Triển lãm về truyền thống hiếu học

22/01/2014 17:10

Ngày 21-1, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã khai mạc Triển lãm “Một số hình ảnh về hệ thống Văn Miếu Việt Nam”. Người xem có thể thấy những nét sinh động của truyền thống hiếu học, khuyến học, khuyến tài Việt Nam.

 Triển lãm về truyền thống hiếu học
Triển lãm về truyền thống hiếu học

Với hàng trăm hình ảnh, hiện vật, thác bản bia Tiến sĩ… triển lãm “Một số hình ảnh về hệ thống Văn Miếu Việt Nam” giới thiệu đến công chúng nét đẹp của truyền thống giáo dục Việt Nam xưa qua văn hóa và nền khoa cử Nho học - được du nhập vào Việt Nam từ đầu thiên niên kỷ thứ nhất, đến nửa cuối thế kỷ XI, và tiếp theo gần mười thế kỷ phát triển, trở thành nền giáo dục phổ quát trong thời phong kiến, đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước.

Cùng với sự ra đời và hưng thịnh của chế độ giáo dục - khoa cử Nho học, một hệ thống Văn Miếu được thiết lập từ trung ương đến địa phương. Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở kinh thành Thăng Long được lập từ lập năm 1070. Văn miếu ở các châu huyện xuất hiện lần đầu từ năm 1414. Văn Miếu Huế được xây dựng năm 1808... Còn lại đến hôm nay, nhiều Văn miếu đã trở thành di tích giáo dục, khuyến học, khuyến tài: Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Văn Miếu Huế và các Văn miếu khác: Bắc Ninh, Mao Điền (Hải Dương), Xích Đằng (Hưng Yên), Hội An, Vĩnh Long, Cao Lãnh, Diên Khánh (Kháng Hòa), Trấn Biên (Đồng Nai)…

Không phải ai cũng được biết: Kiến trúc Văn Miếu xây dựng theo hướng bắc - nam, tùy theo cấp bậc được chia ra thành các khu vực: cổng Văn miếu, nhà Bái đường, điện Đại thành, tả vu, hữu vu, điện Khải thánh... Cũng phải là người nghiên cứu khá sâu về lịch sử - văn hóa, về lịch sử giáo dục, mới biết được: Lễ tế ở Văn miếu được tổ chức vào ngày đinh của hai tháng giữa mùa xuân và mùa thu hàng năm; lễ vật gồm có: bạch ngọc khuê, lụa trắng, xôi, nến, hương, hoa, quả và cỗ Tam sinh (trâu, dê, lợn); âm nhạc trong lễ tế tấu khúc chữ Văn...

Nói đến Văn Miếu (cũng đồng thời) là nói đến bia Tiến sĩ - một hình thức tôn vinh hiền tài độc đáo. Bia Tiến sĩ được làm bằng đá xanh, đặt trên lưng rùa - biểu tượng của sự cao quý và trường tồn. Bia được trạm khắc hoa văn tinh xảo, mang đậm dấu ấn nghệ thuật điêu khắc, thư pháp đương thời. Đó là những sử liệu gốc, xác thực, tin cậy, cung cấp nhiều thông tin phong phú về lịch sử, văn hóa của đất nước, của địa phương và các dòng họ Tiến sĩ, về chế độ giáo dục Nho học Việt Nam qua từng thời đại. Nội dung những bài văn (trên) bia còn phản ánh truyền thống giáo dục, coi trọng nhân tài. Văn Miếu Huế còn 32 bia Tiến sĩ lưu tên tuổi, quê quán của 293 Tiến sĩ trong 39 kỳ thi Hội từ 1822 đến 1919. Văn Miếu Bắc Ninh lưu giữ 12 tấm bia “Kim bảng lưu phương” và Văn Miếu Xích Đằng lưu giữ chín tấm bia đều ghi danh những vị Tiến sĩ của xứ Kinh Bắc và tỉnh Hưng Yên xưa. Tiêu biểu hơn cả, 82 tấm bia Tiến sĩ ghi danh 1.304 vị Tiến sĩ trong các kỳ thi Đại khoa từ năm 1442 đến năm 1779 đang được lưu giữ, bảo tồn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội đã trở thành Di sản Tư liệu thế giới, được UNESCO vinh danh năm 2010.

Văn miếu là nơi thờ Khổng Tử, tứ phối, thất thập nhị hiền, các bậc tiên Nho người Việt... nhưng hệ thống Văn miếu ở Việt Nam không chỉ là nơi thờ tự theo phép tắc Nho giáo. Đó còn là nơi tôn vinh hiền tài, nơi hun đúc, bảo tồn và làm hiển hiện nhiều truyền thống quí báu: hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, quý trọng nhân tài... Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị của các Văn miếu cũng chính là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Triển lãm kéo dài đến ngày 25-2, và là một điểm nhấn với du khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trong dịp đầu xuân Giáp ngọ.

Theo NDĐT