Nhiều ý kiến trái chiều

21/11/2013 14:34

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) vừa có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không cho nhập khẩu đường do Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai sản xuất ở Lào và không cho phép xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đường có nguồn gốc không phải từ mía do người dân Việt Nam sản xuất.

Đường nội lo mất thị phần

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, Phó Thủ tướng Lào đã gửi công thư cho Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Việt Nam chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết hạn ngạch nhập khẩu 40 ngàn tấn đường do Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sản xuất tại tỉnh Attapeu (Lào) về Việt Nam trong niên vụ 2013-2014 và sẽ tăng theo mức độ hàng năm. Đồng thời, HAGL cũng đề nghị Bộ Công Thương chấp thuận cho công ty bán 30 ngàn tấn đường thô do Công ty TNHH mía đường Hoành Anh Attapeu sản xuất ở Lào cho Công ty CP đường Biên Hòa qua cửa khẩu phụ trong niên vụ 2013-2014.

Trước các ý kiến này, Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao cho ý kiến để trình lên Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc cho hay không cho nhập khẩu đường của HAGL.

Tuy nhiên, theo ý kiến của VSSA, nếu cho Công ty CP đường Biên Hòa nhập khẩu đường nguyên liệu để sản xuất thì phải nhập chính ngạch và xuất cũng chính ngạch, có sự giám sát chặt chẽ của hải quan. Nếu tiêu thụ trong nước phải nằm trong quota nhập khẩu hàng năm đã cam kết với WTO theo hình thức đấu thầu nhập khẩu, thu chênh lệch giá về cho ngân sách.

VSSA phân tích, lượng đường trong nước đang dư thừa với con số 400.000 tấn của niên vụ 2012-2013 và dự báo niên vụ 2013-2014, lượng dư thừa sẽ lên đến 600.000 tấn. Trong khi đó, hiện nay, chỉ có cửa khẩu Bản Vược (Lào Cai) là “cửa thoát” duy nhất cho đường Việt Nam sang Trung Quốc. Nếu chấp nhận hỗ trợ HAGL, sẽ vô tình để đường nước ngoài chiếm luôn thị phần xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch trên.

Theo VSSA: Việc hỗ trợ cho Hoàng Anh Gia Lai tuy có lợi cho doanh nghiệp, Đường Biên Hòa và mối quan hệ Việt Nam - Lào, nhưng lại gây thiệt hại cho 40 nhà máy đường trong nước với hàng vạn công nhân lao động cùng hàng triệu nông dân trồng mía trong nước. Do đó, sự đánh đổi này là không cân xứng.

Không gây khó cho ngành đường trong nước?

Ngoài mối lo mất thị phần nhập khẩu tiểu ngạch, các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước còn đang lo phải cạnh tranh về giá với đường do HAGL sản xuất tại Lào. Sản phẩm này có giá bán rất rẻ do giá mía khá thấp (296 đồng/kg mía). Trong khi các nhà máy đường ở Việt Nam mua mía với giá 9.000-11.000 đồng/kg, khiến đường sản xuất trong nước không thể cạnh tranh về giá với đường của HAGL.

Ông Nguyễn Văn Lộc - Tổng giám đốc Công ty CP đường Biên Hòa - cho biết: Ban đầu, HAGL muốn được đưa đường sản xuất ở Lào về tiêu thụ tại Việt Nam. Nhưng như vậy sẽ gây khó cho những doanh nghiệp đã được cấp quota nhập khẩu 73.500 tấn đường theo cam kết WTO và gây khó cho cả ngành đường trong nước. Bởi chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Lào có nhiều ưu đãi đặc biệt đối với dự án mía đường của HAGL, nhờ đó đường do công ty sản xuất tại Lào có giá thành đặc biệt thấp (chỉ 4.320 đồng/kg).

Giải pháp nhập đường thô từ Lào về rồi chế biến, xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ vừa gỡ khó về tiêu thụ đường cho HAGL, vừa ít gây ảnh hưởng nhất tới ngành đường nước ta. Bởi, thị trường Trung Quốc mỗi năm có khả năng hấp thụ tới hàng trăm ngàn tấn đường Việt Nam. Vì thế, xuất thêm vài chục ngàn tấn đường có nguồn gốc từ đường thô nhập khẩu ở Lào về sẽ không ảnh hưởng tới xuất khẩu đường của nước ta qua đường tiểu ngạch.

Theo.baocongthuong