Chỉ là "tự ái" nước lớn!

19/12/2013 18:38

(Baonghean) - Mối quan hệ Mỹ - Ấn là một trong những quan hệ đối tác chiến lược lắm duyên nhiều nợ. Chỉ mới tháng 6 vừa rồi, sau cuộc đối thoại chiến lược lần thứ 4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thực hiện chuyến công du sang Ấn nhằm giải quyết những vướng mắc và thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược mà hai bên đã xây dựng trong thập kỷ vừa qua.

Ấy thế nhưng, khi mối quan hệ đang ấm nồng lên, khi đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Mỹ đã ấn định chuyến thăm Ấn Độ, thì bất ngờ xuất hiện “sự cố” ngoại giao đặc biệt nghiêm trọng: Ngày 12/12, Phó tổng lãnh sự Ấn Độ bà Deviyani Hobragade đã bị bắt giữ tại New York và bị lục soát. Đây là “cú tát trời giáng” vào quốc thể đối với người Ấn, ngay lập tức một loạt hành động trả đũa ngoại giao đã được Ấn Độ liên tiếp thực hiện làm cho quan hệ chính trị hai nước trở nên căng thẳng.

Nhà ngoại giao Devyani Khobragade.
Nhà ngoại giao Devyani Khobragade.

Như tin đã đưa, ngày 12/12, bà Hobragade, “sứ thần” của Ấn Độ bất ngờ bị kiểm tra tư trang ngay trên phố, sau đó bị giam giữ chung một buồng với người nghiện ma túy. Nhà ngoại giao Ấn Độ bị cáo buộc đã phóng đại mức lương sẽ được thanh toán cho người giúp việc trong hồ sơ xin visa cho người này. Trong khi làm nhiệm vụ, lực lượng chức năng Mỹ đã yêu cầu “sứ thần” Ấn Độ trút bỏ trang phục để khám xét. Vì thế, mặc dù bà Hobragade đã được tại ngoại sau khi nộp khoản tiền bảo lãnh 250.000 USD, nhưng với người Ấn đó là sự sỉ nhục quốc thể không thể bỏ qua. Thái độ sôi sùng sục căm giận của người Ấn cho thấy họ đang chứng tỏ cho người Mỹ và thế giới biết rằng đó là hành động “bất lễ” và Ấn Độ cũng có “tự ái nước lớn” cùng với những phản ứng tương ứng để giữ thể diện.

Cảnh sát New Dehli dỡ bỏ hàng rào an ninh bằng bê tông quanh  Đại sứ quán Mỹ.
Cảnh sát New Dehli dỡ bỏ hàng rào an ninh bằng bê tông quanh Đại sứ quán Mỹ.

Các biện pháp trả đũa thực sự đã tạo ra vô số những “bê bối” ngoại giao: Các rào chắn an ninh xung quanh Đại sứ quán Mỹ ở Delhi đã được dỡ bỏ và một đoàn đại biểu Mỹ đang ở thăm Ấn Độ bị từ chối tiếp đón. Chính quyền Ấn Độ tuyên bố họ “sốc và thất kinh” trước cách cư xử mà trong đó bà Khobragade “bị làm nhục” ở Mỹ. Ngày 17/12, Bộ trưởng Nội vụ Sushil Kumar Shinde đã hủy cuộc gặp với đoàn đại biểu Quốc hội cấp cao Mỹ, với lý do mà văn phòng của ông đưa ra là “bận việc ở Quốc hội”. Phó Chủ tịch Đảng Quốc đại cầm quyền, ông Rahul Gandhi, và ứng viên Thủ tướng Narendra Modi của Đảng Bharatiya Janata đối lập cũng từ chối gặp phái đoàn Mỹ. Trước đó, ngày 16/12, Chủ tịch Quốc hội Ấn Độ Meira Kumar và Cố vấn an ninh quốc gia Shiv Shankar Menon cũng tỏ thái độ “khinh rẻ”, không thèm đón tiếp “sứ đoàn” của Quốc hội Mỹ.

Người Ấn Độ biểu tình phản đối việc Mỹ đối xử với bà Khobragade.
Người Ấn Độ biểu tình phản đối việc Mỹ đối xử với bà Khobragade.

Để xảy ra vụ việc trên một cách hoàn toàn hữu ý cho thấy rất có thể một mặt Mỹ muốn thị uy vị thế nước lớn rằng chỉ có luật pháp Mỹ là tối thượng, người Mỹ không bao giờ đặt các lợi ích ngoại giao cao hơn luật pháp nước Mỹ. Mặt khác có thể đây cũng là phép thử phản ứng của người Mỹ để dò độ nông sâu thực sự trong quan hệ Mỹ - Ấn, là phép thử để kiểm nghiệm sức mạnh ngoại giao thực chất của Ấn Độ ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, những đáp trả mạnh mẽ của Ấn Độ cho thấy người Ấn không dễ để người Mỹ “xoa đầu”. Do đó, xung đột ngoại giao xảy ra là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, mặc dù có những căng thẳng như vậy, nhưng quan hệ chiến lược Mỹ - Ấn vẫn khó có thể đổ vỡ. Bởi trên thực tế cả Mỹ và Ấn hiện đều đang tồn tại chung những định hướng về lợi ích mang tính chiến lược, lâu dài, liên quan đến sự củng cố vị trí và sức mạnh tổng thể của mỗi nước. Mỹ đang thực hiện chính sách chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, còn Ấn Độ cũng khẳng định chính sách hướng Đông của mình, khiến hai nước cùng có nhu cầu tìm kiếm sự đồng thuận trong lợi ích cho cả hai bên tại khu vực và thế giới. Ấn Độ, một trong những nước mới nổi trong những năm vừa qua, và có vị thế quan trọng trên bản đồ kinh tế và chính trị toàn cầu. Trong khi Mỹ, tuy đã suy yếu sau khủng khoảng kinh tế - tài chính năm 2008, nhưng vẫn là nền kinh tế số một thế giới. Vì lẽ đó, những xung đột nói trên có thể chỉ là những sự cố nhất thời, có thể coi như là sự va chạm về “tự ái nước lớn” với nhau, ít có ảnh hưởng đến đại cục quan hệ chiến lược Mỹ - Ấn.

Chí Linh Sơn