Đền Thần và lễ Kỳ Phúc

28/11/2013 19:17

(Baonghean) - Nghề chúng tôi được đi đến nhiều vùng miền, biết được nhiều di tích lịch sử gắn với mỗi vùng quê. Với thói quen của một người làm ở ban quản lý di tích danh thắng, khi đến vùng đất lạ, trước tiên tôi thường qua đền, chùa hoặc đình của làng. Một dịp, đến làng cổ Thổ Đôi Trang nay là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu tôi may mắn được đến chiêm bái đền Thần hay còn còn gọi là đền Thành Hoàng.

Đền nằm trên một gò đất cao ở giữa đồng, ngoảnh mặt hướng Nam, xây theo lối chữ đinh, khuôn viên đền còn nhiều hiện vật cổ, quý giá như: hổ chầu, ngựa chiến, sư tử, voi, hộ pháp, lính quản ngựa… bằng chất liệu đá. Cổng đền không đóng nhưng bên trong bái đường cửa khoá im ỉm. Tôi kính cẩn đứng ngoài bái vọng vào. “Chú ni thành tâm rứa là tốt!”, hoá ra cụ thủ từ đang ngồi hóng mát dưới cây cổ thụ phía sau đền. Tôi liền bắt chuyện.

Cụ thong thả kể: Đền Thần thờ “ Mộc lôi linh ứng - ngài thượng đẳng tôn thần”. Ở buổi sơ khai dân làng Thổ Đôi Trang đã được “Mộc Lôi linh ứng” vị thần ngự tại ngôi đền này hiện về bảo hộ cho nhân dân làng Quỳnh qua những gian truân của cuộc sống, qua những biến thiên của lịch sử. Công đức của ngài không sao kể xiết và ngài có một vị trí quan trọng và trang trọng trong tâm thức người dân làng Quỳnh. Ngoài ra, tại đền còn phối tế thờ ba vị đã lập làng và phát triển Thổ Đôi Trang đó là Hồ Khai cơ, Hoàng Lập cơ và Nguyễn Triệu cơ.

Lối vào đền Thần.
Lối vào đền Thần.

Trong ba dòng họ lớn tại làng Quỳnh đầu tiên phải kể đến họ Hồ với ông Hồ Kha và ông Hồ Hồng. Vào năm 1314 (Giáp Dần, năm đầu đời Trần Minh Tông niên hiệu Đại Khánh) ông Hồ Kha từ Tiên Sinh qua Bào Đột đến xem xét vùng đất sa bồi ở Đông Bắc xã Hoàn Hậu. Từ đường thiên lý vượt qua Đồi Thần, Hồ Kha xem xét địa thế phong thuỷ. Đứng trên gò nhìn ra bốn phương trời, nơi đây có: “Núi Ngựa chầu phía Nam; lèn Tàn che phía Bắc; Hinh Sơn là giáp bảng; Ất bảng ấy Quy Lĩnh; Nghiên bút sẵn bày; Cờ quạt chỉnh chiên”, con cháu đời sau sẽ khai thác những cảnh vật thiên tạo ấy như là điểm trợ lực về tinh thần để gây sự phấn chấn trong học tập, trong sự nghiệp. Sau đó ông giao lại cho người con trai cả là Hồ Hồng tiếp tục sự nghiệp khai hoang lập làng. Năm 1378, Hồ Hồng cùng với các ông Hoàng Khánh, Nguyễn Thạc chiêu mộ nhân dân lập ấp ở thôn Đồng Trương gọi là trang Thổ Đôi (nay là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu).

Ông Hoàng Khánh vào cuối thời Trần từng giữ chức Hành Khiển, quản lộ Diễn Châu. Trong thời gian tại nhiệm ở Diễn Châu, ông Hoàng Khánh từng chiêu mộ nhân dân tổ chức khẩn hoang ở nhiều nơi như Thổ Đôi (xã Quỳnh Đôi), Hiền Lương (xã Quỳnh Nghĩa), Văn Học, Văn Bằng, Phú Đa (xã Quỳnh Bảng) và lập đồn điền Diễn Châu, xây dựng cơ sở kinh tế, quốc phòng cho miền đất Nghệ An trở thành “phên giậu” vững chắc của quốc gia Đại Việt ở phía Nam. Ông được suy tôn là thuỷ tổ họ Hoàng ở Quỳnh Đôi.

Ông Nguyễn Thạc là hậu duệ của Định Quốc công Nguyễn Bặc. Cuối thời Trần, ông Nguyễn Thạc di cư từ Hải Dương vào Nghệ An, về sinh sống tại thôn Hiền Lương, xã Hoàn Hậu. Năm 1378, ông cùng các ông Hồ Hồng, Hoàng Khánh tổ chức khai khẩn vùng Thổ Đôi trang. Thời gian này, ông Hồ Hồng và Hoàng Khánh đang đảm nhiệm các chức quan của nhà Trần nên thường phải lui tới nhiệm sở, do đó toàn bộ phần việc sau này giao cho ông Nguyễn Thạc trực tiếp trông nom. Ông đứng ra xây dựng tổ chức tự quản thôn trang, xây dựng hệ thống thuỷ lợi thuỷ nông như đập Hói, bờ Be phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo cho Thổ Đôi trang ngày thêm trù mật, dân cư đông đúc. Dòng họ Nguyễn ở Quỳnh Đôi tôn ông Nguyễn Thạc là thuỷ tổ họ Nguyễn Triệu cơ.

Để ghi nhớ công ơn khai cơ, lập nghiệp của các ông, các triều đại quân chủ ban sắc phong là Dực bảo trung hưng linh phù chi thần, sắc cho dân làng hương khói thờ phụng và được phối tế thờ tại đền Thần. Cách đây hàng trăm năm tại đền Thần đã có nhiều hoạt động lễ, hội phong phú và đa dạng. Hàng năm, làng tổ chức “Lễ Kỳ Phúc” vào những ngày đầu tháng Giêng (mồng 9 và 10). Lễ hội là dịp để con cháu trong cộng đồng các dòng họ tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ tới công lao của các thế hệ cha ông đã có công khai cơ lập làng. Thế nhưng lễ hội này đã thất truyền từ năm 1952 - 2011.

Đến năm 2012, UBND xã Quỳnh Đôi phối hợp với Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam xây dựng kịch bản khôi phục Lễ hội Kỳ Phúc vừa mang đậm bản sắc truyền thống văn hoá vừa có tính thời đại phù hợp với từng giai đoạn. Văn tế lễ Kỳ Phúc tại đền Thần có đoạn rằng “Hôm nay đất nước đổi mới, quê hương Quỳnh Đôi no ấm thanh bình nhớ ơn công đức trời biển của người xưa con cháu Quỳnh Đôi xin nguyện tâm theo lời dạy của tổ tiên giữ gìn di sản văn hoá để tiếng thơm làng Quỳnh được lưu truyền mãi mãi về sau, phát huy truyền thống hiếu học lao động cần cù, sáng tạo để Quỳnh Đôi sánh vai cùng các địa phương làng, xã làm rạng danh đất nước”.

Nguyễn Trọng Cường