Làng hoa vào Tết

26/01/2014 17:31

(Baonghean) - Tết Giáp Ngọ đang đến rất gần, người trồng hoa ở các làng hoa trong tỉnh lại chộn rộn trước một mùa hoa Tết. Tháng chạp cũng là mùa “vàng” của người trồng hoa, quanh năm chăm chút, rót mồ hôi vào đất những mong đến mùa hoa tết - là dịp thị trường hoa tươi sôi động nhất trong năm…

Chúng tôi về làng nghề trồng hoa cây cảnh Hồng Phú, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu), thăm gia, đình ông Hồ Hữu Đồng ở xóm 3, xã Quỳnh Hồng - hộ đầu tiên đưa hoa ly vào trồng trên đất này. Ông Đồng tỉ mẩn chăm sóc từng nhánh ly chuẩn bị thu hoạch. Ông vui vẻ: “Gia đình đang vui mừng vì hoa nở vào đúng dịp Tết. Năm nay nhà tôi trồng hơn 1.000 gốc hoa ly các loại tím, vàng, đỏ và hơn 6.000 gốc cúc. Ly là loài khó tính, tuy được trồng trong nhà lưới nhưng phải che chắn cẩn thận, tránh nắng, mưa, gió. Những ngày thời tiết giá rét, tôi thường phải dùng máy sưởi ấm cho hoa và thắp điện để cho hoa ấm và nở đúng vào dịp Tết”.

Ông Đồng chăm sóc vườn hoa ly phục vụ tết.
Ông Đồng chăm sóc vườn hoa ly phục vụ tết.

Từ thú vui yêu thích vẻ đẹp các loài hoa, những năm 1990, ông Đồng đã đưa một số loài hoa về trồng trước sân nhà, vào mỗi dịp Tết, hoa đồng tiền, hồng, cúc, cẩm chướng… đua nhau nở tô đẹp thêm không gian ấm áp của gia đình. Được người dân trong xã và Thị trấn Cầu Giát tìm đến mua vào những ngày lễ, tết, nhận thấy có thu nhập hơn các cây trồng khác, ông Đồng quyết định trồng hoa hàng hóa. Những năm đầu chủ yếu trồng hoa cúc và hoa hồng gai phục vụ nhu cầu nhỏ lẻ của nhân dân, nay gia đình trồng thâm canh 200 m2 hoa ngoài ruộng. Năm 2010, nhà ông Đồng là hộ đầu tiên trong xã trồng thí điểm hoa ly. Ban đầu không khỏi lo lắng, thấp thỏm, liệu hoa ly có phù hợp với chất đất và khí hậu địa phương, hoa ly đầu tư cao, riêng giá giống đã 16.000 đồng/củ. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, chăm bón khoa học, ngay trong năm đầu tiên trồng 500 gốc ly đã thành công ngoài mong đợi, hoa nở đúng vào dịp tết, cành khỏe, bông to, sắc thắm, khách hàng mua với giá tại vườn 50.000 đồng/cây. Từ đây hoa ly bắt đầu bén duyên trên đất Quỳnh Hồng, được bà con nhân rộng mô hình, chịu khó đầu tư và đã đem lại thu nhập khá cao cho người dân làng nghề trồng hoa vào mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Hộ chị Trần Thị Quang, Trưởng thôn 3 trồng gần 1,5 sào hoa cúc và hoa ly, trong đó 200 m2 nhà lưới trồng hoa ly. Chị Quang đầu tư hơn 100 triệu đồng để làm nhà lưới và hạ tầng phục vụ trồng hoa, 3 năm nay trồng hoa ly đều cho thu nhập cao, lãi 30.000 – 35.000 đồng/cây. Chị Quang chia sẻ: “Để có được những bông hoa đẹp hài lòng người thưởng thức, đòi hỏi người trồng hoa phải có sự kiên trì, khéo léo, sáng tạo trong suốt quá trình chăm sóc hoa từ công đoạn xới đất, gieo hạt, tỉa cành, chăm bón và phun thuốc bảo vệ sâu rầy. Đến khi bán hoa cho khách hàng cũng phải hiểu tâm lý khách.

Xóm 3 và 4 Quỳnh Hồng có hơn 300 hộ trồng hoa, cây cảnh truyền thống. Đến năm 2011, được UBND tỉnh công nhận Làng nghề hoa cây cảnh Hồng Phú, người dân tích cực mở rộng diện tích trồng hoa ra đồng, với tổng diện tích hơn 6 ha, chủ yếu hoa cúc và hoa ly. Hoa cúc trồng quanh năm tập trung vào 2 vụ chính cúc hè và cúc đông, hoa ly chỉ trồng vụ đông cho thu nhập cao, mỗi cây bán vào dịp tết giá từ 50.000 – 70.000 đồng. Vào đầu tháng 9 âm lịch hàng năm, người dân làng nghề bắt đầu trồng hoa cúc, đầu tháng 10 âm lịch trồng hoa ly để phục vụ thị trường hoa tết. Nhờ vẻ đẹp và chất lượng tốt của các loại hoa, người trồng hoa Quỳnh Hồng không phải trực tiếp đi giao bán hoa cho các nơi. Thay vào đó, có rất nhiều lái buôn trong huyện, huyện Đô Lương, TP.Vinh… tự tìm đến thu mua tại vườn. Đầu ra thuận lợi, có bao nhiêu hoa cũng bán hết.

Đến làng hoa đào xã Nam Anh (Nam Đàn), những người dân đang thu hoạch đào để bán Tết. Những vườn đào nhờ chăm sóc tốt đã nở đúng dịp. Vườn đào của gia đình anh Trần Văn Toán ở xóm 9 xã Nam Anh có 60 gốc đã nở hoa, anh Toán cho biết, cuối tháng 11 âm lịch đã có thương lái đến đặt mua sỉ cả vườn đào với giá 20 triệu đồng, rẻ quá nên anh không bán. Một cây đào trồng 3 - 4 năm mới bán được, gần cuối năm phải tuốt lá để cây tức mà đâm hoa nảy lộc non. Theo anh Toán, trồng đào không phải chăm bón nhiều vì nó là cây chịu hạn tốt, nhưng phải biết trau chuốt, tạo hình dáng cho cây từ tháng 3, tháng 4 hàng năm. Anh Toán đã dày công tạo dáng cho từng gốc một, như vậy cuối năm mới có được những cành đào ưng ý. Khách mua thường ưa thích cành đẹp, sum, đều tán, nhiều nhánh, nhiều nụ hoa, đào càng già càng đẹp và có giá cao hơn. Vườn đào của anh Toán có hoa tươi màu hồng thắm, cánh hoa to đẹp, cứ độ từ 15 - 20 tháng Chạp hàng năm, các thương lái về tận vườn săn mua. Từ mê vẻ đẹp của hoa đào, ban đầu anh Toán chỉ trồng 3 gốc để thưởng thức, chăm cây đẹp nên nhiều khách đến hỏi mua, dần dần anh mở rộng trồng cả vườn.

Năm nay vườn đào của gia đình ông Nguyễn Quang Vinh ở xóm 9 là một trong số ít vườn đào được thương lái đánh giá đẹp nhất xã Nam Anh. Gần 100 gốc đào với hàng chục gốc 2 năm, thân mốc xù xì, hoa đã nở những bông thắm, cánh hoa dày, được cánh lái buôn say sưa săn mua. Ông Vinh năm nay 72 tuổi, là người trồng đào đẹp nổi tiếng ở vùng đất dưới chân núi Đại Huệ này, từ trước những năm 1995, ông trồng đào chỉ để thưởng thức, sau đó ít năm ngày càng nhiều khách đến săn mua đào, ông Vinh quyết định trồng đào hàng hóa trong vườn nhà. Với kinh nghiệm trồng đào hơn 20 năm đã giúp ông biết cách chăm sóc hợp lý theo từng giai đoạn phát triển để có những gốc đào đẹp hài lòng người thưởng thức vào mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Thời điểm từ tháng 2 đến tháng 7, đào phát triển nhanh, đâm nhiều cành, lá tốt, ông thường xuyên bấm chọn cành để uốn tạo thế cho từng gốc, không cây nào giống cây nào, mỗi gốc đào đều được ông tạo cho nó mỗi dáng vẻ riêng nhưng đều nồng nàn tươi thắm. Trồng đào vừa là niềm đam mê đồng thời cũng đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình. Với một hộ nông dân, làm lúa chỉ đủ lương thực để ăn, trồng đào tuy mỗi năm chỉ bán một lần vào dịp cuối năm song đem lại nguồn thu hàng chục triệu đồng cho nông hộ. Anh Nam ở Thị trấn Nam Đàn, một thương lái buôn đào 15 năm nay chỉ chuyên săn tìm mua đào ở vùng đất Nam Anh, cứ vào giữa tháng 11 âm lịch hàng năm, anh lại đến Nam Anh săn đào, không có vườn đào nào ở đây mà anh chưa đặt chân tới. Mỗi độ tháng Chạp lại ngẩn ngơ trước những vườn đào ở đây, hoa đẹp đỏ thắm, nhiều lộc, nụ; thân cành càng xù xì, dáng cổ kính, càng được người thưởng thức ưa chuộng.

Theo ông Hồ Viết Sỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Anh: Đào phai có trên đất Nam Anh từ lâu đời, gần chục năm nay đào được người dân trồng nhiều, chủ yếu tập trung ở xóm 9, với diện tích khoảng 3 ha. Ngoài ra, đào còn được trồng rải rác ở 4 xóm dọc chân núi Đại Huệ. Với khí hậu và chất đất phù hợp, đào địa phương phát triển đẹp, đặc biệt là sắc hoa hồng đỏ, tươi lâu, hàng năm cứ độ mồng 10 tháng chạp đã có khách buôn đến mua tại vườn. Mấy năm gần đây, người dân tận dụng đất vườn đồi khó trồng các loại hoa màu khác để trồng đào đem lại thu nhập khá cao.

Bài, ảnh: Quỳnh Lan