậy là bởi, thân được làm cành bàng vuông trên đảo, hoa làm bằng vỏ ốc. Trung bảo: “Từ khi ra Trường Sa làm việc, em chưa gặp gia đình lần nào nên háo hức lắm! Đây là món quà Tết em mang về tặng gia đình và bạn bè cho có hương vị đảo”. Nhìn dáng dong dỏng cao, nước da trắng ngần, chẳng thể nghĩ, cậu “lính” khí tượng 24 tuổi này đã có thâm niên 3 năm công tác liên tục ở Trạm khí tượng hải văn Trường Sa. Trung sẽ theo tàu HQ 571 cùng chúng tôi vào đất liền sum vầy đón Tết cùng gia đình ở Tuy Hòa, Phú Yên. “Về ăn Tết chắc chắn vui lắm, nhưng chưa về cũng biết, chỉ cần thoáng xem chương trình dự báo thời tiết về quần đảo Trường Sa là lại nhớ trạm, nhớ anh em, nhớ nghề ngay ấy mà. Làm khí tượng lâu năm nó cũng “lây” cái “đỏng đảnh” của thời tiết hay sao ấy, anh ạ!”- Trung tếu táo.

Bài, ảnh: Thành Duy – Đào Tuấn