Angola: Thị trường nhiều thuận lợi cho hàng Việt
Gạo, dệt may, phân bón và vật liệu xây dựng của Việt Nam đang có lợi thế lớn tại thị trường Angola do chất lượng và giá cả đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng nội địa.
Gạo đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Angola
Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, Bộ Công Thương, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Angola đang được hưởng những ưu đãi do Chính phủ Angola khuyến khích các doanh nghiệp và các nhà đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước.
Năm 2012, xuất khẩu của Việt Nam sang Angola đạt trên 115 triệu USD, tăng hơn gần 70% so với năm 2011. Các mặt hàng xuất khẩu chính là gạo, đạt trên 54 triệu USD, chiếm khoảng 50%, tiếp theo là hàng dệt may đạt 14,4 triệu USD, phân bón đạt 9,4 triệu USD. Riêng 9 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 101,68 triệu USD. Có thể thấy tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng khác sang Angola còn rất lớn, sau gạo thì các mặt hàng xuất khẩu khác đang dần có chỗ đứng tại thị trường.
Về hợp tác đầu tư, tính đến hết tháng 12/2012, đã có 6 dự án đầu tư của Việt Nam vào Angoala trong các lĩnh vực sản xuất tấm lợp, xe gắn máy, hàng may mặc, điện tử, điện lạnh, đồ uống đóng chai, với tổng giá trị 5,3 triệu USD.
Nhìn vào cơ cấu các mặt hàng, nhu cầu tiêu thụ gạo của người dân Angola tăng mạnh trong những năm gần đây do thay đổi rõ nét trong khẩu phần ăn, hiện hàng năm Angola phải nhập khẩu khoảng 270.000 tấn gạo, chủ yếu là gạo trắng từ Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và Việt Nam.
Điều đang nói là sản xuất gạo trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu người dân do diện tích trồng lúa gạo các năm gần đây giảm chỉ còn 13.000 hecta, so với diện tích 25.000 hecta vào thời điểm cao nhất. Cùng với trình độ canh tác lạc hậu, sản lượng lúa gạo sản xuất trong nước giảm chỉ còn 9.000 tấn. Đây được coi là cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Hiện cộng đồng người Việt ở Angola có số lượng khoảng 30.000 người cũng tạo nên một kênh tiêu thụ khá lớn đối với mặt hàng gạo từ Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang Angola đạt 41,8 triệu USD, chiếm gần 42% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia này.
Bên cạnh gạo, dệt may của Việt Nam cũng đang từng bước khẳng định chỗ đứng của thị trường do chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh. Thực tế ngành dệt may của Angola còn chưa phát triển nên nước này mỗi năm phải nhập khẩu một lượng lớn quần áo từ Trung Quốc và Việt Nam. Giá trị xuất khẩu 9 tháng của mặt hàng này từ Việt Nam sang thị trường đạt 11,6 triệu USD. Ngoài ra, sản phẩm phân bón, vật liệu xây dựng cũng đang có triển vọng tốt khi nhu cầu nhập khẩu từ phía Angola không ngừng tăng bởi chương trình phát triển nông nghiệp và cơ sở hạ tầng của Chính phủ. Trong 9 tháng, xuất khẩu phân bón sang Angola đạt 15 triệu USD, đứng thứ 2 về giá trị xuất khâu.
Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á cho hay, với việc các thị trường truyền thống như EU, Nhật Bản, Mỹ đang cho thấy dấu hiệu bão hòa, khai thác thị trường mới sẽ là mục tiêu phù hợp cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam nếu thực sự có nhu cầu đa dạng hóa thị trường của mình, cần phải chủ động hơn, tích cực hơn trong việc tăng cường hoạt động giao thương với các nhà nhập khẩu Angola để nắm bắt được nhu cầu người tiêu dùng và văn hóa tiêu dùng tại nước sở tại. Thương vụ Việt Nam sẽ là cầu nối quan trọng để doanh nghiệp biết được thông tin về các hàng rào thuế quan, thủ tục mở văn phòng kinh doanh và phương thức thanh toán cần thiết.
Theo.baocongthuong