Về vấn đề hạt nhân, phải thật sự cứng rắn!
(Baonghean) - Hồi tháng 3 năm nay, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 2094 về việc triển khai các biện pháp trừng phạt Triều Tiên đối với việc nước này liên tiếp tổ chức thử tên lửa hạt nhân và có nhiều động thái bất chấp quy định của Liên Hợp quốc và dư luận quốc tế để không ngừng phát triển vũ khí hạt nhân.
Chưa dừng lại đó, cuối tháng 11 này các cơ quan nghiên cứu lại phát hiện dấu hiệu Triều Tiên tái khởi động lò phản ứng hạt nhân Yongbyon. Đây chính là những cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý để ngày 2/12, Tổng thống Nga chính thức quyết định thi hành các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters |
Ngày 2/12, Điện Kremli đã chính thức thông báo về việc Tổng thống Putin ký sắc lệnh ban hành nhiều biện pháp “mạnh” sẽ hạn chế nhiều giao dịch của Triều Tiên đối với Nga. Theo đó, Nga cấm các công dân, tổ chức và doanh nghiệp của mình trao đổi hàng hóa với Triều Tiên hay tiến hành giao dịch tài chính có liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Tàu thuyền của Triều Tiên từ chối kiểm tra sẽ không được phép cập cảng.
Ngoài ra, Chính phủ Nga cảnh giác trong liên lạc với các nhà ngoại giao đến từ Triều Tiên. Cũng theo sắc lệnh này, Nga bắt đầu giám sát hàng hoá ký gửi có nguồn gốc từ Triều Tiên hay bị nghi là có chứa các hàng hóa bị cấm. Nga cũng sẽ khôi phục quyền ngăn chặn bất cứ máy bay nào cất cánh, hạ cánh hoặc quá cảnh trong không phận Nga nếu Nga có các thông tin máy bay đó vận chuyển hàng hóa cấm. Cùng với đó, các ngân hàng của Triều Tiên cũng bị cấm hoạt động tại Nga hoặc liên doanh với các thể chế tài chính khác của Nga.
Những nội dung trừng phạt nói trên cho thấy, trên cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý mà Liên Hợp quốc đưa ra, việc Tổng thống Nga Putin quyết định trừng phạt với Triều Tiên là phù hợp. Tuy nhiên, xét trong mối quan hệ truyền thống từ những năm giữa thế kỷ XX đến nay, thì đây là biện pháp cứng rắn, lạnh lùng hiếm có mà Nga thẳng tay thực hiện đối với Triều Tiên. Trước khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, các nước này cùng nằm chung trong hệ thống các nước phát triển theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, mối quan hệ này tuy không mặn mà như trước nhưng cũng không có biểu hiện đối lập hay thù địch.
Thậm chí, trong nhiều tình huống cụ thể, mặc dù không xuất đầu lộ diện nhưng giữa hai nước này vẫn có thái độ ngầm ủng hộ nhau nhất định. Vì vậy, có thể thấy thái độ của Tổng thống Putin đối với vấn đề hạt nhân là rất rõ ràng, dứt khoát. Ông Putin tỏ rõ thái độ người Nga không đùa đối với vấn đề hạt nhân, và một khi Triều Tiên không tuân thủ luật pháp của Liên Hợp quốc thì việc phải nhận những lệnh trừng phạt là điều không thể tránh khỏi.
Việc đặt bút ký vào sắc lệnh trừng phạt một nước vốn có quan hệ truyền thống tốt đẹp dĩ nhiên là một việc cực chẳng đã, nhưng ông Putin hoàn toàn có lý của mình, bởi trước đó ông đã tiến hành những việc làm cần thiết. Hồi tháng 11/2013, ông Putin đã thúc giục khôi phục các cuộc đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, nhưng bản thân Triều Tiên vẫn tỏ ra thiếu sự hưởng ứng đối với thiện chí của Nga. Cùng với đó, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 28/11 công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên đang tìm cách khởi động lại lò phản ứng hạt nhân gây tranh cãi Yongbyon. Theo Tổng Giám đốc IAEA, ông Yukiya Amano, cho biết dường như Triều Tiên đang tìm cách khôi phục lại hoạt động của lò phản ứng công suất 5 MW này.
Sau khi phải đón nhận thái độ lạnh nhạt từ nước láng giềng có quan hệ mật thiết nhất là Trung Quốc, việc Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh trừng phạt được dự báo sẽ tiếp tục là “cú sốc” mạnh đối với các nhà cầm quyền Triều Tiên. Hy vọng rằng, Triều Tiên sẽ sớm có những điều chỉnh phù hợp để có thể phá vỡ tình trạng bị cô lập như hiện nay, sớm tìm kiếm lại các mối liên hệ tốt đẹp với thế giới, trước hết là với những nước có quan hệ truyền thống gần gũi.
Chí Linh Sơn