Khơi dậy niềm đam mê sáng tạo

09/01/2014 21:14

(Baonghean) - Năm học này cuộc thi Khoa học Kỹ thuật có quy mô lớn lần đầu tiên được tổ chức tại Nghệ An. Đây là một cơ hội và là sân chơi bổ ích để các bạn học sinh thỏa đam mê sáng tạo, thể hiện những khát vọng, những ước mơ của mình.

Mặc dù đây là lần đầu tiên tổ chức và việc phát động cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật năm 2013 – 2014 mới chính thức được triển khai nhưng cuộc thi đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của nhiều nhà trường và các học sinh. Để chọn ra những tác phẩm xuất sắc, 20 trường THPT và hơn 80 trường THCS của cả tỉnh đã tổ chức thi đấu vòng loại. Trên cơ sở hàng trăm dự án sáng tạo, 55 dự án nổi bật nhất thuộc 13 lĩnh vực hóa học, hóa sinh, khoa học xã hội, khoa học môi trường, kỹ thuật điện và cơ khí, năng lượng và vận tải, quản lý môi trường, vật lý thiên văn, y học và sức khỏe, khoa học động vật, toán học, khoa học thực vật đã được tuyển chọn để tham dự cuộc thi chung khảo. Đây thực sự là ngày hội, là một dịp để học sinh trong cả tỉnh giao lưu, học tập lẫn nhau. Cũng là dịp để các em ôn lại kiến thức, biến những kiến thức trong sách vở thành thực tiễn, hạn chế được tình trạng “học chay” hiện nay… Cuộc thi này những học sinh nào có công trình được chọn dự thi quốc gia và đạt giải sẽ có cơ hội vào thẳng các trường đại học, cao đẳng càng cho thấy tầm quan trọng và cũng là một trong những lý do để các học sinh nỗ lực hết mình.

Theo dõi 55 công trình tham gia vòng chung khảo mới thấy khả năng sáng tạo và ý thức trách nhiệm với cuộc sống của học sinh. Ví như Công trình sáng chế “Lò xử lý rác mi ni bằng phương pháp đốt” do hai học sinh Đào Ngọc Sang và Nguyễn Anh Đức của Trường THPT Tân Kỳ là một trong số đó. Sản phẩm được làm bằng tôn nhỏ gọn, sau khi rác được phân loại và bỏ vào bồn chứa sẽ tự động được xử lý nhờ vào hệ thống quạt gió, cát và than hoạt tính. Ưu điểm của phương pháp này là có thể xử lý nước thải nhờ vào lớp màng ngăn để nước thoát xuống, hệ thống quạt gió sẽ hạn chế được lượng khói sinh ra giúp khói bụi không bị độc. Chủ nhân của đề tài này, em Đào Ngọc Sang – học sinh lớp 12C1 chia sẻ lý do: Ở Tân Kỳ chỉ có Nhà máy mía đường Sông Con là có hệ thống xử lý rác thải nhưng công trình này nhỏ, chỉ phục vụ được cho nhà máy. Còn lại, người dân đa phần tự thu gom rồi đốt rác bừa bãi, làm ảnh hưởng lớn đến môi trường. Thiết kế ra công trình này, em muốn mỗi gia đình sẽ có một hệ thống xử lý rác thải riêng, giá thành của một lò chỉ chừng 1 triệu đồng nhưng cho hiệu quả rất cao.

Cũng liên quan đến môi trường là công trình “máy quét rác đa năng chạy bằng mô tơ điện” của học sinh Trường THPT Yên Thành 2. Đây không phải là một đề tài mới nhưng công trình “3 trong 1” này lại có ưu điểm vừa quét rác, vừa gom rác, vừa đổ rác. Hơn nữa, công trình này lại có ưu thế hơn tác phẩm cùng chủ đề đã từng đạt giải Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu do vận hành đơn giản, không cần quá nhiều chức năng. Hiện ở Trường THPT Yên Thành đã đưa công trình này vào ứng dụng thực tế tại trường.

Nhóm tác giả gồm hai học sinh Nguyễn Hữu Nghĩa, Nguyễn Thị Hồng Hải (Trường THCS Bến Thủy – Thành phố Vinh) lại đưa đến cuộc thi công trình “Thiết bị tự động xả nước vệ sinh không cần dùng điện”, công trình này nhằm hạn chế được những tồn tại lâu nay ở các trường học đó là học sinh sau khi đi vệ sinh thường không xả nước hoặc nếu có xả thì thường làm gãy cần gạt do các em không cẩn thận. Với công trình này, nhờ vào hệ thống cần gạt tự động được đấu nối phía dưới bồn cầu, học sinh chỉ cần chạm nhẹ chân là nước đã có thể chảy và tự động ngắt nước sau khi đã xả, giúp tiết kiệm nước. Dự án do hai học sinh lớp 9 sáng tạo, so với tổng thể chung khá đơn giản cả về nguyên liệu lẫn hình thức thiết kế, tuy nhiên thầy Hiệu trưởng Đặng Thành Công – Hiệu trưởng Trường THCS Bến Thủy lại lạc quan khi nói rằng: Điều quan trọng là qua cuộc thi này các em được thể hiện mình, được thỏa đam mê sáng tạo. Đây cũng là một dịp bổ ích để các em hệ thống lại các kiến thức đã được học và áp dụng nó vào trong thực tế.

Cùng chung quan điểm trên, thầy giáo Nguyễn Giang Nam, giáo viên Trường THCS Nghĩa Đàn rất đồng tình khi đưa cuộc thi này trở thành cuộc thi chính thức của ngành và là một bước làm quen cho học sinh bởi thời gian tới học sinh thi học sinh giỏi môn Vật lý và Hóa học sẽ thi song song lý thuyết và thực hành. Riêng với học sinh các vùng nông thôn, vùng cao đây sẽ là cơ hội để các em thể hiện khả năng sáng tạo ra nhiều trò chơi vừa đơn giản, vừa thiết thực lại không mất nhiều kinh phí.

Công trình “Tên lửa nước với giàn phóng khí nén” do hai học sinh Nguyễn Cảnh An và Võ Thị Thúy Ngân của nhà trường sáng chế là một trong các minh chứng đó. Nhóm tác giả Bùi Sỹ Hiệp, Hoàng Danh Huy, Hồ Sỹ Huy, Nguyễn Phúc Hoàng của lớp 12 A1, Trường THPT Hà Huy Tập lại mơ ước thực hiện được công trình “Máy bay không người lái”. Tuy từ thiết kế để đi vào thực hiện còn cần rất nhiều quá trình nhưng nhóm của Hồ Sỹ Huy lạc quan khi cho rằng: “Nếu có điều kiện được áp dụng vào thực tế thì máy bay không người lái lại rất có ích, thứ nhất nếu được gắn camera vào phía sau thì có thể chụp được ảnh địa lý Việt Nam. Có thể lắp thêm động cơ để giúp người nông dân tưới nước trên đồng ruộng, dùng thăm dò các vùng chiến sự để phục vụ quốc phòng an ninh. Hay đơn giản sẽ là một món đồ chơi cho trẻ em”… Để được đến với vòng chung kết này, Huy và những người bạn đã mất gần 2 tháng vừa lên ý tưởng, vừa thiết kế, vừa chạy thử. Công trình này cũng vượt qua 32 đề tài ở vòng loại để đại diện cho trường dự thi cấp tỉnh.

Nhóm tác giả của Trường Hà Huy Tập với công trình máy bay không người lái.
Nhóm tác giả của Trường Hà Huy Tập với công trình máy bay không người lái.

Được xem là đơn vị ứng cử viên “nặng ký” nhất cho giải thưởng năm nay, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đem đến cuộc thi 7 công trình nghiên cứu. Cô giáo Nguyễn Thị Giang Chi – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Phong trào nghiên cứu sáng tạo khoa học trong nhà trường đã được phát động nhiều năm nay và được rất nhiều học sinh yêu thích. Để chuẩn bị cho cuộc thi cấp tỉnh này, nhà trường đã qua nhiều vòng sơ tuyển và có 48 ý tưởng đăng ký. Mỗi một đề tài được chọn dự thi cấp tỉnh đều có một giáo viên phân công hướng dẫn và các em được tạo mọi điều kiện để hoàn thành công trình. Trong các công trình của Trường THPT Phan Bội Châu có nhiều công trình có tính thực tiễn cao như công trình “máy cào lúa và hút dẹt”, công trình “phát điện nhờ nguồn nước mưa”…

Ba trong số các thành viên của đội tuyển cũng chính là những học sinh đã đoạt giải Ba và giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật toàn quốc năm học 2012 - 2013 đó là các em Dương Văn Ngọc, Hoàng Đức Nguyên, Nguyễn Sỹ Nguyên. Cô giáo Nguyễn Thị Giang Chi cho biết thêm: Kỳ vọng nhất của cuộc thi là cho các em tập dượt nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức lý thuyết để giải bài toán cuộc sống, nâng cao năng lực ứng dụng thực hành, khắc phục tình trạng học chay như hiện nay.

Về phía ngành Giáo dục, cuộc thi này là một hoạt động hết sức thiết thực và có tính lan tỏa cao. Điều đó thể hiện qua số lượng tác phẩm dự thi và số lượng các trường tham gia đông đảo. Có nhiều phòng giáo dục dù còn khó khăn nhưng cũng tham gia từ 5 đến 6 đề tài như Phòng Giáo dục Thị xã Thái Hòa, Phòng Giáo dục Hưng Nguyên, Trường THPT Tây Hiếu, Hà Huy Tập, Phan Bội Châu. Dù cuộc thi có người thắng, người thua, có những tác phẩm đoạt giải và cũng có tác phẩm không đạt giải nhưng theo ông Thái Huy Vinh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: “Tất cả các em đều là những người chiến thắng. Những trải nghiệm nay sẽ là bài học kinh nghiệm quý giá giúp các em vững bước trong hành trình nghiên cứu khoa học và trong cuộc sống sau này…”.

Mỹ Hà